TIN THỦY SẢN

Hội nghị Quản lý giống tôm nước lợ

Văn Thọ

Ngày 15/8/2016, tại thành phố Phan Thiết, Bình Thuận, Bộ Nông nghiệp &PTNT đã phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức Hội nghị “Quản lý giống tôm nước lợ”. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Bộ Nông nghiệp &PTNT, UBND tỉnh Bình Thuận, Tổng cục Thủy sản, Cục Thú y, đại diện Sở Nông nghiệp &PTNT các tỉnh, các Hiệp hội, doanh nghiệp, cùng các phóng viên báo đài đến đưa tin. Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nguyễn Ngọc Hai - Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì Hội nghị

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, trong 6 tháng đầu năm 2016, cả nước có 1.750 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ, trong đó 1.240 cơ sở sản xuất giống tôm sú, 510 cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng và sản xuất được 55,4 tỷ con giống. Hiện nay, các cơ sở sản xuất tôm giống chủ yếu tập trung tại 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận đáp ứng khoảng 50% số lượng giống tôm nước lợ cho nhu cầu thả nuôi trong cả nước. Số còn lại được sản xuất tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long (Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau) và các tỉnh phía Bắc như (Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh). Để đáp ứng được nhu cầu 130 tỷ con tôm giống hàng năm cần 230 nghìn tôm bố mẹ (trong đó: 200 nghìn tôm thẻ chân trắng, 30 nghìn tôm sú). Tuy nhiên, đối với nguồn tôm bố mẹ hiện nay chúng ta đang phụ thuộc chủ yếu nguồn nhập khẩu từ các nước Mỹ, Singapo, Thái Lan, Mexico. Riêng với tôm sú bố mẹ chúng ta cũng đã sản xuất được trong nước và một phần khai thác từ tự nhiên nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tôm giống trên cả nước. Việc chúng ta phải phụ thuộc vào nguồn tôm bố mẹ từ các nước khác đã làm ảnh hưởng lớn đến lợi thế cạnh tranh trên thị trường đối với sản phẩm tôm. Bên cạnh đó, ngành tôm đang đối mặt với không ít những thách thức từ biến đổi khí hậu, chất lượng tôm giống, tình hình dịch bệnh, liên kết chuỗi trong sản xuất, chất lượng thuốc hóa chất và áp lực cạnh tranh trên thị trường trong xu thế hội nhập ngày càng gay gắt. Để tận dụng tối đa những cơ hội và hạn chế thách thức trong ngành tôm, chúng ta cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ các khâu trong chuỗi sản xuất. Trong đó, nâng cao chất lượng con giống, tạo ra tôm giống sạch bệnh, kháng bệnh sẽ là yếu tố quyết định đến sự thành công đối với ngành tôm và đưa ngành tôm phát triển một cách bền vững.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận xoay quanh các vấn đề về: chất lượng, tiêu chuẩn tôm giống; nghiên cứu con giống giúp chủ động nguồn giống trong nước; quy trình kiểm địch chất lượng giống tôm, tăng cường kiểm soát nguồn tôm giống, đảm bảo sạch bệnh; ngăn chặn và xử lý triệt để tình trạng bơm tạp chất vào tôm…Các đại biểu tham dự hội nghị cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét đưa con tôm thành sản phẩm chủ lực quốc gia, từ đó đề ra những chiến lược hành động mang tính đột phá, xây dựng phát triển ngành công nghiệp tôm. Ngoài ra, việc Bộ Tài chính áp thuế 3% đối với sản phẩm trứng Artemia sẽ làm tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng lớn đến khả cạnh tranh của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đề nghị Bộ Nông nghiệp làm việc với Bộ Tài chính để áp mức thuế 0% đối với mặt hàng này.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị trong thời gian tới Tổng cục Thủy sản cần phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng chương trình tổng thể về phát triển tôm nước lợ tại Việt Nam; hướng tới ngành công nghiệp tôm có giá trị kinh tế cao, nâng cao chất lượng tôm giống, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, tăng cường liên kết chuỗi trong sản xuất. Rà soát lại quy trình, tổ chức sản xuất, hoàn thiện để nâng cao chất lượng tôm giống. Tập trung tối đa mọi nguồn lực KHCN vào sản xuất tôm giống, để tạo ra tôm giống mang thương hiệu Việt Nam phù hợp với điều kiện tự nhiên và khí hậu của từng vùng trên cả nước. Đồng thời, đề xuất lập Ban vận động thành lập Hiệp hội Tôm Việt Nam; bổ sung tôm nước lợ vào danh mục sản phẩm chủ lực quốc gia. Đối với các địa phương, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để kiểm soát chất lượng tôm giống. Đặc biệt, tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm nạn bơm tạp chất và lạm dụng kháng sinh trong hoạt động sản xuất tôm. Đề xuất chính sách khuyến khích, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất. Tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ phục vụ cho phát triển nuôi tôm nước lợ.

Văn Thọ Fistenet, 15/08/2016