TIN THỦY SẢN

Hội nghị GOAL 2012: Tạo thay đổi bằng cách nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm

Hội nghị GOAL 2012 N.H.D.

Hội nghị Dự báo Toàn cầu ch o Giới lãnh đạo Nuôi trồng Th ủy sản (Global Outlook for Aquaculture Le adership - GOAL ) là sự kiện thường niên lớn nh ất do Liên minh Nuôi trồng Thủy sản Toàn cầu (Global Aquaculture Alliance - GAA ) tổ ch ức. GOAL 2012 vừa diễn ra từ ngày 30/10 đến 2/11/2012 tại khách sạn Shangri La, Băngcốc, Thái Lan.

Khởi đầu với tên gọi Hội nghị Dự báo Tôm Toàn cầu cho Giới lãnh đạo (GSOL - Global Shrimp Outlook for Leadership), tổ chức lần đầu tại Xingapo năm 2001 với 70 người tham dự, trải qua các kỳ hội nghị hằng năm tại Bali (Inđônêxia - 2002), Cabo San Lucas (Mehico - 2003), Băngcốc (Thái Lan - 2004), Tp Hồ Chí Minh (Việt Nam - 2005), Maiami (Hoa Kỳ - 2006), Madrid (Tây Ban Nha - 2007), Thanh Đảo (Trung Quốc - 2008), Seattle (Hoa Kỳ - 2009), Kuala Lumpur (Malayxia - 2010) và Santiago (Chilê - 2011), GOAL nhanh chóng thu hút sự tham gia ngày càng rộng của giới lãnh đạo ngành thủy sản các quốc gia hàng đầu thế giới với chất lượng chuyên nghiệp và uy tín ngày càng cao, đóng góp to lớn cho việc hoạch định chính sách phát triển thủy sản bền vững ở tầm quốc gia và thế giới.

Đồng tổ chức GOAL 2012 là Cục Thủy sản Thái Lan, Cục Xúc tiến Thương mại Quốc tế (Bộ Thương mại), Hiệp hội Tôm Thái Lan (TSA) và Hiệp hội Thực phẩm Đông lạnh Thái Lan (TFFA). Tổng cộng có 335 đại biểu từ khắp châu lục thế giới, đông nhất đến từ Bắc Mỹ - chiếm 46%, châu Á và Ôxtrâylia – 38%, châu Âu và Trung và Nam Mỹ - cùng mức 7% và châu Phi – 2%. Tiếc là các công ty Việt Nam chỉ có 3 đại biểu chính thức!

Trong bài phát biểu khai mạc của mình, ông Wally Stevens – Giám đốc điều hành GAA, “lão tướng” 35 năm trong ngành thủy sản, đã dành những lời trân trọng để nhắc đến bà Suzanne Chamberlain vừa đột ngột qua đời, người phụ nữ đã cùng chồng là TS George Chamberlain – Chủ tịch GAA – đóng góp nhiều năm cho một tổ chức lớn trong lĩnh vực NTTS.

TS. Liao, TD. Lin và những trăn trở về ngành nuôi tôm

Nghề nuôi tôm hiện đại khởi đầu từ Nhật Bản với những công trình nghiên cứu đặt nền móng cho kỹ thuật sinh sản nhân tạo tôm nuôi nhốt của TS. Fujinaga. Cuối những năm 60 của thế kỷ trước, những kết quả đó được tiếp nối ở Đài Loan bởi học trò của ông là TS.Chiu Liao. TS. Liao sinh ở Tokyo, Nhật Bản, tốt nghiệp tiến sĩ ở Đại học Tokyo và được nhận học bổng nghiên cứu viên của Quỹ Rockefeller năm 1968. Ông là giám đốc Phòng thí nghiệm Hải dương Đông Quang (1969 - 1987), Viện trưởng Viện nghiên cứu Thủy sản Đài Loan (1987 - 2002) và Chủ tịch Hội Nghề cá Đài Loan (2005 - 2008).

Sau sự suy sụp của nghề nuôi tôm sú ở Đài Loan, kỹ thuật được chuyển giao và phát triển mạnh, với nhiều thành công ở Thái Lan, Việt Nam, các nước Đông Nam Á và Trung Quốc.

Ngày 1/11/2012, Chủ tịch GAA, TS. George Chamberlain đã trao Kỷ niệm chương Thành tựu Trọn đời cho TS. I. Chiu Liao và phát biểu: “Khắp châu Á đều gọi TS. Liao là “cha đẻ của nghề nuôi tôm sú”, nhưng tôi nghĩ ông còn lớn hơn thế. Tôi nghĩ ông là cha đẻ của cả nghề nuôi tôm châu Á, vì ông đã khởi nguồn cả ngành công nghiệp này và lan tỏa ảnh hưởng rất tốt ra ngoài phạm vi Đài Loan”.

Trong bài phát biểu rất thú vị và đầy tâm huyết của mình với tựa đề “Nuôi tôm, ngành kinh doanh không bao giờ ngủ yên”, TS. Chingchai Lohawatanakul – Chủ tịch Tập đoàn Charoen Pokphand (CP Group), Chủ tịch Công ty Charoen Pokphand Foods Public Co., Ltd. (CPF), đã trình bày lược sử của ngành tôm Đông Nam Á và những vấn đề mà ngành kinh tế quan trọng này đang phải đối mặt. TS. Chingchai (ông thường gọi là Dr Lin) tốt nghiệp cử nhân nông hóa và thạc sĩ vi sinh tại Trường đại học Arizona, là tiến sĩ danh dự của các đại học Kasetsart, Songkhla và Maejo.

Ở Thái Lan, nghề nuôi tôm sú (Penaeus monodon) bắt đầu từ những cuối những năm 1980, sau 10 năm đã nhanh chóng đạt cực đại lần đầu với sản lượng khoảng 250.000 tấn/năm vào năm 1994, nhưng sau đó do dịch bệnh nên sản lượng giảm xuống 180.000 tấn năm 1997; bốn năm sau, khi khắc phục dịch bệnh, sản lượng tôm sú lại tăng lên, đạt đỉnh cao nhất 340.000 tấn/năm vào năm 2001. Nhưng rồi chỉ 4 năm sau, sản lượng lại tụt giảm thảm hại đến ngưỡng 10.000 tấn/năm vì dịch bệnh khác nghiêm trọng hơn, và không bao giờ gượng dậy được nữa.

Trong khi Chính phủ Việt Nam nỗ lực ngăn chặn cố gắng của các DN muốn nhập nội tôm bố mẹ và sản xuất tôm giống để nuôi đối tượng mới từ Tây bán cầu là tôm chân trắng Litopenaeus vannamei, thì người Thái đã rất nhanh nhạy, chuyển nhanh sang nuôi “kẻ lưu vong” này (như ông Chingchai gọi vui). Động thái quyết đoán này của Chính phủ và giới doanh nhân đã giúp Thái Lan giữ được mức sản lượng tôm nuôi, bằng cách nhanh chóng gia tăng sản lượng tôm chân trắng đạt mức 45.000 tấn năm 2002, tăng vọt lên trên 500.000 tấn năm 2006 và đạt đến đỉnh cao 650.000 tấn năm 2010.

Nhưng từ năm 2011, sản lượng tôm chân trắng của Thái Lan cũng bắt đầu giảm và dự kiến năm nay sẽ giảm đáng kể do ảnh hưởng của hội chứng tôm chết sớm EMS.

Thăng trầm như thế đủ biết nghề nuôi tôm rủi ro đến mức nào! TS. Lin đã nói vui mà buồn: “Nghề nuôi tôm cũng giống hôn nhân: người ở ngoài thì muốn lao ngay vào, còn người bên trong thì chỉ muốn thoát ra thật nhanh!”

TS. George Chamberlain, Chủ tịch GAA, đã trao tặng ông Kỷ niệm chương Thành tựu Trọn đời về những cống hiến và đóng góp xuất sắc cho NTTS, đặc biệt là công lao phát triển CP thành tập đoàn hàng đầu thế giới về chuỗi giá trị sản xuất tôm. 

Dự báo tình hình sản xuất

Ông Wally Stevens đã điểm qua thành tựu 10 năm của ngành NTTS, so sánh những điều đã làm được trong thực tế với mục tiêu “Gấp đôi trong một thập niên” mà GAA đã đề xuất. Để sản lượng tăng 100%, phải đạt tốc độ tăng sản lượng 7,2%/năm. Thập niên vừa rồi, nhìn tổng thể, ngành NTTS thế giới chưa đạt được mục tiêu này, nhưng riêng cá nuôi thì đã vượt mục tiêu, dẫu những năm gần đây có phần chập chững.

Thống kê cho thấy trong thập niên 2002-2012, sản lượng của tất cả các loài cá nuôi trên thế giới đã tăng 136,3%, nghĩa là hơn gấp đôi. Những loài có sản lượng tăng mạnh nhất là cá tuyết Đại Tây Dương (+709,7%), cá tra Việt Nam (701,9%), cá chẽm (+268,7%), cá rô phi (+163,2%), cá bơn (+147,8%), cá vền Âu (+127,3%) và cá bơn vỉ (+114,2%). Những loài cá có sản lượng tăng nhưng không đạt mục tiêu gấp đôi là cá hồi Đại Tây Dương (+80,9%), cá hồi vân (+59,1%), cá hồi coho (+50,0%) và cá nheo Mỹ (+43,5%).

Tốc độ tăng trưởng sản lượng thay đổi nhiều qua các năm, trung bình cả 10 năm đạt 9,1%/ năm; năm cao nhất (2005-2006) là 18,2%; năm thấp nhất (2008- 2009) chỉ 0,2%.

Trả lời câu hỏi “Lĩnh vực nào trong NTTS cần được chú ý nhất nếu muốn tăng gấp đôi sản lượng trong 10 năm tới?”, ý kiến của đại biểu khá phân tán, cho kết quả: Quản lý sức khỏe vật nuôi – 25%, môi trường – 22%, đầu tư – 21%, nhu cầu thị trường – 16% và thức ăn – 16%.

Trong phiên họp về tình hình sản xuất còn có các báo cáo tổng quan rất quan trọng về sản xuất tôm của TS. Jim Anderson (WB) và sản xuất cá toàn cầu của TS. Ragnar Tveteras, (Đại học Stavanger, Nauy) mà TMTS sẽ giới thiệu trong các số tạp chí sau.

Hội chứng tôm chết sớm

Trọng tâm của phiên họp thứ hai trong buổi sáng ngày 31/10/2012 về quản lý sức khỏe vật nuôi, sau bài đề dẫn của TS. George Chamberlain và báo cáo tóm tắt về bệnh dịch thiếu máu cá hồi nuôi (Infectious Salmon Anemia - ISA) ở Chile của ông Adolfo Alvial, Chủ tịch Công ty Adolfo Alvial Consultancies (Chile), cả hội nghị tập trung vào các báo cáo nghiên cứu ban đầu về hội chứng tôm nuôi chết sớm (Early Mortality Syndrome - EMS) hay còn được gọi là hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính (Acute Hepatopancreatic Necrosis Syndrome - AHPNS).

Bệnh phát sinh đầu tiên trên tôm chân trắng nuôi ở Trung Quốc năm 2009, lan sang Việt Nam trên cả tôm sú và tôm chân trắng năm 2010, sang các vùng nuôi ở Đông và Tây của Malaixia năm 2011 và sang Thái Lan năm 2012. Bệnh làm tôm nuôi chết rất sớm, chỉ trong khoảng từ 10-40 ngày sau khi thả giống, tỷ lệ chết rất cao, đến 40-90%. Những cá thể sống sót cũng tăng trưởng rất chậm.

Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được rõ nguyên nhân chính và cách phòng trừ. Báo cáo của các chuyên gia hàng đầu thế giới về bệnh tôm như TS. Donald Lightner (Trường đại học Arizona Hoa Kỳ), Rohanna Subasinghe (FAO), Chadag Mohan (NACA) và Tim Flegel (Đại học Mahidol, Thái Lan) cho biết hội chứng EMS không liên quan với các bệnh thông thường trên tôm (như đốm trắng, đầu vàng, teo gan) và các loại hóa chất, kháng sinh dùng trong NTTS không phải là nguyên nhân trực tiếp gây bệnh.

Kết luận này khác với ý kiến của TS. Nguyễn Văn Hảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu NTTS 2, cho rằng : “Bản chất gây ra hoại tử gan, tụy trên tôm là tác động của độc chất Cypermethrin - một thành phần có trong thuốc diệt giáp xác dùng để xử lý ao nuôi tôm”.

Như vậy, hội chứng EMSAHPNS vẫn đang là thách thức lớn nhất và là thảm họa gây ra những thiệt hại vô cùng to lớn cho ngành nuôi tôm châu Á. Nếu các nhà khoa học và giới DN không nhanh chóng tìm ra nguyên nhân đích thực và biện pháp khắc phục hữu hiệu, thì tương lai của ngành tôm vẫn rất mờ mịt.

Đầu tư NTTS toàn cầu và Trách nhiệm xã hội

Ngày họp thứ 2, 1/11/2012, Hội nghị GOAL tập trung trình bày các báo cáo và thảo luận chung quanh thách thức lớn nhất được quan tâm hiện nay là đầu tư cho NTTS. Sau báo cáo chuyên đề của Philippe de Lapérouse (Công ty HighQuest Partners) về nhu cầu vốn để có thể tăng trưởng thủy sản, TS. Gorjan Nikolik (Rabobank International) giới thiệu về nghiên cứu của ngân hàng Rabobank. Hội nghị cũng nghe các tham luận của Chantal Andriamilamina (Tập đoàn Tài chính Quốc tế - IFC) và của Mattia Pipino (Công ty Oceanis Partners) về các vấn đề tài chính đầu tư NTTS.

Sau đó Hội nghị tập trung thảo luận hơn 2 giờ đồng hồ về trách nhiệm xã hội với sự dẫn dắt và đối thoại của nhóm các nhà quản lý và đại tiện các tổ chức quốc tế lớn, gồm ông Steven Hedlund (GAA), Tuomo Poutiainen (Tổ chức Lao động Quốc tế - ILO), Mudnakudu Nandeesha (Đại học Thủy sản Tamil Nadu), Pedro Bueno (NACA), bà May Myat Noe Lwin (CNN Aquaculture), bà Lisa Goché (GAA/BAP) và John Connelly (Hiệp hội Thủy sản Hoa Kỳ - NFI).

GAA cũng chính thức công bố phát động cuộc thi đoạt Giải thưởng đặc biệt cho những sáng kiến giúp vượt qua thách thức về sản xuất và tránh các tác động xấu về môi trường và xã hội của các trại nuôi được chứng nhận BAP. Cuộc thi được sự tài trợ của hãng Novus International. Ba đơn vị vào vòng chung kết sẽ được Novus mời đến đại bản doanh của công ty tại St. Charles (bang Missouri, Hoa Kỳ) vào mùa hè 2013.

Novus International, Inc. có trụ sở ở thành phố St. Louis, bang Missouri, Hoa Kỳ, và dịch vụ khách hàng ở gần 100 quốc gia. Là công ty dẫn đầu toàn cầu về phát triển các giải pháp quản trị dinh dưỡng và sức khỏe động vật.

Dự báo thị trường thủy sản thế giới

Hội nghị dành ngày cuối cùng để bàn về thị trường thủy sản thế giới năm 2013. Ba nhóm chuyên gia về thị trường thủy sản của các công ty siêu thị và thương mại hàng đầu thế giới gồm các ông bà Mike Berthet (công ty M & J Foods), Phil Gibson (Safeway USA), David Smith (Sobeys Inc.), Jeff Sedacca (National Fish & Seafood), Huw Thomas (Morrisons PLC), George Parmenter (Delhaize USA), Beth Grant (U.S. Foods), Roger Lin (Kingston Foods Corp.) và Steve Disko (Schnucks Markets) đã dẫn dắt và đối thoại sôi nổi với hội nghị suốt cả buổi sáng về dự báo thị trường thủy sản toàn cầu năm 2013.

Trả lời câu hỏi “Ai có trách nhiệm chính trong việc thông tin và hướng dẫn người tiêu dùng hiểu rõ những chuyển biến đã diễn ra trong sản xuất và tiêu dùng thủy sản”, ý kiến thăm dò của hội nghị cho kết quả: người sản xuất - 5%; các tổ chức phi chính phủ - 5%; nhà phân phối - 29% và tất cả các bên - 61%. Như vậy, Hội nghị thống nhất, tất cả các bên cần hợp tác chung tay trong công cuộc thông tin và hướng dẫn người tiêu dùng về những tiêu chuẩn bền vững trong sản xuất và kinh doanh thủy sản, chứ không dồn toàn bộ trách nhiệm cho người sản xuất như hiện nay. Đấy là một chuyển biến mới về nhận thức của cộng đồng DN thủy sản toàn cầu.

Hội nghị GOAL2012 đã kết thúc tốt đẹp. Hẹn gặp lại ở Hội nghị GOAL 2013 tại Paris và Hội nghị GOAl 2014 tại Thành phố Hồ Chí Minh!

N.H.D. Vietfish