Huyện Mai Châu hỗ trợ người dân phát triển nuôi cá lồng vùng hồ Hòa Bình
Để thúc đẩy nhân dân vùng lòng hồ huyện Mai Châu nuôi thuỷ sản có hiệu quả, phòng Dân tộc huyện đang triển khai chương trình hỗ trợ giúp người dân đóng mới lồng và hỗ trợ giống cá. Chủ trương này được người dân rất đồng tình, nhất là tại những xã triển khai dự án như Tân Mai, Phúc Sạn, Tân Dân.
Trong nhiều năm qua, tại những địa bàn vùng lòng hồ Hoà Bình, nhất là địa bàn huyện Mai Châu thu nhập từ nuôi cá lồng đạt hiệu quả cao so với nhiều loại hình kinh tế khác. Chính vì vậy, từ nhiều năm lại đây, người dân trên địa bàn tập trung phát triển lồng cá với kỳ vọng là hướng đi đúng thúc đẩy kinh tế địa phương. Thống kê trên toàn huyện Mai Châu hiện có 346 lồng cá trên khu vực lòng hồ Hoà Bình.
Trao đổi vấn đề này với đồng chí Đinh Công Hanh, Chủ tịch UBND xã Phúc Sạn được biết, khó khăn nhất trên địa bàn các xã vùng hồ của Mai Châu chính là đất nông nghiệp không nhiều. Ví như Phúc Sạn, cả xã có trên 2.000 khẩu nhưng diện tích lúa nước chỉ hơn 38 ha. Ngoài ra còn thêm 30 ha đất đồi đủ điều kiện trồng cây nông nghiệp như ngô, khoai, sắn. “Người dân xã Phúc Sạn chủ yếu trồng luồng. Tuy nhiên, cũng chỉ đảm bảo đủ sống, còn làm giàu rất khó. Ngoài ra, người dân trông chờ vào nuôi cá lồng lòng hồ Hoà Bình giúp bà con vươn lên làm giàu” - đồng chí Đinh Công Hanh, cho hay.
Mới đây, tin vui đối với người dân vùng hồ huyện Mai Châu là huyện đang triển khai trợ giúp người dân kinh phí đóng lồng cá mới từ nguồn vốn của tỉnh. Theo lãnh đạo phòng Dân tộc huyện, trong thời gian qua, huyện triển khai dự án hỗ trợ người dân đóng 123 lồng cá và giống cá tại các xã: Tân Mai, Phúc Sạn và Tân Dân. Qua đó tạo điều kiện giúp nhiều hộ khó khăn phát triển sản xuất, khai thác tiềm năng mặt nước lòng hồ Hoà Bình. Trong đó, xã Tân Dân có 55 hộ, xã Tân Mai 23 hộ và xã Phúc Sạn 45 hộ được hỗ trợ tiền làm lồng cá mới. Tổng kinh phí của đợt hỗ trợ này gần 1,4 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện nay, hầu hết các xã đang đóng lồng cá. Riêng xã Phúc Sạn đã có gần 30 hộ dân đóng xong lồng, chuẩn bị thả cá.
Về chương trình này, theo đồng chí Đinh Công Hanh, chủ trương hỗ trợ tiền đóng lồng cá bằng sắt đối với các hộ khó khăn vùng hồ Hoà Bình, trong đó có xã Phúc Sạn khiến người dân hết sức phấn khởi. Nguyên do từ trước đến nay, người dân không có vốn nên lồng cá chủ yếu được làm từ bương, tre, độ bền thấp, chỉ vài năm là phải thay mới, gây khó khăn cho phát triển nuôi thả cá. Trong đợt này, 132 hộ các xã Tân Mai, Phúc Sạn và Tân Dân mỗi hộ được hỗ trợ 1 lồng cá và cá giống có giá trị 25 triệu đồng/hộ, chi trả một lần. Theo quy định, người dân đóng lồng bằng sắt, quây lưới sắt và đăng ký giống cá với chính quyền. Sau khi hoàn tất, đơn vị chức năng của huyện nghiệm thu thực tế và giải ngân ngay cho người dân.
Để nhận được sự hỗ trợ kinh phí, các hộ dân phải cam kết sử dụng con giống khoẻ mạnh, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Sử dụng thức ăn, hoá chất trong danh mục được phép sử dụng, đảm bảo đúng quy trình; thực hiện thu gom, xử lý chất thải trong quá trình nuôi theo đúng quy định, không gây ô nhiễm môi trường khu vực nuôi.
Đối với lồng cá, theo quy định, kích thước lồng làm bằng khung sắt hộp hoặc hộp mạ kẽm kích cỡ hộp sắt, kẽm tối thiểu từ 3 - 5 cm; chiều dài, rộng tối thiểu 5 m. Lưới lồng đảm bảo chiều sâu 2 m, tính từ mặt nước xuống. Sợi lưới được làm bằng nilon hoặc sợi dù...
Bên cạnh đó, phao nổi để nâng lồng được làm bằng thùng phuy nhựa hoặc hộp xốp. Phao phải nâng được lồng nuôi nổi cách mặt nước tối thiểu 50 cm. Huyện Mai Châu động viên nhân dân mở rộng nuôi các loại cá cho thu nhập cao, có nguồn gốc rõ ràng như cá chiên, trắm đen, dầm xanh, rô phi đơn tính, trắm trắng...