TIN THỦY SẢN

Huyện Đông Hải: Nuôi trồng và khai thác thủy sản vượt kế hoạch

Mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến ở xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải. Ảnh: L.D

Năm 2017, kinh tế của huyện Đông Hải tăng trưởng là có sự đóng góp quan trọng của hoạt động nuôi trồng và khai thác đánh bắt thủy sản. Thế mạnh này sẽ được phát huy trong năm 2018 khi nhiều dự án, mô hình sản xuất liên kết trong nuôi trồng, khai thác thủy sản được tăng cường đầu tư.

Khai thác, nuôi trồng thủy sản vượt kế hoạch

Tính đến cuối năm 2017, tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản thực hiện trên 126.450 tấn. Trong đó, tôm chiếm 49.083 tấn, cá 50.333 tấn, thủy sản khác 27.030 tấn, đạt 101,7% kế hoạch, tăng 4,8% so với cùng kỳ.

Về khai thác, đánh bắt thủy sản trên biển, huyện Đông Hải có 598 tàu thuyền đánh bắt với tổng công suất 114.616CV, tiếp tục dẫn đầu cả tỉnh về số phương tiện và sản lượng khai thác.

Năm 2017, tuy thời tiết diễn biết thất thường, xảy ra bão và nhiều đợt áp thấp nhiệt đới làm cho việc khai thác chưa được thường xuyên. Song, nhờ giá thu mua nguyên liệu thủy sản ổn định và một số mặt hàng có tăng giá, nên hoạt động khai thác mang lại hiệu quả khá cao; nhiều ngư dân có điều kiện cải hoán, nâng cấp phương tiện đánh bắt xa bờ. Hiện nay, Đông Hải có 3 tàu đóng mới đưa vào hoạt động và đang tiếp tục đóng mới thêm 3 tàu, với tổng mức đầu tư khoảng 10 tỷ đồng/tàu.

Cùng với đóng mới tàu, huyện còn thực hiện tốt chính sách hỗ trợ chi phí vận chuyển hàng hóa cho tàu dịch vụ hậu cần và đến nay UBND tỉnh  đã ra quyết định hỗ trợ 8 hộ/15 tàu/70 chuyến biển, với số tiền hơn 3,6 tỷ đồng...

Năm 2017, toàn huyện có hơn 39.054ha nuôi trồng thủy sản, tăng 282ha so với cùng kỳ. Trong đó diện tích nuôi thâm canh - bán thâm canh trên 3.835ha; áp dụng mô hình nuôi quảng canh cải tiến kết hợp 35.135ha. Điều đáng ghi nhận là mô hình nuôi tôm sạch thông qua liên kết với doanh nghiệp được nhân rộng. Đơn cử như mô hình nuôi tôm sạch của Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản Tiền Phong và Đồng Tiến (tại ấp Cây Giá, xã Định Thành) với hơn 350ha/204 hộ.

Ngoài ra, các mô hình sản xuất, chăn nuôi khác như trồng màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm, sản xuất muối... cũng phát triển và tăng trưởng khá.

Làm tốt chỉ đạo sản xuất

Nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt các biện pháp phục vụ và bảo vệ sản xuất của Ban chỉ đạo sản xuất huyện nên Đông Hải đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi trong sản xuất nông nghiệp.

Đó là tập trung làm tốt công tác tuyên truyền để hỗ trợ nông dân như: thông báo lịch thời vụ sản xuất, dự báo thời tiết, ngư trường khai thác, các giải pháp kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất. Qua đó giúp bà con chủ động khai thác thủy sản trên biển, sản xuất muối, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp... Cùng với đó là thông tin kịp thời về phòng chống các dịch bệnh trên cây trồng - vật nuôi, kế hoạch phòng chống hạn mặn, bảo vệ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, góp phần hạn chế rủi ro, thiệt hại trong sản xuất.

Bên cạnh đó, huyện tranh thủ nhiều nguồn vốn để đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi - thủy nông nội đồng (thi công 25 tuyến kênh); đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho nông, ngư dân thông qua việc phối hợp với các đơn vị chức năng mở 30 lớp tập huấn, thu hút gần 1.000 lượt nông dân tham gia...

Tuy nhiên, cùng với những thuận lợi, sản xuất nông nghiệp năm 2017 của huyện cũng còn gặp nhiều khó khăn. Đó là thời tiết diễn biến phức tạp, xuất hiện các cơn mưa lớn kéo dài, môi trường ao nuôi biến động; một số bệnh nguy hiểm xuất hiện gây bệnh trên tôm nuôi. Giá cá kèo ở mức thấp. Ngư dân chưa tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi phục vụ việc nâng cấp tàu, thay đổi máy móc, thiết bị, ngư lưới cụ, từ đó làm chậm quá trình chuyển đổi sang các ngành nghề khai thác hiệu quả hơn. Nhu cầu đầu tư cho nông nghiệp rất lớn, trong khi nguồn kinh phí của Nhà nước có giới hạn; việc huy động các nguồn lực của nhân dân và các thành phần kinh tế vào nông nghiệp và nông thôn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến quá trình đầu tư mở rộng sản xuất...

Những khó khăn trên sẽ được Ban chỉ đạo sản xuất huyện tập trung khắc phục trong thời gian tới. Đồng thời tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả và tăng cường vốn đầu tư cho hạ tầng phục vụ sản xuất, có chính sách ưu đãi trong liên kết hợp tác giữa doanh nghiệp, nông dân...

Báo Bạc Liêu