Hội thảo Nghề nuôi biển: Chuyển đổi từ truyền thống sang công nghiệp
Sáng ngày 14.2, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Bình Định (TP Quy Nhơn), Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh Bình Định tổ chức Hội thảo “Nghề nuôi biển: Chuyển đổi từ truyền thống sang công nghiệp”, Tham dự hội thảo có Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân và các đơn vị thuộc Bộ.
Về phía tỉnh Bình Định, có sự tham dự của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh, lãnh đạo ngành nông nghiệp, đại diện lãnh đạo các địa phương ven biển trong tỉnh. Cùng với hơn 50 đại biểu là đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố ven biển Nam Trung bộ, các chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản.
Sự kiện này diễn ra nhằm mục đích bàn về các giải pháp để từng bước chuyển đổi nuôi trồng thủy sản từ truyền thống, tự phát sang mô hình nuôi công nghiệp; đảm bảo chất lượng, đạt được mục tiêu trong chiến lược nuôi biển, gia tăng sản lượng tròn xuất khẩu. Đồng thời, phát triển nghề nuôi biển công nghiệp kết hợp với du lịch nhằm tối ưu phát triển kinh tế biển.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung trình bày nhiều vấn đề liên quan đến việc cần thay đổi chính sách nuôi trồng, thúc đẩy tăng trưởng của nghề nuôi biển. Đặc biệt, tháo gỡ những khó khăn về con giống và một số vấn đề liên quan để phát triển bền vững nuôi biển công nghiệp ở Việt Nam; ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật KHKT trong hoạt động nuôi biển hướng tới phát triển nghề nuôi biển bền vững…
Qua hội thảo, kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ, đầu tư công nghệ hiện đại vào phát triển nuôi biển công nghiệp tại Bình Định.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Văn Phúc – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Định, cho biết: Toàn tỉnh có 60 ha nuôi lồng bè ở vùng biển gần bờ, chủ yếu tập trung nuôi ở thành phố Quy Nhơn và huyện Phù Mỹ, với các đối tượng như: tôm hùm, cá bớp, cá mú, mực lá,...
Năm 2022, toàn tỉnh có 2.965 lồng nuôi, với sản lượng đạt 217 tấn; tạo thu nhập ổn định cho 500 hộ gia đình. Tuy nhiên, Bình Định là vùng biển có nhiều bãi ngang, do vậy nuôi biển theo truyền thống gặp rất nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, việc quy hoạch và giao diện tích mặt nước cho các hộ nuôi chưa được triển khai; cơ sở hạn tầng các vùng nuôi còn chưa đảm bảo, chưa đáp ứng được yêu cầu của phát triển của nghề nuôi biển. Qua hội thảo này, chúng tôi mong muốn các bên liên quan chia sẻ các giải pháp để nghề nuôi biển tại Bình Định phát triển ổn định và bền vững hơn.
Đồng thời, kêu gọi sự hỗ trợ, đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ mới vào việc phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Bình Định. Qua đây, ông cũng đề nghị Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hỗ trợ cho tỉnh mô hình trình diễn nuôi cá biển bằng vật liệu HDPE để nâng cao hiệu quả kinh tế.
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam: Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển nghề nuôi biển. Cả nước có khoảng 50.000 cơ sở nuôi biển, phần lớn hoạt động nuôi biển ở quy mô gia đình manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, công nghệ lạc hậu và không bền vững. Để phát triển nghề nuôi biển bền vững, việc cấp thiết phải chuyển đổi từ nuôi truyền thống sang công nghiệp là tất yếu.
Định hướng di chuyển từ vùng biển kín, ven bờ ra các vùng biển mở, xa bờ. Đồng thời sẽ phát triển các hệ nuôi kín ở trên bờ với công nghệ tuần hoàn trong thu gom và xử lý chất thải môi trường. Phát triển nghề nuôi biển công nghiệp thì các doanh nghiệp phải đóng vai trò chủ thể để thúc đẩy sự phát triển, tạo chuỗi liên kết trong nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu sản phẩm.
Tuy nhiên, hiện nay hoạt động nuôi biển đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do thiếu quy hoạch, thiếu thủ tục giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân. Việt Nam chưa ban hành các tiêu chuẩn và quy chuẩn về nuôi biển, thiếu chính sách hỗ trợ phát triển nghề nuôi biển,...
Về phía Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, sẽ có kiến nghị về việc sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định 11/2021/NĐ-CP và 67/2014/NĐ-CP. Xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn về nuôi biển; ban hành Quy hoạch phát triển nuôi biển bền vững (của Quốc gia và của tỉnh); ban hành cơ chế phối hợp quản lý liên ngành kinh tế biển; xây dựng các mô hình nuôi biển công nghiệp tại mỗi địa phương.
Trước đó, chiều ngày 13.2, trong khuôn khổ Chương trình Hội thảo, các đại biểu đã tham quan thực tế tại Khu phức hợp nuôi và sản xuất tôm thương phẩm công nghệ cao Việt Úc - Phù Mỹ (xã Mỹ Thành, huyện Mỹ).
Tại buổi tham quan, các đại biểu được giới thiệu về Tập đoàn Việt Úc và hoạt động sản xuất kinh doanh ngành tôm theo chuỗi khép kín. Riêng khu nuôi tôm thương phẩm của Việt Úc - Phù Mỹ có diện tích khoảng 400 ha
Trong đó, Khu phức hợp nuôi và sản xuất tôm thương phẩm công nghệ cao Việt Úc - Phù Mỹ có diện tích 116,34 ha. Mỗi năm công ty nuôi từ 3,5 - 4 vụ, sản lượng thu hoạch đạt 40 - 60 tấn/ha. Năm 2022, DN thu hoạch được 1.600 tấn tôm; mục tiêu năm 2023, DN dự kiến thu hoạch 1.800 tấn tôm.