TIN THỦY SẢN

Hội thảo sơ kết dự án “Xây dựng mô hình liên kết nuôi cá rô phi theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm” năm 2016

Toàn cảnh Hội thảo Thanh Thúy

Ngày 15/10/2016, tại Hải Phòng, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức Hội thảo sơ kết dự án “Xây dựng mô hình liên kết nuôi cá rô phi theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm” năm 2016.

Tham dự Hội thảo có ông Kim Văn Tiêu - Chủ nhiệm dự án, PGĐ. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, đồng chí Nguyễn Tự Trọng - PGĐ. Sở Nông nghiệp và PTNT Hải Phòng; đại diện lãnh đạo, cán bộ khuyến nông thuộc trung tâm khuyến nông các tỉnh Hải Phòng, Bắc Giang, Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa; cùng các hộ nông dân, các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm liên quan…

Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu tham dự đã đi tham quan mô hình  liên kết nuôi cá rô phi theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm năm 2016 tại hộ anh Đoàn Văn Trọng ở xã Quyết Tiến, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng.

Báo cáo sơ kết tại Hội thảo, PGĐ. Kim Văn Tiêu - Chủ nhiệm dự án nhấn mạnh, cá rô phi là đối tượng ăn tạp, dễ nuôi, ít dịch bệnh, thịt thơm ngon trở thành đối tượng nuôi phổ biến ở các vùng nước khác nhau trên 63 tỉnh, thành cả nước. Theo Quyết định số 1639/QĐ-BNN-TCTS ngày 5/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc phê duyệt quy hoạch phát triển cá rô phi đến năm 2020, diện tích  nuôi cá rô phi của cả nước đạt 33.000 ha; cá lồng đạt 1,5 triệu m3, sản lượng nuôi đạt 300 tấn, trong đó 50 - 60% được xuất khẩu. Đến năm 2030 diện tích nuôi cá rô phi của cả nước đạt 400.000 ha; cá lồng đạt 1,8 triệu m3, sản lượng nuôi đạt 400.000 tấn, trong đó 50% được xuất khẩu.

Để đạt được  mục tiêu trên, cần khắc phục những hạn chế nuôi cá rô phi hiện nay như: tỷ lệ cá sống thấp, hệ số thức ăn tiêu tốn cao, còn nhiều dịch bệnh, giá cả bấp bênh, chi phí sản xuất lớn nên sức cạnh tranh yếu. Trong đó có nguyên nhân là người dân nuôi theo phương pháp truyền thống, tự phát, nhỏ lẻ, chưa tuân thủ theo quy trình kỹ thuật; chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa người nuôi và thị trường tiêu thụ… Do vậy, để khắc phục được hạn chế nêu trên, Việt Nam đã và đang đi theo khuynh hướng nuôi trồng thủy sản theo quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt do Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành (Quyết định số 3824/QĐ-BNN-TCTS với 4 nội dung cơ bản là an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn môi trường, an toàn dịch bệnh và an sinh xã hội).

Kết quả của dự án “Đánh giá hiệu quả hoạt động khuyến nông giai đoạn 2010 - 2011 và nhu cầu khuyến nông đến năm 2015”, cho thấy có 44% số hộ nuôi tự tiêu thụ sản phẩm, 42% số hộ hợp đồng miệng với thương lái (thường bị ép giá và bẻ kèo), 14% hộ nuôi có hợp đồng với cơ sở tiêu thụ. Do người sản xuất chưa có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nên dẫn đến hậu quả việc lựa chọn các đối tượng sản xuất trọng tâm, chủ lực trong nông nghiệp vẫn chưa đạt kết quả. Chính vì vậy, việc liên kết giữa người sản xuất và đơn vị thu mua sản phẩm để phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu là rất quan trọng của dự án này.

Qua triển khai các mô hình chăn nuôi theo hướng VietGAP, tính đến tháng 10/2016, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai và chỉ đạo xây dựng 349 ha theo VietGAP; với 246 hộ của 35 tỉnh, thành phố. Kết quả, có 6 ha bị dịch bệnh, 4 hộ dân bị thiệt hại. Riêng mô hình nuôi cá rô phi theo VietGAP năm 2016 triển khai tại 5 tỉnh thành phố: Bắc Giang, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ninh và Hải Phòng với diện tích 15 ha, có 19 hộ dân tham gia xây dựng mô hình, không có hộ nào bị dịch bệnh, trong khi nhiều hộ xung quanh cá bị dịch bệnh và chết. Dự kiến, sau khoảng gần 6 tháng nuôi cho thấy mô hình liên kết nuôi cá rô phi theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm năm 2016 đạt sản lượng 243 tấn, năng suất 16,2 tấn/ha.


Tham quan mô hình liên kết nuôi cá rô phi theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm ở huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng

Mô hình liên kết nuôi cá rô phi theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm giúp người nuôi hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, giảm thiểu hiện tượng bệnh dịch; hạn chế việc sử dụng thuốc, hóa chất trong nuôi trồng thủy sản; tạo sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm… nâng cao đời sống của nhân dân, người dân được sử dụng sản phẩm có chất lượng hơn, góp phần cải thiện sức khỏe cho người tiêu dùng, giải quyết việc làm, đồng thời nâng cao trình độ nhận thức về nuôi cá rô phi theo VietGAP và đặc biệt từng bước hình thành nghề nuôi trồng thủy sản bền vững.

Các ý kiến trao đổi tại Hội thảo cho thấy, ngoài mục tiêu phát triển mô hình liên kết và tiêu thụ sản phẩm hiệu quả và bền vững giữa nông dân và doanh nghiệp đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu; mở rộng mô hình tại các vùng sản xuất rô phi trọng điểm. Các đại biểu mong muốn Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiếp tục quan tâm, hỗ trợ xây dựng chứng nhận nhãn mác sản phẩm, nguồn vốn vay. Một số đơn vị doanh nghiệp thu mua cam kết tạo điều kiện cho người nuôi cá rô phi tiêu thụ sản phẩm đạt chất lượng tốt, an toàn.

Kết luận tại Hội thảo, PGĐ. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia  Kim Văn Tiêu đề nghị:

Thứ nhất, Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục xây dựng các dự án về nuôi theo Quy phạm VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm để chuyển giao cho nông dân trong những năm tiếp theo, không chỉ trên đối tượng cá rô phi mà còn các hình thức nuôi khác như: cá lồng, cá ruộng để tạo ra sản phẩm sạch, nguồn gốc rõ ràng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi.

Thứ hai, Tổng cục Thủy sản nghiên cứu, xem xét giảm tiêu chí nuôi trồng thủy sản theo VietGAP đơn giản, dễ thực hiện, đảm bảo các nội dung về an toàn, đáp ứng tiêu dùng sản phẩm.

Thứ ba, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh tiếp tục xây dựng mô hình bằng nguồn kinh phí địa phương. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để “Một hộ làm, hàng trăm hộ biết, học tập và làm theo”. Lưu ý, đối với các hộ dân nuôi cá rô phi theo VietGAP không chỉ hạn chế dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm, đảm bảo vệ sinh môi trường, mà cần tạo thói quen ghi chép sổ nhật ký, rút kinh nghiệm cho những vụ nuôi tiếp theo. Đối với Hợp tác xã nên liên kết, gắn kết với các doanh nghiệp thu mua; tổ chức lại sản xuất, tránh nhỏ lẻ, manh mún.

Thứ tư, Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền trên báo viết, báo hình đài phát thanh… để bà con nông dân học tập và làm theo. Mục đích tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn, không nhiễm kháng sinh, chất cấm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.


Cá rô phi tại hộ anh Đoàn Văn Trọng sau gần 6 tháng nuôi đạt 700 - 1.100 g/con

 

Thanh Thúy Khuyến Nông Việt Nam, 17/10/2016