Hợp tác và kết nối thị trường thủy sản VietGAP
Áp dụng VietGAP đang hướng đến mục tiêu sẽ là sự lựa chọn không thể thiếu của các nhà sản xuất, kinh doanh trong ngành thủy sản ở Việt Nam. Tuy nhiên, để đạt được kỳ vọng đó, cần thiết phải có sự hợp tác và kết nối của nhiều bên liên quan.
Phát triển VietGAP trong NTTS
Theo ông Như Văn Cẩn, Phó Vụ trưởng NTTS thuộc Tổng cục Thủy sản (TCTS), hiện nay, trong việc chọn mua hàng hóa, người tiêu dùng đang ngày càng thể hiện sự quan tâm nhiều hơn đến chất lượng sản phẩm và trách nhiệm của nhà sản xuất. Trong khi đó, từ trước đến nay việc kiểm soát chất lượng sản phẩm thủy sản thường chỉ được thực hiện ở khâu kiểm tra sản phẩm cuối cùng, bị động và tốn kém. Do đó, cần thiết phải có sự chuyển đổi theo xu thế mới, đó là chủ động phòng ngừa và kiểm soát chất lượng ngay trong quá trình sản xuất.
Thực hành NTTS tốt (GAP) hiện nay được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu để phát triển NTTS bền vững. VietGAP là một quy phạm thực hành đảm bảo được các yêu cầu về ATTP, giảm thiểu dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường sinh thái, đảm bảo trách nhiệm xã hội và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm.
Trọng tâm của VietGAP là kiểm soát quá trình nuôi thương phẩm và các yếu tố đầu vào và có nhiều khác biệt với các chứng nhận độc lập khác. Đây là bộ tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam, không có mục đích cạnh tranh với bất kỳ tiêu chuẩn nào. VietGAP được Nhà nước bảo trợ, xây dựng lộ trình phát triển và có thể bắt buộc áp dụng đối với một số trường hợp cụ thể.
VietGap mang lại lợi ích cho nhiều bên nhưng quan trọng nhất trong số đó vẫn là những người nuôi và các nhà phân phối, tiêu dùng. Cụ thể, áp dụng VietGap sẽ giúp người nuôi quản lý được cơ sở, trang trại của mình theo hệ thống, tránh được nhầm lẫn, rủi ro, nâng cao được năng suất, đảm bảo được sản phẩm ATTP, có chất lượng đến tay người tiêu dùng và có khả năng truy xuất được nguồn gốc.
“Định hướng triển khai VietGAP trước hết sẽ áp dụng đối với các đối tượng XK chủ lực, theo đó, trong lộ trình của Dự thảo Nghị định Cá tra sắp tới, từ năm 2015 trở đi, sản xuất cá tra sẽ bắt buộc phải áp dụng VietGAP”- ông Như Văn Cẩn khẳng định.
VietGAP hài hòa cùng các tiêu chuẩn khác
Ngày 08/10/2013, TCTS đã phối hợp với Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức hội thảo giới thiệu quy chuẩn VietGAP và thúc đẩy áp dụng quy chuẩn này trong NTTS với sự tham gia của hơn 100 đại biểu từ các cơ quan quản lý, các tổ chức, các DN liên quan cũng như các tổ chức cấp giấy chứng nhận.
Bà Lê Bảo Ngọc, Giám đốc kinh doanh Công ty CP Chứng nhận & Giám định Vinacert, nhận định việc xây dựng bộ tiêu chuẩn VietGAP cho thủy sản, áp dụng đúng theo quy chuẩn sẽ tạo được thương hiệu đối với nhà NK và giảm chi phí sản xuất. So sánh với một số các tiêu chuẩn hiện có như ASC và GlobalGAP có thể nhận thấy được một số ưu điểm nổi bật khi áp dụng, đó là VietGAP hoàn toàn tuân thủ các quy định chung của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên hiệp quốc (FAO) về GAP và chứng nhận GAP, tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp với điều kiện ở Việt Nam và hài hòa với các tiêu chuẩn khác.
Bên cạnh đó, nội dung của VietGAP cũng được đơn giản hóa so với những chương trình khác với hệ thống gồm 68 chỉ tiêu, đảm bảo được tính minh bạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đặc biệt, VietGAP có sự tham gia quản lý của Nhà nước trong khi ASC hay GlobalGAP do các tổ chức độc lập xây dựng, phát triển từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng hoặc giữa nhà sản xuất với các nhà phân phối riêng.
Tuy nhiên, việc áp dụng VietGAP với người nông dân hiện không phải là chuyện dễ dàng, bởi câu hỏi luôn thường trực: “Nếu tôi áp dụng đúng theo VietGAP thì cá của tôi có chắc chắn bán được với giá cao hơn không ?”.
“Đây là một câu hỏi xuất phát từ yếu tố cung – cầu của nghề nuôi thủy sản trong nền kinh tế thị trường khi áp dụng chứng nhận tự nguyện và đó cũng là một thách thức không nhỏ đối với các nhà quản lý”- bà Lê Bảo Ngọc nhận định
Hợp tác và kết nối thị trường
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, cho rằng VietGAP chỉ nên là một bộ quy chuẩn được công nhận chứ không nên phát triển thành một chứng nhận, bởi nếu theo đuổi mục tiêu tạo nên một tiêu chuẩn chung, như ASC chẳng hạn, thì sẽ khó khả thi. “Hiện các DN đăng ký thực hiện VietGAP cho cá tra không nhiều, chỉ có khoảng 7-8 DN, nhưng đến nay cũng vẫn chưa có chứng nhận cụ thể”- ông Hòe cho biết.
Ông Trần Văn Làm, đại diện Hội Nông dân Việt Nam, cho rằng đầu ra của sản phẩm thủy sản VietGAP hiện còn rất mơ hồ, nên người nông dân không có động lực để triển khai. Mặt khác, các chi phí cho quản lý và áp dụng VietGAP hiện cũng chính là trở ngại lớn khiến người nuôi thờ ơ với bộ tiêu chuẩn quốc gia này. Thực tế tại Bến Tre, Tiền Giang,... nhiều nông dân đã tham gia thực hiện VietGAP nhưng sau đó cũng đã rút lui.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại khi xuất hiện rất nhiều loại tiêu chuẩn dành cho sản phẩm thủy sản tiêu thụ nội địa. Điển hình là việc công ty Metro Cash & Carry Việt Nam đã và đang phát triển bộ tiêu chuẩn riêng cho hàng thủy sản vào hệ thống như MetroGAP (Metro Requirements). Các đại biểu đưa ra yêu cầu cần thiết phải có sự thống nhất chung giữa MetroGAP và VietGAP, nhằm tránh lặp lại tình trạng như hàng thủy sản XK hiện nay khi phải đối mặt với một “rừng” các tiêu chuẩn chứng nhận.
Ông Philippe Bacac, TGĐ Metro Cash & Cary Việt Nam, khẳng định MetroGAP là một trong những nỗ lực của công ty nhằm xây dựng các chuỗi cung ứng bền vững hàng tươi sống và quảng bá thực hành NTTS tốt. Bên cạnh đó, việc tiếp nhận các sản phẩm được chứng nhận VietGap sắp tới cũng là một trong các hoạt động cụ thể để hỗ trợ ngành nông nghiệp, tạo đầu ra cho sản phẩm Việt của công ty.
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng Cục trưởng TCTS cho biết, Metro Cash & Carry Việt Nam là một trong 6 tập đoàn đa quốc gia đã phối hợp với Bộ NN&PTNT thực hiện chương trình hợp tác công tư để phát triển bền vững một số lĩnh vực, hướng đến thị trường, và MetroGAP là một trong những thành công của chương trình này trước khi VietGAP ra đời.
Theo ông Tuấn, trong thời gian tới TCTS và Metro Việt Nam cam kết sẽ cố gắng đi đến thống nhất một bộ tiêu chuẩn chung cho hàng thủy sản nội địa. Để hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm, trước mắt TCTS sẽ có kế hoạch kết nối với các nhà phân phối lớn trong và ngoài nước, ưu tiên tiêu thụ sản phẩm VietGAP cũng như nỗ lực tạo mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, đảm bảo lợi ích cho người sản xuất.
“Định hướng phát triển thị trường của Bộ NN & PTNT trong thời gian tới, ngoài XK sẽ chú trọng hơn nữa đến thị trường nội địa.”- ông Tuấn cho biết.