Hối hả chằng neo bè tránh bão vì cả ngàn tỉ đồng đang dưới nước
Hàng trăm hộ nuôi hải sản thị xã Sông Cầu, Phú Yên đang ra sức chằng neo lồng bè và cam kết vào bờ tránh bão trước khả năng bão số 9 có thể đổ vào vùng biển Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ.
Chiều 26-10, ông Nguyễn Thanh Minh (xã An Ninh Đông, huyện Tuy An) tất bật cùng người nhà tập trung khoan lỗ, vặn thêm ốc vít, dùng dây chão nilông chằng cột bè nuôi tôm hùm trong vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu.
Cả ngàn tỉ đồng dưới nước
"Nghe đài báo thông tin về bão số 9 mà hãi quá. Bão quá lớn nên chúng tôi rất lo lắng bởi lồng tôm nào cũng trị giá hàng tỉ đồng, không chằng neo chặt là mất sạch. Cố gắng gia cố bè cho chắc rồi vào bờ tránh bão, chứ không dám ở lại trên bè đâu. Người còn của còn, chứ ham giữ của mà không còn người thì giữ làm chi" - ông Minh nói.
Đi thuyền một vòng trên vịnh, đâu đâu cũng gặp không khí khẩn trương, đôn đáo gia cố lồng bè nuôi hải sản của hàng trăm người dân.
Ông Lê Văn Tâm (xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu) cho biết gia đình nuôi 75.000 con tôm hùm và một số bè cá nên từ sáng sớm đã huy động nhiều người chằng lại lồng bè, nhấn sâu lồng nuôi tôm hùm xuống đáy vịnh và phủ lưới lên trên các lồng hở để cá khỏi trôi ra ngoài.
"Năm 2017, 10.000 lồng tôm hùm ở vịnh Xuân Đài bị bão làm thiệt hại nặng nề nên giờ nghe có áp thấp nhiệt đới hay bão là phải gia cố cho chắc chắn" - ông Tâm nói
Theo UBND thị xã Sông Cầu, cả thị xã có 1.800 bè với gần 60.000 lồng nuôi hải sản thì tại vịnh Xuân Đài đã có 1.351 bè với khoảng 45.000 lồng.
"Tính giá trị hải sản nuôi của dân trong vịnh Xuân Đài đã hơn 1.000 tỉ đồng" - ông Phan Trần Vạn Huy, chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, cho hay.
Cột chằng lồng bè cho chắc chắn - Ảnh: Duy Thanh.
Phải đưa dân vào bờ trước 18h ngày 27-10
Theo ông Huy, vì giá trị tài sản lớn như vậy nên trước nay tâm lý không ít người nuôi muốn "bám trụ" trên bè để giữ tài sản dù sóng gió lớn.
"Chúng tôi đã thông báo yêu cầu người dân trong hai ngày 26 và 27-10 tập trung gia cố lồng bè, sau đó phải vào bờ trú bão an toàn. Huyện cũng đã có phương án cưỡng chế đưa những người cố tình bám trụ trên bè nếu có" - ông Huy nói.
Chỉ đạo tại cuộc họp ứng phó với bão số 9 sáng 26-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa là nơi có nhiều người chết trong bão số 12 cuối năm 2017 do chủ nuôi hải sản buộc người làm công ở lại giữ bè.
Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các địa phương không được để ai ở trên lồng bè, tàu thuyền khi bão vào. Những người cố tình buộc nhân công ở lại giữ bè khi có bão gây hậu quả nghiêm trọng phải bị xử lý hình sự.
Kiểm tra công tác ứng phó bão số 9 tại thị xã Sông Cầu chiều 26-10, ông Phạm Đại Dương - bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - cho biết cơ bản tàu thuyền của tỉnh đã nhận được thông tin và đang trên đường vào bờ hoặc tìm nơi tránh bão số 9 an toàn.
"Chúng tôi cũng chỉ đạo các địa phương chủ động sơ tán dân vùng xung yếu, mất an toàn, nguy cơ ngập lụt; tuyệt đối không để người dân ở lại lồng bè nuôi trồng hải sản, vùng ven biển, cửa sông. Những việc này phải hoàn thành trước 18h chiều 27-10" - ông Dương nói.