Hơn 8.300 tỷ đồng cho dự án phát triển thủy sản bền vững
Dự án có dự tham gia của 10 tỉnh, thành phố, được thực hiện trong 6 năm (2021-2026), giúp nâng cao năng lực quản lý, giá trị gia tăng sản phẩm thủy sản, hội nhập quốc tế, thích ứng biến đổi khí hậu.
Chiều 5/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức hội nghị đề xuất dự án phát triển thủy sản bền vững (dự kiến vay vốn của Ngân hàng Thế giới – WB), với sự tham gia của 10 tỉnh, thành phố ven biển tham gia dự án.
Hội nghị nhằm tham vấn ý kiến đóng góp của các địa phương để hoàn thiện dự án, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.
Ông Lê Văn Hiến, Trưởng Ban quản lý các dự án nông nghiệp cho biết, dự án sẽ thực hiện trong 6 năm (2021-2026), mục tiêu là nâng cao năng lực quản lý và giá trị gia tăng sản phẩm thủy sản, hội nhập quốc tế, thích ứng biến đổi khí hậu.
Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ thực hiện việc xây dựng cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cho ngành kiểm ngư phục vụ khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản hiệu quả, bền vững; nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị thiết yếu phục vụ chọn tạo giống tôm bố mẹ nhằm chủ động sản xuất trong nước tôm bố mẹ có chất lượng cao, sạch bệnh.
Đồng thời, tăng cường quản lý, tổ chức sản xuất chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU); giảm tổn thất sau khai thác hải sản, giảm dịch bệnh, nâng cao chất lượng, năng suất, giá trị sản phẩm tôm nuôi, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu.
Đối với các địa phương, xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng cảng cá hiện đại, đồng bộ; hình thành và phát triển các trung tâm nghề cá lớn có quy mô cấp quốc gia, tạo động lực hỗ trợ khai thác hải sản đặc biệt là khai thác hải sản xa bờ, nâng cao hiệu quả khai thác hải sản, giảm tổn thất sau thu hoạch.
Bên cạnh đó, nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng thiết yếu các vùng sản xuất tôm giống, vùng nuôi tôm nước lợ tập trung nhằm sản xuất tôm giống có chất lượng cao, sạch các tác nhân gây bệnh, nuôi tôm có hiệu quả…
Theo ông Hiến, đối với cấu phần do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thực hiện, dự án sẽ đầu tư hạ tầng tại Cơ quan Kiểm ngư Vùng I (Hải Phòng), các cơ sở nghiên cứu chọn tạo giống tôm bố mẹ thuộc Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, II, và III tại Hải Phòng, Nghệ An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bạc Liêu và Khánh Hòa.
Các nội dung đầu tư phi công trình cần thiết như xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản, nâng cao năng lực quản lý khai thác hải sản tuân thủ IUU, ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới, tiến tiến trong khai thác, bảo quản sau khai thác… triển khai trên toàn quốc, tập trung ở 28 tỉnh, thành phố ven biển.
Đặc biệt ưu tiên các tỉnh dự án: Thanh Hóa, Quảng Trị, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang là các địa phương trọng điểm về khai thác hải sản và nuôi tôm nước lợ.
Đối với cấu phần do các tỉnh thực hiện, dự án sẽ triển khai tại 33 huyện của 10 tỉnh gồm: Thanh Hóa, Quảng Trị, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang.
Dự kiến tổng mức đầu tư của toàn dự án là 8.359 tỷ đồng, tương đương 363 triệu USD; trong đó, vốn vay WB là 6.605 tỷ đồng (vốn Trung ương cấp phát là 5.047 tỷ đồng, vốn các tỉnh vay lại 1.558 tỷ đồng); vốn viện trợ không hoàn lại của GEF là 138 tỷ đồng; vốn đối ứng trong nước là 1.616 tỷ đồng; trong đó, vốn đối ứng ngân sách tỉnh 1.500 tỷ đồng, vốn đối ứng ngân sách của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 116 tỷ đồng.
Cũng theo ông Hiến, đối với nguồn vốn vay của WB sẽ chỉ sử dụng cho các hoạt động chi đầu tư, không sử dụng cho chi thường xuyên theo đúng quy định. Về tỷ lệ cho vay lại các tỉnh sẽ theo Quyết định số 1164/QĐ-BTC ngày 18/7/2018 của Bộ Tài chính về công bố tỷ lệ cho vay lại vốn ODA, vốn vay ưu đãi cụ thể cho từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đóng góp cho đề xuất dự án này, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định cho biết, đối với các tỉnh ven biển luôn xác định ngành thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn. Do đó, nếu dự án này được thực hiện thì sẽ là cơ hội cho ngành thủy phát triển, đặc biệt là các tỉnh ven biển.
Theo ông Trần Châu, đối với tỉnh Bình Định, hiện sản lượng khai thác thủy sản mỗi năm của tỉnh đạt hơn 232.000 tấn. Hiện các cảng cá tại Bình Định đã được quy hoạch, nhưng chưa có vốn đầu tư. Do đó, tỉnh Bình Định rất ủng hộ và mong muốn dự án được sớm triển khai để cải thiện lại nghề cá, cải thiện hạ tầng nghề cá, hệ thống neo đậu tránh trú bão.
Đại diện tỉnh Ninh Thuận cho rằng hiện nay hệ thống cảng cá của Việt Nam còn rất nhiều bất cập và cần phải được đầu tư nâng cấp. Đặc biệt là để phù hợp với các yêu cầu của EC trong việc khắc phục “thẻ vàng.” Do đó, tỉnh Ninh Thuận cũng rất mong muốn dự án được triển khai.
Ông Lê Văn Hiến nhấn mạnh Dự án phát triển thủy sản bền vững là dự án có tính chất quan trọng, giúp giải quyết những khó khăn, thách thức đối với ngành khai thác hải sản và nuôi tôm nước lợ.
Việc triển khai dự án sẽ mang lại hiệu quả to lớn về mặt kinh tế, xã hội và môi trường, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và điều kiện sống cho hàng triệu lao động nghề cá và các đối tượng làm việc trong các lĩnh vực có liên quan thông qua các hoạt động giúp gia tăng giá trị sản phẩm thủy sản, thúc đẩy hội nhập quốc tế và thích ứng biến đổi khí hậu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Ủy ban Nhân dân 10 tỉnh, thành phố tham gia dự án đề nghị các bộ, ngành xem xét và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và phê duyệt đề xuất “Dự án phát triển thủy sản bền vững.”