HTX nuôi trồng và chế biến thủy sản Liên Phong - hợp tác để phát triển bền vững
Hợp tác xã nuôi trồng và chế biến thủy sản Liên Phong (HTX Liên Phong), xã Giao Phong (Giao Thủy, Nam Định) là một trong những HTX có tốc độ phát triển nhanh về quy mô và mang lại giá trị kinh tế cao. Trung bình mỗi năm, HTX tiêu thụ ra thị trường hàng chục tấn thủy sản như tôm, ngao, ốc, cá nước lợ các loại... và đang hướng đến khu nuôi trồng tập trung, chuyên cung cấp ra thị trường những sản phẩm sạch, đảm bảo chất lượng.
Khai thác tối đa tiềm năng sẵn có ở địa phương, từ hơn 20 thành viên ban đầu với diện tích nuôi trồng hơn 30ha, đến nay, HTX đã có hơn 100 thành viên, tổng diện tích nuôi thủy sản trên 106ha. Những thành công của HTX đã mở ra hướng phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng hàng hóa ở địa phương, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho các thành viên. Thực tế cho thấy, cái lợi nhất của việc thành lập các HTX nuôi trồng và chế biến thủy sản là tạo ra sự liên kết giữa các hộ dân với nhau. Thay vì chăn nuôi manh mún nhỏ lẻ thì sự liên kết đã tạo ra một đầu mối chung mà qua đó, các HTX hay tổ hợp tác sẽ nâng cao được tiềm lực kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, dễ dàng hơn trong triển khai chính sách hỗ trợ, tìm kiếm đầu vào và đầu ra cho sản phẩm. Là địa phương phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nhiều hộ nuôi thủy sản trong xã Giao Phong cũng đã tự liên kết với nhau để thành lập HTX. Việc làm này cơ bản đã giải quyết được một số khó khăn trong khâu nhập giống, nhập thức ăn cho các loại thủy sản, kỹ thuật chăm sóc và đầu ra của sản phẩm. Ông Đinh Thanh Khiết, Chủ tịch HĐQT HTX Liên Phong cho biết, việc thành lập HTX đã giúp các hộ dân nuôi tôm, ngao, vạng, cá vược và các loài thủy sản nước mặn, nước lợ có sự liên kết chặt chẽ với nhau, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau tính toán chọn lựa nuôi loại tôm, ngao, cá, ốc nào cho phù hợp với điều kiện chăm sóc, điều kiện môi trường sống. Cùng với đó, công tác phòng, chữa bệnh cho các loài thủy hải sản cũng sẽ được triển khai đồng loạt, quy mô, mang lại hiệu quả sản xuất cao hơn; việc đánh giá nhu cầu của thị trường cũng sát thực tế hơn, đảm bảo đầu ra ổn định để người dân yên tâm phát triển, mở rộng quy mô nuôi trồng. HTX đã thống nhất liên kết giữa các thành viên trong ký kết hợp đồng từ dịch vụ đầu vào lấy giống tại các cơ sở uy tín, đảm bảo chất lượng; hợp đồng với các Cty thức ăn chăn nuôi, thuốc phòng chống dịch bệnh… cung ứng cho các thành viên sử dụng nhằm giảm giá thành sản xuất; áp dụng đúng quy trình nuôi trồng đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm và tìm kiếm các thị trường đầu mối để liên kết tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, HTX có gần 40 thành viên nuôi các loại tôm, cá, nhuyễn thể hai mảnh vỏ và các loại thủy đặc sản với sản lượng hằng năm ước đạt hàng trăm tấn đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho các thành viên. Các hộ thành viên sau khi tham gia HTX đã nhận thức được lợi ích của việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trong tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, giảm tối đa khâu trung gian, đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm. Điển hình trong HTX có nhiều hộ tiêu biểu đạt sản lượng 14-15 tấn/ha như hộ ông Cao Văn Ba, ông Nguyễn Văn Đan, ông Trần Văn Thủy. Kết quả của mô hình làm tiền đề tốt cho mục tiêu nuôi trồng thuỷ sản sạch, tạo ra khối lượng hàng hoá an toàn, thân thiện môi trường. Tại đầm nuôi của gia đình ông Trần Thành Công, đội 1, xã Giao Phong đã áp dụng kỹ thuật nuôi tôm tầng mặt cho thu nhập gần 600 triệu đồng/ha, cao hơn 400 triệu đồng so với cách nuôi thông thường. Tại đầm nuôi của gia đình các ông: Trần Văn Tẩy, Cao Văn Tranh, Cao Văn Đề, Nguyễn Văn Quyết, Nguyễn Văn Đan… và nhiều hộ khác đều cho kết quả cao khi áp dụng quy trình mới theo tiêu chuẩn nuôi trồng thủy sản sạch.
Thực tế trên cho thấy, việc liên kết sản xuất trong các HTX, tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản đã tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các hộ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính bền vững và năng lực cạnh tranh để đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Các thành viên HTX đều hướng tới sản phẩm đầu ra của HTX phải đảm bảo được tiêu chuẩn thủy hải sản sạch, trong đó, HĐQT HTX đang tập trung kiểm soát chặt chẽ từ khâu nhập giống đến các quy trình chăm sóc, nuôi trồng con giống thủy hải sản sạch mầm bệnh. Bên cạnh đó, các thành viên còn được hướng dẫn kiểm tra thường xuyên việc ghi chép nhật ký sản xuất, các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, nhận định tình hình dịch bệnh, biện pháp phòng chống. Qua đó, giúp con giống phát triển khoẻ mạnh, sản phẩm bán ra thị trường được các thương lái chọn và đánh giá cao.
Để phát huy hiệu quả, thời gian tới, HTX Liên Phong sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn cho các thành viên, chuyển giao công nghệ, các mô hình trình diễn, xây dựng HTX trên cơ sở liên kết giữa các thành viên với đơn vị thu mua và phân phối sản phẩm. Tuy nhiên, muốn hướng đến vùng nuôi trồng sản phẩm sạch, thiết nghĩ HTX cần sớm đăng ký thương hiệu, nhãn mác, bao bì các sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng, hướng ra nhiều thị trường lớn. Hiện, HTX đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để chuyển đổi mô hình HTX sang loại hình kinh doanh mới, tuân thủ Luật HTX năm 2012, đáp ứng yêu cầu của các thành viên./.