Huyện thuần nông sản xuất thủy sản an toàn
Là huyện thuần nông nằm cách TP Bắc Ninh 30 km, với hệ thống giao thông, thủy lợi, đất đai khá thuận lợi cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp, những năm qua huyện Lương Tài đã chủ động xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hàng hóa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Khai thác tiềm năng
Huyện Lương Tài vốn được coi như “vùng trũng” của tỉnh Bắc Ninh, nhưng nhờ có cơ sở hạ tầng giao thông thủy - bộ, cùng hệ thống đê điều, kênh mương thủy lợi khá đồng bộ, nên thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp cũng như trao đổi nông sản hàng hóa. Đó là đường tỉnh lộ 281 nối cảng Kênh Vàng với quốc lộ 5 đi Hà Nội, Hải Phòng, đường từ tỉnh lộ 281 đi cầu Bình Than sang khu công nghiệp Quế Võ; tuyến đê sông Thái Bình vừa bảo đảm phòng, chống lụt bão, vừa thực hiện tốt chức năng giao thông nối cảng Kênh Vàng với TP Hải Dương. Trạm bơm tưới Kênh Vàng 3 công suất 12.000 m3/giờ và trạm bơm tiêu Nhất Trai công suất 108.000 m3/ giờ mới được hoàn thành đưa vào sử dụng, cơ bản giúp Lương Tài chủ động trong việc tưới tiêu cho gần 5.800 ha đất sản xuất nông nghiệp. Trong đó lúa là cây trồng chính, chiếm 82% số diện tích gieo trồng, với năng suất bình quân đạt 64,6 tạ/ha, tiếp đến là các loại cây rau màu. Ngoài ra Lương Tài có khoảng 220 ha đất bãi ngoài đê sông Thái Bình và 215 ha đất trong nội đồng, với thành phần chủ yếu là đất cát pha, thịt nhẹ rất thích hợp để trồng các loại cây rau, màu cho hiệu quả kinh tế cao, nhất là cà-rốt.
Cùng với các loại rau, màu người dân Lương Tài còn khai thác tốt mặt nước sông Thái Bình để nuôi trồng thủy sản, với diện tích là 1.350 ha, trong đó có hơn 630 lồng nuôi cá, cho sản lượng hằng năm hơn 12 nghìn tấn, chiếm 32,5% sản lượng của toàn tỉnh. Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Huyện ủy Lương Tài Vũ Minh Hiếu - người có nhiều năm gắn bó với ngành nông nghiệp cho biết: Trong số các địa phương phát triển nghề nuôi cá lồng, Trung Kênh là xã đứng đầu huyện.
Nhờ khai thác môi trường nước mặt tự nhiên dồi dào của sông Thái Bình chảy qua và sử dụng nguồn thức ăn sạch nên hiện toàn xã có hơn 300 lồng nuôi cá. Đồng chí đưa chúng tôi đi thăm bè nuôi cá của gia đình anh Phạm Văn Bôn, ở thôn Quan Kênh, xã Trung Kênh, hiện có hơn 50 lồng cá, trong đó chủ yếu là cá chép, cá diêu hồng, cá trắm cỏ, cá lăng. Mỗi vụ gia đình anh Bôn thu hoạch bình quân đạt khoảng 4 tấn/lồng, trừ chi phí mua giống, thức ăn chăn nuôi, cũng thu lời hàng trăm triệu đồng. Ngoài thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện cũng phát triển nhanh.
Hiện, toàn huyện có hơn 39.500 con lợn, với tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng khoảng 10 nghìn tấn/năm và 616 nghìn con gia cầm, hằng năm cung cấp khoảng tám triệu quả trứng. Trong đó có chín trang trại chăn nuôi áp dụng công nghệ chuồng kín, với hệ thống máng ăn, nước uống tự động và cơ bản làm tốt công tác xử lý chất thải cho nên bảo đảm an toàn dịch bệnh, cũng như môi trường sinh thái theo tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Sản xuất nông sản sạch
Cùng với mở rộng sản xuất, được sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, ngành nông nghiệp huyện Lương Tài đã triển khai xây dựng một số mô hình sản xuất nông nghiệp sạch mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Sản xuất lúa theo quy trình VietGAP ở Quảng Phú; mô hình rau chuyên canh ứng dụng công nghệ cao gắn với sơ chế bảo quản ở Minh Tân; sản xuất hoa cao cấp trong nhà lưới, nhà kính ở Lôi Châu (An Thịnh)... Đồng thời thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như: Công ty cổ phần thực phẩm sạch Lương Tài, Công ty TNHH xuất nhập khẩu nông sản Hải Phong, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Hưng Gia Nguyễn, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Vĩnh Cửu, Công ty TNHH lợn giống DABACO Lương Tài... Trong đó, hai cụm công nghiệp nằm sát tỉnh lộ 280 và 281 giao thông thuận lợi rất phù hợp để các nhà đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản, thực phẩm với nguyên liệu và lao động sẵn có tại địa phương.
Tuy nhiên, theo Bí thư Huyện ủy Lương Tài Vũ Minh Hiếu, để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, trở thành “địa chỉ đỏ” cung ứng lương thực, thực phẩm an toàn cần tổ chức rà soát điều chỉnh quy hoạch sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, bố trí các vùng sản xuất tập trung, phù hợp điều kiện kinh tế-xã hội của mỗi vùng. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông nội đồng và giao thông kết nối từ vùng sản xuất tập trung đến các trục đường quốc lộ, tỉnh lộ, tạo thuận lợi cho việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất.
Lương Tài là huyện thuần nông, coi sản xuất nông nghiệp làm chính, vì vậy cần có những chính sách đặc thù nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình thuê, mượn ruộng đất với thời gian dài hoặc có thể cung cấp đất sạch, tạo thuận lợi cao nhất cho hoạt động cho thuê, giao đất, góp vốn bằng đất, kể cả đất của dân, để tích tụ ruộng đất, đáp ứng nhu cầu sản xuất quy mô lớn. Cũng như tăng cường công tác đào tạo, hướng dẫn, tạo điều kiện về vốn để giúp các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp vừa làm tốt chức năng quản lý, cung ứng dịch vụ vật tư đầu vào có chất lượng tốt, vừa tổ chức sản xuất và liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản.