Hội thảo mô hình trình diễn nuôi luân canh cá – lúa tại Long An
Nhằm đánh giá kết quả và giới thiệu đến đông đảo bà con những mô hình nuôi thủy sản có hiệu quả. Vừa qua, ngày 22/3/2013, Trung tâm Thủy sản (TTTS) Long An đã phối hợp với phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Thủ Thừa tổ chức hội thảo tổng kết mô hình trình diễn “Nuôi luân canh cá - lúa” tại hội trường Văn hóa - Thông tin, xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa.
Đến dự buổi lễ khai giảng có bà Mai Ngọc Trang - Phó Giám Đốc TTTS, ông Nguyễn Hữu Lợi - Phó phòng NN và PTNT huyện Thủ Thừa, ông Nguyễn Tấn Hon - Phó chủ tịch UBND xã Mỹ Lạc, ông Nguyễn Hồng Nguyên – Hội cựu chiến binh xã Mỹ Lạc cùng 30 nông dân tham dự.
Với nguồn kinh phí từ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cấp, Trung tâm Thủy sản đã hỗ trợ các hộ nông dân tham gia thực hiện mô hình 100% con giống, 30% chi phí thức ăn, thuốc hóa chất, còn lại vốn đối ứng đóng góp của người dân, cùng với sự hướng dẫn kỹ thuật của các cán bộ tại Trung tâm thủy sản.
Hộ ông Nguyễn Văn Màu ở ấp Cầu lớn, xã Mỹ Lạc, huyên thủ Thừa và hộ ông Lê Thành Thức ở ấp Bà Mía, xã Mỹ Lạc huyện Thủ Thừa đã tiến hành thả nuôi trình diễn 25.000 con giống trên tổng diện tích 2500m2/hộ, với tỉ lệ thả ghép 80% sặc rằn, 15% rô đồng, 5% cá mè vinh; kích cỡ giống 5-6 cm/con. Sau 5 tháng nuôi, năng suất của các hộ nuôi đạt bình quân 4,4 tấn /ha, tỷ lệ sống 50%. Sau khi trừ chi phí, mỗi hộ có lãi trung bình 26 triệu đồng/ha.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Màu và ông Lê Thành Thức đã trình bày tóm tắt qui trình thực hiện mô hình cũng như một số kinh nghiệm. Theo ông qua quá trình nuôi, ông đã có thêm một số kiến thức về cải tạo ao, chọn giống, thả giống, chăm sóc cũng như thu hoạch cá.
Cán bộ kỹ thuật theo dõi mô hình, bà Trương Thị Lệ Thủy - Trưởng phòng Huấn luyện - Thông tin, đã báo cáo kết quả theo dõi mô hình và giải đáp những thắc mắc giúp bà con hiểu rõ hơn về kỹ thuật nuôi cá – lúa luân canh. Chị cho biết: “Lợi ích của mô hình là tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên như: rong, tảo, sâu bọ, rầy... làm thức ăn cho cá (thức ăn được đầu tư ít hơn với mô hình nuôi chuyên cá). Thêm một lợi ích khác nữa là mô hình sản xuất thân thiện với môi trường, ít sử dụng chất hóa học, tạo ra sản phẩm sạch có lợi cho sức khỏe con người và cho hiệu quả kép về kinh tế và môi trường. Ngoài ra, nhờ nuôi cá trong ruộng lúa sẽ làm đất luôn tơi xốp, cung cấp lượng phân cá cho ruộng lúa, làm giảm chi phí phân bón và tăng năng suất lúa. Sở dĩ năng suất hộ nuôi không đạt yêu cầu kỹ thuật đề ra (trên 10 tấn/ha và tỷ lệ sông trên 70%), nguyên nhân là do ở giai đoạn sau thả giống 1 tháng, cá chết nhiều do bị ép phèn. Bên cạnh đó trong suốt quá trình nuôi, cá chết tự nhiên cũng xảy ra, chính vì vậy ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của cá; từ đó năng suất của cá cũng giảm theo.”
Từ những hiệu quả thiết thực mà mô hình trình diễn mang lại, người dân đã có thể mạnh dạn lựa chọn mô hình nuôi thủy sản thích hợp để áp dụng vào sản xuất tại nông hộ, qua đó góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của gia đình.