TIN THỦY SẢN

Hướng đi mới cho con tôm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet Nguyễn Thanh

Có thể nói, nhiều địa phương ven biển ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung, con tôm rất được kỳ vọng để giúp người dân đổi đời, giúp địa phương phát triển kinh tế. UBND xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) thừa nhận, hồi trước đời sống người dân vùng này rất cơ cực, cứ mãi thiếu trước hụt sau, bởi sản xuất nông nghiệp không hiệu quả.

Từ khi chuyển đổi sang nuôi tôm đã mang lại hiệu quả ngó thấy, số hộ thu lợi vài tỷ đồng mỗi năm là rất phổ biến. Kinh tế đi lên từ con tôm, đã đưa Mỹ Long Nam trở thành một trong 11 xã “điểm” được Trung ương chọn xây dựng nông thôn mới.

Nuôi tôm thu lời nhiều đã cuốn hút nhiều hộ bỏ ruộng lúa, bỏ hoa màu, vườn cây… đào ao chuyển sang nuôi tôm. Ở Bến Tre, Cà Mau, Bạc Liêu, Đồng Tháp… người dân còn tự ý đưa nước mặn vào nuôi tôm trong vùng ngọt hóa. Hàng chục năm nay, nghề nuôi tôm “bùng nổ” ở nhiều nơi về diện tích; thế nhưng cơ sở hạ tầng như thủy lợi, điện, giao thông… bị quá tải, không đầu tư kịp. Thế là nông dân buộc lòng phải sử dụng hệ thống thủy lợi phục vụ cây lúa để nuôi tôm.

Cụ thể, cùng một con kênh nhưng hàng loạt hộ nuôi tôm tranh nhau lấy nước vào ao, rồi khi tôm bị dịch bệnh cũng “tranh nhau” thảy nguồn nước ô nhiễm ra bên ngoài, từ đó dịch bệnh phát tán khắp nơi - gây thiệt hại lớn. Ở Sóc Trăng, Trà Vinh… nguồn điện phục vụ nuôi tôm thiếu trầm trọng. Do thiếu điện nên người dân phải sử dụng máy dầu để chạy quạt hút, dẫn tới chi phí cao nhưng hiệu quả lại thấp.

Lo lắng nhất, khi con tôm được các địa phương ven biển xác định là “thế mạnh” nhưng tới nay nghề nuôi tôm vẫn chưa đi vào nề nếp, mạnh ai nấy làm, giữa nông dân và doanh nghiệp không có liên kết trong sản xuất và tiêu thụ. Do thiếu hợp tác nên tình trạng “được mùa, rớt giá” vẫn diễn ra và khi đó nông dân là người chịu thiệt.

Nếu so với nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp khác thì nghề nuôi tôm liên kết kém nhất, trong khi tính rủi ro lại cao. Vua tôm Võ Hồng Ngoãn, ở Bạc Liêu, phân tích: “Ai cũng bảo vùng ĐBSCL là “mỏ tôm” của cả nước. Thế nhưng nhiều năm qua chỉ chú tâm khai thác mà thiếu sự đầu tư. Nuôi và xuất khẩu tôm không chỉ lo trong nước, mà chúng ta còn cạnh tranh với các nước như Thái Lan, Ấn Độ…

Vì vậy, nếu không sớm đầu tư trên nhiều mặt, trong đó có sự hợp tác, thì nghề nuôi tôm sẽ lâm nguy…”. Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm cho biết, gần đây tôm xuất khẩu gặp khó, nhưng sản phẩm tôm sinh thái, tôm chất lượng cao vẫn có thị trường ổn định; song, loại sản phẩm rất ít, chỉ đáp ứng khoảng 15% nhu cầu tiêu thụ.
Để con tôm phát triển vững cần phải mạnh dạn thay đổi tập quán sản xuất từ tự phát sang liên kết, nâng chất lượng để tăng sức cạnh tranh. Đây cũng là cách nhằm hạn chế dịch bệnh xảy ra trên tôm nuôi.

Tại thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) mấy năm qua có 17 hộ nuôi 53ha tôm đứng ra quy tụ vào HTX Hòa Nghĩa. Các thành viên trong HTX liên kết với các trường đại học, các doanh nghiệp… để nuôi tôm bằng kỹ thuật tiên tiến. Những ao hầm nuôi tôm đều làm ao lắng để xử lý nguồn nước. Theo đó, nước từ sông lấy vào phải qua ao lắng khử trùng, khi đạt tiêu chuẩn mới đưa vào ao nuôi, nhờ đó con tôm không bị dịch bệnh. Đặc biệt, trong quá trình nuôi các thành viên không sử dụng thuốc kháng sinh, hóa chất… vì vậy sản phẩm tôm đạt chất lượng cao và bán giá cao.

Ở xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu cũng xuất hiện mô hình nuôi tôm “siêu thâm canh trong nhà kính” khá thành công. Nuôi tôm trong nhà kính tốn chi phí đầu tư ban đầu khoảng 10 tỷ đồng/ha, gồm xây nhà bao phủ các vuông tôm, xây tường xung quanh ao nuôi, lót bạt dưới đáy ao, lắp đặt hệ thống quạt, ôxy đáy, hệ thống dây chuyền cho tôm ăn... Mật độ thả nuôi từ 200 - 290 con/m2 tôm sau 100 - 105 ngày thả nuôi là có thể thu hoạch, năng suất khoảng 60 tấn/ha. Ưu điểm của mô hình này là dễ kiểm soát, tôm nuôi tăng trưởng nhanh, chất lượng tốt nên được các doanh nghiệp xuất khẩu chuộng mua với giá cao.

Mới đây, Công ty cổ phần Việt Úc Bạc Liêu cũng triển khai dự án “Thả tôm giống siêu thâm canh trong nhà kính”, với diện tích 50 ha. Đây là mô hình nuôi tôm theo công nghệ vượt trội nhờ ứng dụng công nghệ tiên tiến, toàn bộ ao nuôi đều được trải bạt phủ kín, nước trong ao nuôi có thể xử lý, tiết kiệm và sử dụng nuôi nhiều năm mới thay một lần…

Nuôi tôm “sạch”, tôm chất lượng cao, gắn sự liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp đang là vấn đề bức xúc đặt ra, và là hướng đi ổn định lâu dài cho nghề nuôi tôm…

Nguyễn Thanh Sài Gòn Giải Phóng, 18/05/2015