Hội thảo: Nghiên cứu bệnh tôm và sự phát triển bền vững nghề nuôi tôm Việt Nam
Ngày 07/11/2013, Hội Thú Y Việt Nam và Cục Thú Y tổ chức hội thảo "Nghiên cứu bệnh tôm và sự phát triển bền vững nghề nuôi tôm Việt Nam” tại Tp. Cần Thơ.
Tại hội nghị các chuyên gia nghiên cứu thủy sản báo cáo các kết quả nghiên cứu liên quan đến bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPNS) và bệnh đốm trắng trên tôm.
Đại diện Cục Thú Y báo cáo kết quả nghiên cứu dịch tễ bệnh trên tôm nuôi năm 2011. Kết quả cho thấy, bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPNS) xảy ra trên tôm thẻ chân trắng và tôm sú, giai đoạn mắc bệnh tập trung từ 10 – 45 ngày sau thả, thiệt hại cao nhất ở giai đoạn 26-30 ngày nuôi. Bệnh xảy ra ở vụ nuôi chính, gây thiệt hại chủ yếu từ tháng 4 - 7. Các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long xuất hiện bệnh nhiều nhất, tỷ lệ cao nhất, gây thiệt hại nghiêm trọng cho người nuôi tôm.
Tình hình dịch bệnh năm 2012, theo Cục Thú Y diện tích tôm sú mắc bệnh chiếm 92,4% tổng diện tích nuôi tôm. Diện tích tôm thẻ chân trắng nhiễm bệnh chỉ chiếm 7,6% tổng diện tích nuôi tôm. Năm 2013, tình hình dịch bệnh diễn biến theo hướng ngược lại diện tích tôm sú mắc bệnh vẫn cao, chiếm 55,5%. Diện tích tôm thẻ bị thiệt hại do dịch bệnh tăng hơn nhiều so với năm 2012, chiếm 42,5%. Nguyên nhân được chỉ ra là diện tích tôm thẻ năm 2013 tăng đáng kể, vì tôm thẻ chân trắng nếu nhiễm bệnh ở giai đoạn từ 35 - 50 ngày tuổi thì người nuôi có thể hòa vốn và có lãi, do đó người nuôi chọn nuôi tôm thẻ. Cục Thú Y đang tiếp tục nghiên cứu dịch tễ bệnh đốm trắng và bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPNS).
Tại hội nghị, Công ty cổ phần VEMEDIM trình bày kết quả nghiên cứu về sử dụng vi khuẩn Pediococcus acidilactici (PA) để phòng trị AHPNS trên tôm. Kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy: tôm thẻ chân trắng giai đoạn 4g với mức bổ sung 1-2 g PA x 107/kg thức ăn có khả năng ức chế sự phát triển của Vibrio parahaemolyticus… Tuy nhiên, cần tiếp tục nghiên cứu trên nhiều ao tôm và các mức bổ sung hợp lý cũng như tính toán hiệu quả kinh tế.
Hội nghị cũng được cung cấp thêm nhiều thông tin về các yếu tố môi trường có liên quan đến bệnh AHPNS. Tôm bị thiệt hại nhiều hơn khi ở trong môi trường: nhiệt độ cao (nắng nóng kéo dài) hoặc chuyển từ lạnh sang nóng (mưa dầm chuyển sang nắng); vùng có nồng độ mặn cao hơn vùng có nồng độ mặn thấp; ao có pH cao bệnh xảy ra nhiều hơn ao pH thấp… Các chuyên gia cũng đưa ra giải pháp tạm thời phòng bệnh như sau: giữ mức nước ao sâu 1,5 - 1,8 m để duy trì nhiệt độ nước thấp; nuôi ở độ mặn thấp sẽ hạn chế được bệnh; giảm pH nước vào đầu vụ nuôi bằng cách sử dụng mật đường, acid citric; làm giảm pH đường ruột tôm bằng cách bổ sung thức ăn chứa 1-2% acid hữu cơ. Ngoài ra, nên ương tôm trong giai hoặc bể lót bạt trong 15-20 ngày đầu rồi sang thưa. Nguồn nước ao được diệt khuẩn định kỳ.
Năm 2014, Cục Thú Y dự báo ngành nuôi tôm còn gặp nhiều khó khăn và phức tạp nhưng diện tích nuôi, sản lượng tôm tăng khoảng 5% so với năm 2013. Trong đó, sản lượng tôm sú không tăng, sản lượng tôm chân trắng tăng 20-30% so với năm 2013. Thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp và PTNT Vũ Văn Tám khẳng định: Để đảm bảo lợi ích cho người nuôi tôm, các địa phương cần kiểm soát tốt dịch bệnh, chất lượng tôm giống và vật tư đầu vào. Trong nuôi trồng thủy sản, chất lượng môi trường nước vùng nuôi rất quan trọng nên cần triển khai tốt công tác quan trắc, xử lý môi trường, đảm bảo chất lượng nguồn nước tại vùng nuôi. Các địa phương nuôi tôm cần vận động người nuôi tuân thủ lịch mùa vụ và triển khai áp dụng các quy trình canh tác tiên tiến, phòng chống dịch bệnh hiệu quả.