Hướng dẫn các biện pháp cấp bách ứng phó với hải sản chết bất thường
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) vừa ban hành Công văn số 3441/BNN-TCTS về việc hướng dẫn các biện pháp cấp bách ứng phó với hải sản chết bất thường tại các tỉnh bắc Trung Bộ.
Theo đó, Bộ NN và PTNT đề nghị các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế chỉ đạo các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương thu gom và xử lý hải sản chết bất thường dạt vào bờ hoặc do người dân vớt được trên các vùng biển ven bờ. Tuyệt đối không sử dụng cá chết làm thực phẩm cho con người hoặc chế biến làm thức ăn cho vật nuôi; tổ chức xử lý bằng cách chôn lấp hải sản nhưng phải cách xa và không làm ô nhiễm vùng nước biển, nguồn nước ngọt, khu dân cư, khu đô thị, trường học, bãi tắm, khu du lịch… Đối với các cơ sở nuôi cá lồng tạm thời chưa thả giống trong khi chờ xác định nguyên nhân; thường xuyên theo dõi cá nuôi và hằng ngày quan trắc, kiểm tra các yếu tố môi trường nhằm phát hiện kịp thời các hiện tượng bất thường để có biện pháp xử lý phù hợp; tạm thời di chuyển lồng cá đến khu vực nước sâu hơn; khẩn trương thu hoạch đối với cá nuôi đạt kích thước thương phẩm để hạn chế thiệt hại…
* Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) cho biết, những ngày vừa qua, lãnh đạo bộ đã có các cuộc làm việc với các nhà khoa học đến từ Đức, Mỹ, I-xra-en và các nhà khoa học trong nước, có kinh nghiệm trong lĩnh vực hải dương học, địa chất ven biển, kỹ thuật bờ biển và môi trường bền vững. Tại các cuộc làm việc, Bộ trưởng TN và MT Trần Hồng Hà cho biết, sẽ tạo điều kiện để các nhà khoa học nước ngoài tham gia đánh giá hoạt động của các nhà máy đang xả trực tiếp ra biển Vũng Áng, cũng như tham gia khảo sát quan trắc chất lượng nước biển khu vực này. Bộ TN và MT sẽ cùng các nhà khoa học rà soát lại toàn bộ hệ thống quan trắc bờ biển để xác định các công việc cần thiết trong thời gian tới nhằm tăng cường năng lực, bảo đảm ứng phó nhanh với các sự cố môi trường biển có thể xảy ra.
Bộ TN và MT cũng có công văn gửi các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế đề nghị tổng hợp, báo cáo đánh giá các hoạt động đã và đang triển khai trên địa bàn liên quan đến hải sản chết bất thường và các kết quả đạt được trong việc xác định nguyên nhân, đánh giá chất lượng môi trường nước biển ven bờ (kèm theo kết quả phân tích mẫu); ước tính thiệt hại về kinh tế, môi trường; kiểm tra, thu thập thông tin, báo cáo diễn biến tình hình hải sản chết hằng ngày; các vấn đề mới phát sinh có liên quan trên địa bàn địa phương và các đề xuất, kiến nghị. UBND các tỉnh thường xuyên gửi báo cáo trên về Bộ TN và MT trước 9 giờ và 16 giờ hằng ngày.
* Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, sẽ miễn toàn bộ lãi đối với dư nợ bị thiệt hại của ngư dân có thủy, hải sản chết; đồng thời cơ cấu lại thời hạn trả nợ gốc phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng. Đây là một trong những chính sách hỗ trợ ngư dân, hộ sản xuất, doanh nghiệp chịu thiệt hại do hiện tượng thủy, hải sản chết hàng loạt thời gian qua tại bốn tỉnh miền trung. Bên cạnh đó, đối với khách hàng bị ảnh hưởng gián tiếp, Agribank miễn một tháng lãi tiền vay đồng thời dừng thu lãi ba tháng của dư nợ bị ảnh hưởng... Cùng với đó, Agribank quyết định ủng hộ 20 tỷ đồng và 100 tấn gạo để góp phần chia sẻ khó khăn của nhân dân bốn tỉnh, mỗi tỉnh năm tỷ đồng và 25 tấn gạo. Hiện, tổng dư nợ cho vay của Agribank tại bốn tỉnh này là 27.666 tỷ đồng; trong đó có 6.850 khách hàng với dư nợ gần 850 tỷ đồng bị thiệt hại và có ảnh hưởng do hiện tượng thủy, hải sản chết hàng loạt.
* Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa cho biết, từ ngày 4-5, tất cả các khách hàng của Vietcombank tại khu vực miền trung có dư nợ trung, dài hạn đang bị thiệt hại do hiện tượng thủy, hải sản chết bất thường mà có mức lãi suất của khoản vay hơn 9%/năm sẽ được điều chỉnh ngay về mức 9%/năm.
* Đoàn công tác của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam vừa đến thăm động viên và hỗ trợ ngư dân ở xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới và xã Đức Trạch huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Tại đây, đoàn đã trao một tỷ đồng cho Ủy ban MTTQ tỉnh để giúp đỡ ngư dân khắc phục khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.
* Ngày 3-5, tỉnh Hà Tĩnh đã cấp phát xong gần 600 tấn gạo cho hơn 6.300 hộ với hơn 26 nghìn ngư dân ở huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh. Mỗi người được cứu trợ 15 kg gạo/tháng, trong thời gian 1,5 tháng. Những ngày tới, tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức cấp phát bổ sung thêm 1.259 tấn gạo cho 14.626 hộ gần 56 nghìn người bị ảnh hưởng gián tiếp tại các địa phương thuộc sáu huyện, thị ven biển, từ Nghi Xuân vào đến thị xã Kỳ Anh.
* Từ 2-5, Sở NN và PTNT tỉnh Quảng Bình phối hợp UBND thành phố Đồng Hới tổ chức các điểm bán cá sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ người tiêu dùng. Theo đó, có ba điểm bán cá sạch được tổ chức tại ba chợ chính: Đồng Hới, Công Đoàn, chợ Ga. Nguồn hải sản do các doanh nghiệp thu mua có uy tín trên địa bàn thành phố cung cấp và được các ngành chức năng kiểm định nguồn gốc, chứng nhận bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Các điểm bán cá sạch đều có bảng niêm yết giá cụ thể đối với từng loại sản phẩm.
* UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, trong hai ngày qua, tỉnh đã thu mua được hơn 200 tấn cá biển. Đồng thời, các ngành chức năng tỉnh đã cấp hơn 30 giấy chứng nhận cho ngư dân đánh bắt hải sản ở vùng biển an toàn. Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ mở rộng các điểm bán cá sạch ra các chợ lớn như Đông Ba, An Cựu, Tây Lộc và các trung tâm thương mại của tất cả các huyện, thị xã trong tỉnh.
* Sáng 3-5, TP Đà Nẵng tổ chức 44 điểm bán sạch phục vụ người dân. Nguồn cá cung cấp ra thị thường là 2,4 tấn cá ngừ. Toàn bộ số cá này đã được Sở NN và PTNT thành phố Đà Nẵng và các đơn vị liên quan kiểm nghiệm chất lượng nguồn gốc. Người bán còn có bảng hiệu có ghi tên, số điện thoại và giấy chứng nhận cá sạch do Sở cung cấp.
* Nhằm kịp thời chia sẻ khó khăn với bà con ngư dân và đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá, sáng 3-5, LĐLĐ tỉnh Hà Tĩnh đã đến chợ cá Cửa Sót (Thạch Kim - Lộc Hà) và chợ Cồn Gò (Cẩm Nhượng - Cẩm Xuyên) thăm hỏi, động viên ngư dân. Đồng thời, trao tám bộ máy Icom (trị giá hơn 216 triệu đồng) tặng tám đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá có tàu công suất lớn đánh bắt cá xa bờ để thuận tiện cho quá trình liên lạc và 53 suất quà (trị giá mỗi suất 500 nghìn đồng) tặng 53 đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.