TIN THỦY SẢN

Iceland phân vân trước ngưỡng cửa EU

Kinh tế Iceland phụ thuộc rất lớn vào ngành đánh bắt và chế biến hải sản. Quỳnh Chi

Tích cực nộp đơn gia nhập Liên minh Châu Âu (EU) năm 2010 với kỳ vọng có được một nền kinh tế ổn định, Iceland từng được đánh giá là một quốc gia đáp ứng nhanh nhất các yêu cầu để bước vào ngôi nhà chung 28 thành viên.

Tuy nhiên, khi đã vượt được 1/3 quãng đường và nhận được sự ủng hộ của hầu hết các thành viên EU thì Reykjavik bất ngờ đình chỉ lộ trình đàm phán, thậm chí còn xem xét khả năng từ bỏ ý định đang theo đuổi. Quyết định này của liên minh cầm quyền Iceland hiện vấp phải những phản ứng trái chiều từ dư luận trong nước và có thể khoét sâu thêm chia rẽ xung quanh câu chuyện vốn đang "nóng" lên trong thời gian gần đây.

Hàng nghìn người biểu tình đã tràn xuống các đường phố ở thủ đô Reykjavik để yêu cầu Chính phủ giữ cam kết của họ trong cuộc bầu cử hồi tháng 5 năm ngoái về việc sẽ tổ chức trưng cầu dân ý liên quan tới vấn đề gia nhập EU. Động thái trên diễn ra sau khi Chính phủ công bố một dự thảo luật nhằm "rút lại đơn xin gia nhập EU" mà Chính phủ tiền nhiệm của đảo quốc này đã nộp năm 2010. Họ cho rằng, liên minh cầm quyền đã không tôn trọng những cam kết trước đó. Theo các nhà phân tích, những người ủng hộ tiến trình gia nhập EU đa số là thành viên thuộc đảng Dân chủ xã hội với lập luận coi EU như một sự bảo đảm của phát triển bền vững. Trong khi đó, các ý kiến phản đối của liên minh cầm quyền gồm đảng Tiến bộ và đảng Độc lập lại cho rằng, nền kinh tế Iceland đã lấy lại sự ổn định, vì vậy nếu trở thành thành viên EU, ngành đánh bắt cá của quốc đảo này sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì vậy, ngay sau khi thắng cử, Chính phủ mới của Iceland đã đình chỉ các cuộc đàm phán gia nhập EU.

Là một quốc gia thưa dân nhất thế giới với khoảng 320.000 người, khi khủng hoảng kinh tế năm 2008 nổ ra, Iceland là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Toàn bộ hệ thống ngân hàng Iceland đã sụp đổ ngay trong những ngày đầu. Tổng nợ ngân hàng và nợ hộ gia đình tại đảo quốc này cao gấp 6 lần tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Tính đến năm 2008, số nợ trung bình của mỗi hộ gia đình Iceland lên tới 240% thu nhập. Năm 2009, GDP của Iceland giảm tới 10%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng gấp 7 lần... Tuy nhiên, chỉ 3 năm sau kể từ thời điểm đó, hòn đảo băng giá đã phục hồi với tốc độ nhanh hơn bất kỳ nền kinh tế nào khác ở Châu Âu. Mặc dù vẫn chưa hoàn toàn trở lại phong độ như trước khủng hoảng, song đến nay Iceland được đánh giá là một trong những quốc gia có nền chính trị và kinh tế ổn định nhất Cựu lục địa.

Hiện tại, những bất đồng chính giữa Iceland và các nước EU tập trung trong lĩnh vực phân chia hạn ngạch đánh bắt cá. Trên thực tế, nền kinh tế Iceland phụ thuộc rất lớn vào đánh bắt và chế biến hải sản khi ngành công nghiệp này chiếm tới 50% doanh thu ngoại tệ và thu hút 11,8% dân số làm việc. Vì vậy, nền kinh tế nước này rất dễ bị tổn thương nếu sản lượng đánh bắt cá bị giảm sút. Đặc biệt, nghề đánh bắt cá voi, vốn mang lại kế sinh nhai cho nhiều người và nuôi sống nhiều gia đình, lại là ngành nghề nằm trong diện cấm của EU. Bên cạnh đó, Iceland và Liên minh Châu Âu cũng chưa tìm được tiếng nói chung về vấn đề chi trả tiền đền bù cho các công dân EU chịu thiệt hại do làn sóng phá sản của các ngân hàng Iceland trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Tuy nhiên, sở dĩ liên minh cầm quyền Iceland quyết định không tiến hành trưng cầu dân ý về việc gia nhập EU vì đã nhận được ý kiến từ các cố vấn hiến pháp. Theo những tư vấn này, Chính phủ hiện nay không bị ràng buộc bởi cuộc bỏ phiếu của Quốc hội năm 2009 về các cuộc đàm phán gia nhập EU. Ngoài ra, các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy đa số người dân Iceland phản đối về dưới "mái nhà chung".

Theo kế hoạch, dự luật rút lại đơn xin gia nhập EU sẽ được đưa ra thảo luận tại Quốc hội Iceland trong tuần này. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại rằng, nếu không tổ chức trưng cầu dân ý để đưa ra một kết quả minh bạch, làn sóng biểu tình của các đảng phái đối lập cùng lực lượng ủng hộ gia nhập EU sẽ tiếp tục gia tăng, đe dọa tới sự ổn định của Băng đảo.

Quỳnh Chi Báo Hà Nội mới, 28/02/2014