Hướng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao
Từ việc nuôi tôm theo kiểu truyền thống, nhiều người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Long An đã dần chuyển sang nuôi ứng dụng công nghệ cao, bước đầu đạt hiệu quả.
Hiệu quả từ nuôi tôm công nghệ cao
Hiện toàn tỉnh Long An có 418 hộ đầu tư các mô hình nuôi tôm tăng cường ứng dụng công nghệ cao với khoảng 209ha. Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản tỉnh - Nguyễn Thanh Toàn thông tin: “Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao năng suất bình quân khoảng 20 tấn/ha/vụ. Nếu nuôi đạt thì có thể lãi trên 2 tỉ đồng/ha/năm. Theo đánh giá ban đầu, một số hộ nuôi có năng suất và lợi nhuận rất cao. Mô hình này giảm rủi ro, năng suất và lợi nhuận cao”.
Thời gian qua, trên địa bàn huyện Cần Giuộc có hàng trăm hộ nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả đáng kể. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc - Ngô Bảo Quốc cho biết: “Toàn huyện hiện có 10 xã nuôi tôm với tổng diện tích ao nuôi khoảng 2.200ha, sản lượng bình quân hàng năm đạt gần 5.000 tấn, trong đó nuôi tôm thẻ chân trắng chiếm khoảng 92% diện tích, còn lại là tôm sú. Lũy kế năm vừa qua, toàn huyện có 397 hộ đầu tư các mô hình nuôi tôm tăng cường ứng dụng công nghệ cao với 185ha (đạt 92,5% so với chỉ tiêu Chương trình số 12-CTr/HU của Huyện ủy đề ra). Cụ thể, 21 hộ có mô hình tương đối hoàn chỉnh với diện tích 22ha; 376 hộ có đầu tư một số nội dung ứng dụng công nghệ cao với diện tích 163ha”.
Phước Vĩnh Tây là một trong những địa phương có diện tích nuôi tôm lớn của huyện Cần Giuộc. Hiện tổng diện tích nuôi tôm của toàn xã khoảng 850ha. Trong đó, nông dân nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao hoàn chỉnh 12ha, ứng dụng một phần công nghệ cao 130ha, phần còn lại là nuôi theo kiểu truyền thống. Những năm gần đây, việc nuôi tôm mang lại hiệu quả rất khả quan cho nông dân, đối với những diện tích nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao thì năng suất trung bình khoảng 15 tấn/ha, cao gấp 3 lần so với nuôi tôm ứng dụng một phần công nghệ cao và gấp 6 lần so với nuôi tôm theo kiểu truyền thống. Ông Lê Văn Bông, ngụ xã Phước Vĩnh Tây, cho biết: “Hiện gia đình tôi có 1,6ha mặt nước nuôi tôm, trong đó, 1ha là ao lắng và 0,6ha là ao nuôi. Theo tôi, muốn nuôi tôm đạt hiệu quả thì quan trọng nhất là chọn con giống. Vì vậy, tôi luôn chọn mua tôm giống ở những công ty, cơ sở uy tín, có như vậy thì nuôi tôm mới đạt hiệu quả. Nếu so với cách nuôi truyền thống, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao theo 3 giai đoạn mang lại hiệu quả cao hơn hẳn. Tôm không chỉ được cung cấp đầy đủ oxy, lớn nhanh, chống dịch bệnh tốt mà còn giảm hiện tượng chết giai đoạn ươm, không cần dùng thuốc kháng sinh mà vẫn làm sạch được đáy ao, hạn chế được rất nhiều rủi ro”.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Đước - Nguyễn Hồng Chương cho biết, toàn huyện có hơn 400ha nuôi tôm công nghiệp có trang bị đầy đủ dụng cụ như: Máy cho ăn, máy quạt nước, máy thổi oxy đáy. Điển hình, các tổ hợp tác nuôi ứng dụng mô hình nuôi tôm 2, 3 giai đoạn cho năng suất từ 5-10 tấn/ha, cá biệt có hợp tác xã nuôi tôm công nghệ cao năng suất 25 tấn/ha, lãi từ 100-130 triệu đồng/ha. Những hộ dân áp dụng mô hình nuôi tôm bán thâm canh và thâm canh đạt năng suất trung bình 3 tấn/ha đối với tôm thẻ, tôm sú trung bình 1,8 tấn/ha.
Nuôi tôm công nghệ cao mang lại hiệu quả
Với các điều kiện tự nhiên của xã Tân Chánh là nền đất bùn và độ mặn không phù hợp việc áp dụng công nghệ cao, mặc dù trang bị đầy đủ trang thiết bị nhưng khoảng 2 tháng nuôi thì lượng khí độc sinh ra rất nhiều, không thể xử lý kịp và dẫn đến tôm bị bệnh chết. Nhiều hộ gia đình, đặc biệt là thành viên của hợp tác xã và tổ hợp tác từng áp dụng công nghệ biofloc và cũng phải cắt bỏ lót bạt đáy, vì mô hình không mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, sau thời gian thực hiện, huyện rút ra được một quy trình phù hợp với địa phương, từng bước thực hiện tại vùng nuôi tôm xã Tân Chánh. “Huyện thực hiện mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn (2 giai đoạn lót bạt) và giai đoạn cuối cùng là thực hiện trên ao đất. Với quy trình này, hạn chế được khí độc trong đáy ao, dễ kiểm soát sự sinh trưởng, phát triển của tôm. Huyện thiết kế ao tôm dạng bể tròn (đây là cách làm mới) hạn chế, chủ động môi trường nước, dễ kiểm soát yếu tố môi trường, thuận lợi kiểm soát quá trình sinh trưởng và giảm chi phí đầu vào (điện). Mô hình cho chất lượng và năng suất cao” - ông Chương thông tin.
Sẽ nhân rộng
Chủ tịch UBND xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc - Huỳnh Văn Trí cho biết: “Những năm qua, thực hiện theo chủ trương của Huyện ủy, UBND huyện, lãnh đạo cùng các ban, ngành, đoàn thể xã tích cực vận động người dân thành lập các tổ hợp tác và hợp tác xã để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào việc nuôi tôm. Bên cạnh đó, UBND xã phối hợp Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tạo điều kiện cho nông dân vay vốn để thành lập các tổ hợp tác với lãi suất ưu đãi; đồng thời, giúp các tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ để xây dựng các ao lắng phục vụ việc nuôi tôm, hạn chế rủi ro có thể xảy ra. Ngoài ra, UBND xã còn tích cực phối hợp các ban, ngành huyện tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường nước để việc nuôi tôm của người dân được diễn ra thuận lợi và đạt kết quả cao”. Ông Nguyễn Thanh Toàn, ngụ xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, chia sẻ: “Tôi “bén duyên” với con tôm từ đầu những năm 2000. Ban đầu, tôi chủ yếu nuôi tôm sú nhưng đến năm 2006, sau chuyến đi học tập kinh nghiệm ở Gò Công (Tiền Giang) được biết đến con tôm thẻ chân trắng và hiệu quả kinh tế mà nó mang lại. Từ đó, tôi chuyển từ nuôi tôm sú sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Đến năm 2016, sau nhiều lần đi học tập kinh nghiệm ở những trang trại nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trong và ngoài tỉnh, tôi quyết định ứng dụng một phần công nghệ cao (sử dụng bạt bờ và oxy đáy) vào ao tôm của gia đình. Nhờ vậy mà năng suất tôm tăng lên, lợi nhuận cũng cao hơn”.
Để nhân rộng mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, Chủ tịch UBND huyện Cần Đước - Huỳnh Văn Quang Hùng cho biết: “Thực hiện Đề án Phát triển nuôi tôm nước lợ tỉnh giai đoạn 2020-2025, UBND tỉnh hỗ trợ Cần Đước trên 285 tỉ đồng đầu tư xây dựng công trình hạ tầng vùng nuôi tôm công nghệ cao. Ngoài ra, ngành nông nghiệp tiếp tục vận động những hộ dân có điều kiện, đầu tư mô hình nuôi tôm công nghiệp - công nghệ cao; xây dựng quy trình, mô hình trình diễn từng bước chuyển đổi mô hình; khảo sát, quy hoạch các vùng nuôi tôm theo địa bàn các ấp, khu vực…, xây dựng dự án vay vốn; kiểm tra chất lượng con giống, hạn chế sử dụng các chế phẩm sinh học, tăng cường liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tăng giá trị, hiệu quả kinh tế nông nghiệp, góp phần thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, xây dựng chương trình phát triển nông nghiệp toàn diện, chất lượng cao và bền vững. Thường xuyên khuyến cáo người dân tránh tình trạng nôn nóng, đầu tư không hiệu quả gây thiệt hại cho kinh tế hộ gia đình, ảnh hưởng lớn đến chủ trương chung trong việc tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, xây dựng chương trình phát triển nông nghiệp toàn diện, chất lượng cao và bền vững”.