TIN THỦY SẢN

Họp báo công bố nguyên nhân gây cá chết diện rộng từ ven biển Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế

Thu Hiền

Vào lúc 20 h, ngày 27/4/2016, tại trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN &MT), Thứ trưởng Bộ TN &MT Võ Tuấn Nhân đã chủ trì cuộc họp báo công bố nguyên nhân gây cá chết diện rộng từ ven biển Hà Tĩnh đến Thừa Thiên- Huế. Đây là cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi xảy ra hiện tượng cá chết ở ven biển 4 tỉnh miền Trung ngày 6/4.Có khoảng 100 nhà báo tham dự cuộc họp báo này. Tham dự cuộc họp báo có lãnh đạo các Tổng cục, cục và các đơn vị của Bộ Tài nguyên và môi trường.

Cuộc họp báo này được tổ chức sau hơn 20 ngày kể từ khi hiện tượng cá chết xuất hiện đầu tiên tại vùng nuôi lồng xã Kỳ Lợi, Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh ngày 6-4, sau đó lan rộng cá tự nhiên chết ra các vùng ven biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế.

Trước khi diễn ra cuộc họp báo, đã diễn ra cuộc họp của Bộ TN-MT với các bộ ngành liên quan, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã đại diện Bộ TN &MT phát ngôn tại cuộc họp báo.

Theo ông Võ Tuấn Nhân: "Hiện tượng cá chết hàng loạt, trên diện rộng trong những ngày qua khiến dư luận đặc biệt quan tâm, có khả năng gây nên các yếu tố mất an ninh trật tự. Bộ TN&MT đề nghị các cơ quan báo chí cần bình tĩnh, khách quan và có trách nhiệm đồng hành cùng các cơ quan quản lý nhà nước để tìm ra nguyên nhân, biện pháp xử lý.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Trịnh Đình Dũng, Bộ TN&MT đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế điều tra, đánh giá, xác định nguyên nhân cá chết để có biện pháp xử lý, sớm ổn định đời sống của nhân dân.

Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT đã thành lập nhiều đoàn công tác làm việc tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế;.

Đây là vấn đề phức tạp, đã xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, đòi hỏi phải có thời gian để xác định nguyên nhân. Có những trường hợp, nhiều nước phải mất nhiều năm để tìm ra nguyên nhân. Mặc dù người dân và cả xã hội hết sức quan tâm, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước phải sớm công bố nguyên nhân, tuy nhiên để xác định được cần thiết phải nghiên cứu một cách có hệ thống, bài bản, dựa trên các chứng cứ khoa học.

Hôm nay, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với Bộ NN&PTNT, các Bộ, ngành có liên quan, Viện hàn lâm KHCN VN, các cơ quan khoa học trong và ngoài nước, GS.TS Yashuwo, Fukuyo, Đại học Tổng hợp Tokyo Nhật Bản để thảo luận về các kết quả điều tra.

Đây là cuộc họp đầu tiên giữa các nhà khoa học, các cơ quan quản lý ở Trung ương và địa phương. Các cơ quan, nhà khoa học đã báo cáo các kết quả nghiên cứu bước đầu, cho nhiều ý kiến xác đáng".

Nói về nguyên nhân gây cá chết, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết: Qua nghe báo cáo của các bộ TN&MT, NN&PTNT, KH&CN, ý kiến của các địa phương, các nhà khoa học, sau khi thảo luận đã loại trừ nhiều nguyên nhân khác có thể gây ra, các nhà khoa học và các cơ quan quản lý thống nhất nhận định sơ bộ như sau:

1.Có 2 nhóm nguyên nhân chính có thể gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt. Thứ nhất, do tác động của các độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền và trên biển. Thứ hai, do hiện tượng dị thường tự nhiên kết hợp với tác động của con người tạo nên hiện tượng tảo nở hoa của nước mà trên thế giới gọi là hiện tượng thủy triều đỏ.

2.Đến thời điểm hiện nay, qua kiểm tra và thu thập chứng cứ, chưa có bằng chứng để kết luận về mối quan hệ liên quan của Formosa và các nhà máy đến vấn đề cá chết hàng loạt.

3. Qua số liệu quan trắc và đánh giá của các cơ quan nghiên cứu khoa học, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, môi trường nước biển chưa phát hiện các thông số môi trường vượt quy chuẩn quy định.

Để xác định rõ nguyên nhân cụ thể về hiện tượng cá chết hàng loạt và có các giải pháp ứng phó về lâu dài với các thảm họa tương tự, cần tổ chức nghiên cứu làm rõ 2 nhóm nguyên nhân nói trên. Bộ KH&CN sẽ chủ trì huy động và điều phối các cơ quan nghiên cứu khoa học để thực hiện các nghiên cứu nói trên. Nếu cần thiết, sẽ huy động các tổ chức khoa học quốc tế để kiểm chứng.

Trong thời gian sớm nhất, Bộ NN&PTNT sẽ cung cấp các kết quả phân tích độc tố và sẽ đưa ra khuyến cáo về việc tiếp tục hoạt động đánh bắt, nuôi trồng và tiêu thụ hải sản.

Các địa phương tổ chức quan trắc chất lượng nước biển ven bờ và có khuyến cáo về các hoạt động du lịch, tắm biển trên địa bàn.

Trước đó, ngư dân ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế cũng như dư luận cả nước vô cùng hoang mang khi phát hiện hiện tượng cá chết hàng loạt dạt vào bờ. Cơ quan chức năng đã ráo riết vào cuộc.

Một trong những nguyên nhân được dư luận nghi ngờ nhiều nhất là nguồn thải từ nhà máy Formosa Hà Tĩnh (khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh). Các chuyên gia của Bộ Tài nguyên - Môi trường đã tiến hành lấy mẫu tại nhiều địa điểm, trong đó có mẫu nước bên trong cũng như bên ngoài nhà máy Formosa để tiến hành phân tích.

Trong tình hình đó, Bộ NN&PTNT cho biết, kết quả phân tích ban đầu của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1 và Cục Thú y cho thấy cá chết bất thường không có các biểu hiện bệnh lý, không tìm thấy tác nhân gây bệnh dịch thông thường. “Các thông số môi trường thông thường đều nằm trong giới hạn cho phép. Như vậy, nguyên nhân cá chết nhanh, bất thường trên diện rộng có thể do độc tố có độc lực mạnh như sinh học, hóa học hoặc yếu tố khác”, đại diện Bộ NN&PTNT cho biết. 

Thu Hiền Fistenet, 28/04/2016