Hơn 2.600 tỷ đồng nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả
Thời gian qua, chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư theo hình thức vừa chuyển giao kỹ thuật vừa nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả, đã nâng cao giá trị con tôm, cua, cá, hạt lúa...
Nhờ vậy, đời sống người dân Cà Mau không ngừng được nâng lên, diện mạo nông thôn đổi thay từng ngày, góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới.
Theo Hội Nông dân tỉnh Cà Mau, năm 2019, địa phương sẽ huy động nhiều nguồn vốn để xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả, kinh phí trên 2.600 tỷ đồng.
Theo kế hoạch trong năm nay, ở tất cả các địa phương trong tỉnh đều có địa bàn xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất.
Theo đó, có 27 đơn vị cấp xã được ngành nông nghiệp triển khai 132 mô hình nuôi trồng thủy sản với diện tích hơn 500 ha; 18 mô hình trồng trọt 450 ha (trồng lúa 330 ha, rau màu 120 ha); 28 mô hình chăn nuôi; cung cấp 60.000 cây giống nhằm thực hiện 3 mô hình lâm nghiệp trên 70 ha… Dự kiến, sẽ có trên 62.000 hộ nông dân tham gia thực hiện.
Thực tế thời gian qua, từ ngân sách và huy động sức dân 36 tỷ đồng, Cà Mau đã triển khai 46 mô hình, dự án. Nổi bật là 29 mô hình thủy sản với 50.300 hộ tham gia đã được tiếp cận các quy trình ứng dụng công nghệ xử lý nước đầu vào bằng tia UV nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh, nuôi tôm sú quảng canh cải tiến ít thay nước 2 giai đoạn ứng phó với biến đổi khí hậu...
Hiện tỉnh có khoảng 2.000 ha diện tích nuôi tôm siêu thâm canh với năng suất bình quân khoảng 40 tấn/ha (tính cả phần diện tích phụ trợ). Chỉ với diện tích này, sản lượng tôm mang về năm 2018 khoảng 80.000 tấn.
So với 182.000 tấn tôm của toàn tỉnh đã chiếm trên 42%, trong khi diện tích nuôi tôm siêu thâm canh so với diện tích nuôi tôm toàn tỉnh là 278.000 ha thì chưa được 1%. Qua phép tính đơn giản trên cho thấy, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh mang lại hiệu quả khá cao cả về năng suất, chất lượng.
Đánh giá tính hiệu quả của mô hình, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, Châu Công Bằng cho biết, qua khảo sát thực tế, các mô hình sản xuất của người dân đều cho thấy hiệu quả cao, nhiều hộ dân năng động xen canh nhiều loại cây trồng, vật nuôi trên cùng diện tích, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất… cho thu nhập từ 500-600 triệu đồng/năm.
Sự nở rộ các mô hình sản xuất hiệu quả thời gian qua chính là kết quả nổi bật trong công tác chỉ đạo của tỉnh về việc xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất.
Ông Châu Công Bằng thông tin thêm, kể từ năm 2017, kế hoạch nhân rộng mô hình đã thay đổi hoàn toàn và đã có nhiều bước tiến vượt bậc.
Nếu như trước kia, kế hoạch chỉ được xây dựng một chiều từ trên xuống thì hiện nay được tổng hợp từ nhu cầu của người dân trên cơ sở gắn kết với nguồn lực địa phương.
Đây sẽ là cách làm trong xây dựng kế hoạch nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả thời gian tới, để khi kế hoạch được triển khai sát với thực tế, đáp ứng nhu cầu của người dân và phù hợp với nguồn lực của địa phương.
Từ cách làm này, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả trong các năm đã được nhân rộng. Tiêu biểu như mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến ít thay nước trong năm nhân rộng hơn 13.300 ha, đến nay đạt hơn 36.300 ha.
Mô hình luân canh lúa - tôm diện tích nhân rộng trong năm cũng đạt trên 8.000 ha, đạt diện tích 48.000 ha. Mô hình sản xuất lúa 3 giảm 3 tăng sau một thời gian tổ chức nhân rộng đến nay đã được hầu hết bà con nông dân thực hiện trên diện tích của gia đình...
Mặc dù vậy, việc nhân rộng mô hình hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn chưa đạt kết quả như mong đợi. Một số mô hình đã và đang sản xuất hiệu quả trong dân nhưng chưa được thống kê cập nhật để nhân rộng hay nhân rộng còn chậm, chưa xứng với tiềm năng, thực địa của địa phương.
"Một số địa phương chưa tập trung xác định mô hình, đối tượng chủ lực phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện nên còn xây dựng, nhân rộng mô hình dàn trải, dẫn đến hiệu quả nhân rộng không cao. Những mô hình được xác định hiệu quả nhưng do nhiều nguyên nhân như chất lượng giống, môi trường, dịch bệnh, thời tiết... nên trong quá trình sản xuất có rủi ro dẫn đến hiệu quả mang lại không cao, nhất là mô hình nuôi tôm, từ đó người dân thiếu lòng tin vào quy trình mô hình, quay về sản xuất theo tập quán cũ", ông Châu Công Bằng nêu ra nhiều thực tế.
Để khắc phục những hạn chế, khó khăn còn tồn tại, UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo ngành nông nghiệp tiếp tục tăng cường thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm; trong đó, tập trung công tác tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho lực lượng lao động đang sản xuất, nâng cao tính chuyên nghiệp của nghề nông trong sản xuất nông sản hàng hóa.
Nghiên cứu các giải pháp tháo gỡ khó khăn tại cơ sở về con giống, cây giống, vật tư, hỗ trợ kỹ thuật cùng với doanh nghiệp tổ chức lại sản xuất theo loại hình tổ hợp tác, hợp tác xã, quản lý sản xuất theo hướng cộng đồng, liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, cùng nhà khoa học, nhà quản lý bắt tay với nông dân chứng nhận sản phẩm cây, con có hiệu quả, giúp dân phát triển ngành hàng nông sản theo hướng bề vững.
Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần nhanh chóng phối hợp với các địa phương công bố các vùng nguyên liệu nông sản an toàn gắn với xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho nông sản, lập hồ sơ truy xuất nguồn gốc, công bố tiêu chuẩn hàng hóa an toàn thực phẩm, quảng bá các sản phẩm có chứng nhận các tiêu chuẩn, nhãn hiệu hàng hóa nông sản tại hội chợ triển lãm, phiên chợ nông sản…