TIN THỦY SẢN

Im ắng tôm đầu vụ

Người nuôi tôm ở Sóc Trăng lo âu trước những khó khăn mới. Ảnh: XT. Hữu Đức

Người nuôi tôm ven biển ở Đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu gặp khó. Đầu vụ thả giống, trước diễn biến xấu dịch bệnh Covid-19 các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản dự báo chặng đường đầy cam go.

Về thăm vùng tôm 

Sớm đầu hè, nắng sớm ban mai đã phả hơi nóng trên dọc con đường Nam sông Hậu chạy về phía cửa biển Trần Đề. Nối tiếp những ao tôm giăng giăng bên phía ngoài đê sông ở địa phận Long Phú (Sóc Trăng) vòng ra Mỏ Ó (huyện Trần Đề, Sóc Trăng). Đi dọc ven biển Đông thuộc thị xã Vĩnh Châu… cả một vùng nuôi tôm rộng lớn nhưng không khí vào mùa thả giống lại khá im vắng.

Chị Ly, chủ hộ nuôi tôm ở phường Khánh Hòa, thị xã Vĩnh Châu có 40 ao nuôi tôm thẻ chân trắng. Từ đầu vụ tới nay nhà chị mới thả giống chừng vài ba ao. Bên mái hiên nhà, nắng gió hầm hập, chị cho hay, mấy năm trước vào độ này nhà chị và bà con trong xóm đã vào vụ thả nuôi gần một tháng. Nhưng năm nay hạn mặn gay gắt chưa từng thấy, bà con lo sợ rủi ro. Có người thả tôm sớm chừng được hơn 20 ngày, lo lắng ngày đêm mà tôm vẫn hư phải xổ bỏ. Nếu nuôi tôm ráng cầm cự qua hơn một tháng có thể vớt vát 300-400 con/kg còn gỡ được chút vốn. Ra chợ chợ thấy bán tôm thẻ non cỡ 200 kg/con là tôm nuôi được gần 1,5 tháng, sắp bị hư nên người nuôi bán vội. Nhiều hộ nuôi tôm nấn ná chờ giữa tháng 4 mưa sa, hạ bớt độ mặn mới vào vụ.

Theo chị Ly, lúc này một số hộ lân cận đo độ mặn ngoài sông định lấy nước vào ao, mặn lên tới 30‰. Trong khi độ mặn nuôi thả tôm theo khuyến cáo của cán bộ thủy sản địa phương và kinh nghiệm nuôi tôm là từ 10-12 ‰ là thích hợp. Nhưng chậm thả tôm nuôi lúc này còn thêm lý do nữa là giá tôm thấp quá. Tôm cỡ 100 con/kg giá nhà máy thu mua 76.000 đ/kg. Hơn nữa nhà máy chế biến chỉ thu mua cầm chừng, trữ kho, do tình hình xuất khẩu chưa mạnh.

Bà Quách Thị Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng cho rằng: Thời tiết nắng nóng, độ mặn tăng cao khiến cho bà con nuôi tôm lo ngại các bệnh dễ gây tổn thất nhất là bệnh đốm trắng, đỏ thân, bệnh gan tụy cấp và ngán nhất là bệnh mới vi bào tử trùng nuôi tôm hoài không lớn. Vùng nuôi tôm ở Sóc Trăng có khung lịch thời vụ năm 2020 bắt đầu từ ngày 20/1 kết thúc ngày 30/9. Hiện đã bước vào vụ nuôi tôm nước lợ, diện tích thả nuôi xấp xỉ tương đương so với cùng kỳ. Phần lớn diện tích còn lại bà con vẫn tập trung cải tạo và lấy nước vào chuẩn bị xử lý. Theo dõi tình hình xâm nhập mặn hiện nay nước mặn đã đi sâu các khu vực nội đồng, nhưng chưa gây thiệt hại đến tôm nước lợ.

Thị trường khó tiên liệu

Ảnh hưởng tình hình dịch bệnh Covid-19 toàn cầu khiến cho kinh tế nhiều ngành nghề khó dự đoán trước. Trong đó xuất khẩu thủy sản qua 2 tháng đầu năm vẫn giữ nhịp xuất khẩu đều, nhưng bước vào tháng 3 tình hình phát tín hiệu báo động.


Các trại nuôi tôm có điều kiện đã sớm vào vụ. Ảnh: XT.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ Phần Thực phẩm Sao Ta nhận định: Đến nay tình huống ngày càng xấu hơn. Các đơn hàng nguyên năm lùi ngày thảo luận, bởi do lo phòng chống Covid-19. Nghe thông tin thì khách hàng từ Trung Quốc và Hàn Quốc có yêu cầu lùi ngày giao hàng. Riêng công ty Sao Ta thì chưa bị. Trong tháng 4, tháng 5 sắp tới tôm vào mùa nhưng diễn biến thị trường tôm hiện thời chưa nói lên điều gì khi Covid-19 chưa có dự báo lúc nào kết thúc. Thực trạng hiện nay là tôm tươi đang giảm giá khá mạnh do hạn chế nhu cầu. Song song tôm nuôi đang gặp dịch bệnh khá nặng, nhất là vùng Sóc Trăng.

Theo ông Lực, hiện nay tình hình thị trường xuất khẩu đang vô cùng khó khăn. EU đóng cửa biên giới, dân ở trong nhà. Nhà hàng không khách, sức tiêu thụ giảm. Tình hình Hoa Kỳ khả năng tương tự. Riêng Nhật Bản còn ổn định.

“Trong tình hình căng thẳng giữa mùa đề phòng dịch bệnh, vấn đề căn bản là làm thế nào giữ ổn định cho doanh nghiệp trụ vững, vượt qua. Hiện Sao Ta đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19, kiểm tra hàng ngày. Do diễn biến Covid-19 có xu hướng xấu lên, mọi điều đều có khả năng xảy ra, nên chúng tôi đang triển khai xây dựng kịch bản ứng phó tình huống xấu nhất xảy ra nhằm hạn chế tối đa thiệt hại. Các khách hàng cũng đang lo âu về tình hình tiêu thụ tôm, cho nên chúng tôi chưa có thể dự liệu những gì xa hơn”, ông Lực nói.

Dù tình hình đang đối mặt nhiều khó khăn nhưng rất may vùng nuôi tôm chưa vào vụ và tôm thu hoạch chưa nhiều. Các nhà máy chưa áp lực phải thu mua tôm nguyên liệu nhiều. Tôm chưa chưa ứ đọng, tồn kho. Doanh nghiệp thủy sản chưa kẹt vốn nhiều. Nếu như thị trường Trung Quốc sớm hết dịch sẽ có lợi. Hoạt động xuất nhập khẩu phục hồi, ngành cá tra sẽ hưởng lợi nhiều hơn ngành tôm.

Hữu Đức Nông nghiệp Việt Nam