Hướng thoát nghèo ở Vĩnh Kiên
Với lợi thế diện tích mặt nước hồ, trên 500 ha, cùng với những chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản của tỉnh, của huyện, xã Vĩnh Kiên (Yên Bình) đã vận động nhân dân khai thác tiềm năng, thế mạnh về nguồn nước để nuôi trồng thuỷ sản, tạo công ăn việc làm, xoá đói giảm nghèo và làm giàu cho người dân.
Là một trong những hộ nuôi cá lồng lâu năm của xã, gia đình chị Nguyễn Thị Nhung ở thôn Mạ có nguồn thu nhập cao và ổn định từ nghề nuôi cá lồng. Năm 2004, do vốn ít lại chưa có nhiều kinh nghiệm nên chị chỉ đầu tư 1 lồng nuôi cá trắm cỏ với kích thước vừa phải. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm của những hộ đi trước nên vụ cá đầu tiên đem lại cho gia đình chị thu nhập đáng kể.
Sau khi tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi cá lồng, chị đã áp dụng vào điều kiện thực tế của gia đình mình từ khâu làm lồng, chọn giống và chăm sóc nên cá của gia đình chị luôn phát triển tốt, ít dịch bệnh và cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, với 3 lồng cá trắm cỏ, mỗi năm, trừ chi phí, gia đình chị cũng thu lãi gần 80 triệu đồng.
Chị Nhung cho biết: “Để cá sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh, cá giống tôi mua tận trại giống bên Tuyên Quang. Cá trắm cỏ dễ nuôi, hiệu quả kinh tế cao. Việc chăm sóc không vất vả do tận dụng nguồn thức ăn là các loại sản phẩm nông nghiệp có sẵn tại địa phương như lá sắn, lá chuối, ngô, đặc biệt là cỏ khá nhiều tại khu vực quanh hồ”.
Gia đình ông Trần Văn Thịnh ở thôn Mạ lại khác. Năm 2014, qua tìm hiểu, tham quan một số hộ dân nuôi cá chắn lưới thấy có hiệu quả kinh tế hơn hẳn so với cá lồng, ông đã mạnh dạn mua lưới về quây trên diện tích 5 ha mặt nước đấu thầu từ trước, chi phí ban đầu khoảng 100 triệu đồng. Sau một năm, riêng tiền bán cá rô phi và cá chép, gia đình ông đã thu về hơn 80 triệu đồng. Dự kiến, cuối năm nay, khi thu hoạch cá trắm cỏ, gia đình ông sẽ có thêm khoảng 200 triệu đồng nữa.
Đến nay, người dân trên địa bàn xã đã nuôi 70 lồng cá, trong đó làm mới 10 lồng, chủ yếu là cá trắm cỏ. Một số hộ dân có điều kiện kinh tế đã đầu tư nuôi cá nheo và các loại cá có giá trị kinh tế cao. Nhiều hộ dân đã có thu nhập ổn định, hộ ít vài chục triệu đồng, hộ nhiều hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Hình thức nuôi phong phú, ngoài nuôi cá lồng, một số hộ dân ít nhân lực lại lựa chọn hình thức quây lưới tại những eo, ngách theo hình thức bán thâm canh mà vẫn cho hiệu quả kinh tế cao.
Bà Nguyễn Thị Ái Vân - Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Kiên cho biết: “Xác định nuôi trồng thủy sản cũng là một trong những hướng đi trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đem lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp, mở ra cơ hội xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân, thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là các giống cá đặc sản. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân, chú trọng tập huấn kiến thức nuôi trồng thủy sản, giúp người nông dân tận dụng tối đa thế mạnh sẵn có ở địa phương”.
Tuy nhiên, để việc nuôi trồng thủy sản phát triển một cách bền vững cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nông dân với chính quyền địa phương cũng như các tổ chức đoàn thể trong việc quy hoạch vùng nuôi, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm.