TIN THỦY SẢN

Hướng đi đúng trong phát triển kinh tế thủy sản Đầm Hà

Khu vực nuôi tôm công nghiệp quy mô 125ha của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển sản xuất Hạ Long (BIM) tại xã Đại Bình, huyện Đầm Hà. Hữu Việt

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, huyện Đầm Hà đã tập trung triển khai thực hiện hiệu quả quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản, thu hút doanh nghiệp đầu tư, từng bước đưa thủy sản trở thành mũi nhọn phát triển kinh tế của địa phương.

Với chiều dài bờ biển hơn 21km, vùng cửa sông, bãi triều có diện tích hơn 5.500ha, mặt biển hơn 12.000ha, huyện Đầm Hà xác định phát triển kinh tế thuỷ sản là mục tiêu quan trọng. Trong thời gian qua, huyện đã tập trung cho phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, tạo điều kiện thuận lợi và bàn giao mặt bằng sạch cho các doanh nghiệp đầu tư.

Theo đó, huyện đã triển khai thực hiện các quy hoạch liên quan như: Quy hoạch tổng thể phát triển thuỷ sản huyện Đầm Hà đến năm 2020, định hướng 2030; quy hoạch chi tiết khu nuôi trồng thuỷ sản bãi triều xã Tân Bình; quy hoạch vùng nuôi thuỷ sản an toàn; quy hoạch chi tiết phát triển vùng nuôi tôm tập trung tại xã Tân Lập và Tân Bình.

Trong 9 tháng năm 2018, các doanh nghiệp và người dân đã thả nuôi 840,6ha thủy sản, đạt 71,17% kế hoạch năm, bằng 98,7% so với cùng kỳ. Hiện nay, bà con nông dân và các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản tại Đầm Hà đang tập trung cải tạo ao, đầm thả giống. Tổng diện tích đã được cải tạo, chuẩn bị thả giống vụ thu đông đạt hơn 100ha.

Nuôi tôm ở Đầm Hà đã hình thành nhiều vùng nuôi vụ thu đông cho hiệu quả kinh tế cao. Huyện đang phối hợp với ngành chức năng, các địa phương ven biển kiểm tra, hướng dẫn các hộ nuôi tôm tăng cường công tác phòng dịch, trong đó có việc phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Thủy sản Quảng Ninh thu mẫu giám sát dịch bệnh và quan trắc môi trường định kỳ trong nuôi trồng thủy sản đối tượng tôm thẻ chân trắng.


 HTX Sản xuất và Nuôi trồng thủy sản Bắc Việt đầu tư hệ thống hạ tầng khá hoàn thiện, đảm bảo năng lực sản xuất mỗi năm đạt 5 triệu con giống cá biển.

Từ những quy hoạch, huyện đã tập trung xây dựng hai vùng nuôi trồng thuỷ sản với quy mô lớn: Vùng nuôi tôm hàng hoá tập trung tại 4 xã Đại Bình, Tân Bình, Đầm Hà, Tân Lập với diện tích trên 300ha; vùng nuôi nhuyễn thể hàng hoá tập trung tại 4 xã Đại Bình, Tân Bình, Đầm Hà, Tân Lập với diện tích khoảng 500ha. Đến nay, huyện đã thu hút được một số dự án nuôi trồng thủy sản lớn. Trong đó, lớn nhất là Dự án Khu phức hợp sản xuất giống, nuôi tôm công nghệ cao siêu thâm canh do Tập đoàn Việt - Úc làm chủ đầu tư. Dự án có tổng diện tích hơn 300ha, vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục: Khu sản xuất giống quy mô 8 tỷ con giống/năm; khu nuôi tôm thương phẩm siêu thâm canh, mật độ 200-500 con/m2, năng suất 100-300 tấn/ha/năm, được nuôi theo công nghệ nhà màng; nhà máy chế biến (để tăng giá trị con tôm); nhà máy sản xuất thức ăn nuôi tôm.

Dự án Trung tâm Sản xuất giống công nghệ cao và nuôi thực nghiệm giống hải sản Quảng Ninh do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển sản xuất Hạ Long (BIM) đầu tư, triển khai tại xã Đại Bình, quy mô 125ha, tổng mức đầu tư khoảng 200 tỷ đồng. HTX Sản xuất và Nuôi trồng thủy sản Bắc Việt (thôn Đầm Buôn, xã Đầm Hà) hiện đầu tư hệ thống hạ tầng khá hoàn thiện với các bể ươm, ao chứa, bể xử lý nước thải, hệ thống lò nâng nhiệt, bể cho cá đẻ... đảm bảo năng lực sản xuất mỗi năm đạt 5 triệu con giống cá biển, góp phần đáp ứng nhu cầu về giống cá biển trên địa bàn huyện và tỉnh.

Theo kế hoạch, năm 2018 huyện Đầm Hà sẽ thả nuôi 1.150ha thủy sản các loại, trong đó diện tích nuôi mặn, lợ 970ha, riêng nuôi tôm 540ha; phấn đấu sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 6.430 tấn, riêng sản lượng nuôi tôm đạt 3.520 tấn. Tính đến thời điểm này, tổng sản lượng thủy sản trên địa bàn huyện đạt hơn 6.200 tấn, riêng sản lượng nuôi trồng đạt khoảng 3.364 tấn. Kết quả trên góp phần khẳng định hướng đi đúng của Đầm Hà trong việc phát triển thủy sản thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Hữu Việt Báo Quảng Ninh