TIN THỦY SẢN

Huấn luyện cá hồi cải thiện cấu trúc miếng phi lê cá

Cho cá hồi bơi ngược dòng tại Trạm Nghiên cứu của Nofima (hình ảnh từ video của Sven Martin Jogensen - Nofima). CTV ĐÀO MINH Lược dịch

Mục đích của việc huấn luyện là tạo ra những con cá hồi nuôi ở Na Uy khỏe mạnh hơn, to lớn hơn.

Takle là nhà khoa học hàng đầu tại Viện Nghiên cứu thực phẩm Nofima nói rằng “Dòng chảy trong bể bắt cá phải bơi ngược dòng”. Các bể ở đây là phòng tập thể dục cho cá tại Trạm Nghiên cứu của Nofima, đặt tại Sunndalsora, More og Romsda, Na Uy.

Các vận động viên nhỏ bé

Takle đang hướng dẫn các nhà nghiên cứu nhằm tìm cách để nuôi ra những con cá hồi khỏe hơn và lớn hơn. Cá cũng giống như con người: tập thể dục làm tăng khả năng kháng bệnh. Một con cá hồi khỏe và mạnh là một con cá tốt. Takle nói rằng: “Luyện tập làm cải thiện cấu trúc của miếng phi lê cá”.

Quá trình huấn luyện bắt đầu từ lúc nhỏ, khi các con cá hồi chỉ nặng 1,8g và dài 5 cm. Takle cho biết, những kết quả mới nhất cho thấy rằng các con cá bột được huấn luyện tốt đã ăn nhiều hơn và lớn nhanh hơn, chúng chịu được các buổi luyện tập nặng hơn khi đã lớn.

Huấn luyện cho những con cá lớn

Cá sẽ được chuyển qua những bể lớn hơn khi chúng được 20g. Lúc này chúng được gọi là cá hồi con (parr) và sống ở nước ngọt, chưa sẵn sàng cho cuộc sống trưởng thành trong nước mặn ngoài biển.

Cá hồi con ngoài tự nhiên bơi ở trong sông, còn cá ở Trạm Nghiên cứu Nofima thì bơi trong những bể tròn có dòng chảy mạnh. Giai đoạn “parr” này là lúc dễ nhất và quan trọng nhất để huấn luyện cá hồi.

Các kết quả nghiên cứu phải tạo ra lợi nhuận thương mại. Hệ thống kín dễ hơn trong việc tạo ra dòng nước ngược để huấn luyện cá hồi con.

Chẳng bao lâu nữa những con cá hồi con sẽ được đem thả nuôi trong lồng ngoài biển. Lúc này chúng được gọi là cá giống, và cần tất cả sức mạnh để có thể tập trung trong môi trường biển thật sự ở bên ngoài bể.

Nghiên cứu đường cong huấn luyện

Takle nói: “Đó là một quá trình chuyển đổi khó khăn cho cá hồi giống. Chúng được vận chuyển bằng ô tô và thuyền, được bơm từ bể nước ngọt vào trong lồng nuôi ở vịnh. Ở đó chúng bất ngờ gặp phải một môi trường mới, các vi khuẩn và virus khác, thời tiết khắc nghiệt cùng với các dòng chảy mạnh. Những con cá hồi giống phải có thể hình tốt để chịu được tất cả các sức ép”.

Làm thế nào mà các con cá hồi giống đạt đến đỉnh điểm về hình thể? Takle và các cộng sự đã và đang nghiên cứu các mức độ huấn luyện cho cá trong nhiều năm. Ông nói rằng: “Chủ yếu là đem lại chế độ huấn luyện hợp lý. Cũng giống như con người, huấn luyện quá mức sẽ không có thời gian để cơ bắp nghỉ ngơi và phát triển”.

Để tìm ra chế độ luyện tập mà một con cá hồi giống có thể chịu đựng được, các nhà nghiên cứu phải kiểm tra các giới hạn của chúng. Bài kiểm tra bắt đầu với một dòng chảy ngược khá yếu trong một ống thủy tinh đặc biệt. Sau đó tốc độ dòng chảy được tăng lên từ từ và chính xác, đến khoảng 5 km/h. Những con cá hồi giống bỏ cuộc sẽ dồn về tấm lưới ở đằng sau ống.

“Có một vài con có thể bơi hết sức ở dòng chảy ngược có vận tốc cao nhất tương đương 3 km/h”, Takle nói thêm.

Đo điện tâm đồ cho cá

Nước trong lồng nuôi quá ấm cũng có thể là một yếu tố gây stress. Hoạt động trao đổi chất của cá tăng vào mùa hè nóng bức, và nước biển ấm cũng làm giảm khả năng giữ oxy hòa tan, điều này có thể dẫn đến thiếu oxy cho cá hồi nuôi.

Xác định mức độ chịu nhiệt bằng cách đo nhịp tim của cá hồi
(Ảnh: Harald Takle, Nofima).

Mức độ thể lực của cá hồi được phần nào xác định bằng lượng oxy tối thiểu mà chúng có thể sống sót. Takle nói rằng: “Tim bơm máu càng tốt, càng có nhiều oxy đến cơ và các phần khác nhau của cơ thể, vì thế điều quan trọng là đo lượng oxy hấp thụ”.

Đối với cá trong một bể kín, các nhà nghiên cứu đo mức ôxy trong nước giảm nhanh như thế nào. Họ ghi nhận lượng oxy hấp thụ tối đa khi luyện tập nặng và khi nghỉ ngơi. Sự khác biệt về hấp thụ oxy giữa hai chế độ này cho biết cá có thể chịu đựng được ở mức nào.

Các nhà nghiên cứu cũng đo sự gia tăng nhịp tim của cá trong nước ấm bằng một loại máy đo điện tâm đồ cho cá (fish-EKG). Takle nói rằng, nước quá ấm dẫn đến loạn nhịp tim - làm tim không đập mạnh và nhịp nhàng nữa.

Ông nói rằng các nhà nghiên cứu cũng đã sử dụng các phương pháp khác để tìm hiểu xem cá phản ứng như thế nào đối với việc huấn luyện, kể cả mổ bụng cá. “Một số bệnh cá có thể ảnh hưởng đến tim, vì vậy chúng tôi nghiên cứu kỹ lưỡng, trong đó có đo hình dạng của tim cá. Một con cá khỏe mạnh có một trái tim hình chóp”.

CTV ĐÀO MINH Lược dịch Sciencenordic