Indonesia có thể áp dụng hạn ngạch đánh bắt cá mập
Chính phủ Indonesia mới đây cam kết sẽ tăng cường bảo vệ các loài cá mập thông qua các biện pháp thích hợp, nhằm hạn chế đánh bắt cá mập và xuất khẩu vây cá mập, đồng thời không gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của ngư dân trong nước.
Vụ trưởng Bảo tồn các loài cá thuộc Bộ Biển và Nghề cá Indonesia, Agus Dermawan, cho biết một trong những biện pháp đang được chính phủ nước này xem xét có việc áp dụng hệ thống hạn ngạch đánh bắt, cho dù việc thực thi không dễ dàng.
Theo quan chức trên, để chuẩn bị thực thi một chính sách như vậy, trước hết Chính phủ Indonesia dự kiến vào cuối năm nay sẽ ban hành quy định mới về các loài cá mập trên cơ sở nghiên cứu của Viện Khoa học Indonesia, theo đó xác định cụ thể những loài cần được bảo vệ và tình trạng của các loài khác, tạo cơ sở cho việc thiết lập hạn ngạch đánh bắt.
Hồi tháng 5 vừa qua, Bộ Biển và Nghề cá Indonesia đã ban hành quy định cấm đánh bắt cá mập voi (tên khoa học là Rhincodon typus) - loài sinh vật biển có thể dài hơn 12 mét và sống đến 100 tuổi.
Ngoài ra, bộ trên còn bổ sung thêm cá voi kiếm răng to (Pristis microdon) và cá mập tuốt lúa (Alopias vulpinus) vào nhóm các loài cá mập cần được bảo vệ.
Cơ quan thống kê Quốc gia Indonesia (BPS) cho biết cùng với Ấn Độ, Indonesia là một trong những nhà xuất khẩu vây cá mập lớn nhất thế giới. Cuộc khảo sát do bộ phận thủy sản thuộc Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) tiến hành năm 2010 cho thấy sản lượng đánh bắt cá mập của Indonesia là 109.248 tấn, tăng đáng kể so với mức 70.000 tấn năm 2000. Tiếp theo Indonesia là Ấn Độ với 74.050 tấn và Tây Ban Nha với 59.777 tấn.
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nguồn cá gần bờ đang ngày càng cạn kiệt, trong khi hầu hết ngư dân không có phương tiện để đánh bắt ngoài khơi dài ngày. Mặc dù Indonesia đã tham gia Công ước Quốc tế về buôn bán các loài động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng (CITES) năm 1973, song thực tế tình trạng vi phạm công ước ở nước này vẫn khá phổ biến.
Các loài cá mập không phải ngoại lệ, bởi nhu cầu vây cá mập trên các thị trường thế giới rất cao, đặc biệt là từ Trung Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan và Đặc khu hành chính Hong Kong (cùng của Trung Quốc). Đánh bắt cá mập và bán vây của chúng là sinh kế và nguồn thu nhập chủ yếu của phần lớn 2,2 triệu ngư dân Indonesia.
Chủ tịch Hiệp hội Tiếp thị và Chế biến Thủy sản Indonesia, Thomas Darmawan bày tỏ sự ủng hộ với việc tăng cường bảo vệ các loài cá mập đang bị đe dọa, song không tán thành chính phủ cấm thương mại cá mập. Ông Darmawan cho rằng một lệnh cấm như vậy sẽ càng khiến việc kiểm soát đánh bắt trở nên khó khăn hơn.
Tình trạng đánh bắt bất hợp pháp sẽ vẫn diễn ra, thậm chí nhiều hơn và tinh vi hơn do nhu cầu luôn có và ở mức cao trên thị trường. Do đó, giải pháp áp đặt chế độ hạn ngạch đánh bắt hàng năm là hiệu quả và tối ưu. Cụ thể, mức dưới 100.000 tấn cá mập/năm sẽ đáp ứng đồng thời được cả hai mục tiêu bảo tồn loài sinh vật biển quan trọng này và đảm bảo đời sống cho ngư dân./.