Kênh mương bị bồi lắng: Người nuôi tôm khốn đốn vì nguồn nước ô nhiễm
Những dòng kênh cạn trơ đáy, nước tù đọng, chứa đủ các loại rác thải chẳng khác nào những dòng kênh chết là hình ảnh không khó để bắt gặp ở những tuyến kênh nhánh thuộc vùng nuôi tôm trọng điểm của hai huyện Hòa Bình và Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu). Để có nguồn nước phục vụ sản xuất, nhiều nông dân phải tự nạo vét đoạn kênh trước nhà thành những “ao nước” nhỏ để có thể tích nước, bơm dần.
Theo phản ánh của người dân sống dọc theo tuyến kênh ấp Bửu II (xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải), hơn 3 năm nay tuyến kênh này đã bị bồi lắng nghiêm trọng. Nhiều đoạn, người dân có thể đứng từ bờ bên này nhảy qua được bờ bên kia, trong khi trước đây con kênh này từng rộng hơn 6 mét và sâu đến 4 mét. Thực trạng này khiến cho việc dẫn nước vào ao nuôi tôm của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Anh Phạm Minh Tươi (ấp Bửu II, xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải) nói: “Nhà tôi có 5 ao nuôi tôm theo hướng công nghệ cao, nhưng giờ nguồn nước không có nên không thể thả tôm nuôi hết diện tích được. Không chỉ vậy, do nguồn nước không đảm bảo, khi lấy vào ao lắng phải qua nhiều khâu xử lý, tốn kém đủ thứ mà vẫn không an tâm khi đưa vào ao nuôi. Chúng tôi rất mong các cấp chính quyền quan tâm đầu tư nạo vét tuyến kênh này để bà con có nguồn nước phục vụ sản xuất”.
Cũng theo phản ánh của bà con nơi đây, do nguồn nước bị ứ đọng nên khi có hộ nuôi tôm bị thiệt hại xả thải ra kênh thì coi như cả xóm gần một tháng không ai dám lấy nước. Tình trạng này đã được bà con kiến nghị rất nhiều lần đến các cấp chính quyền từ xã đến huyện, nhưng đã 3 năm ròng không được giải quyết. Quá bức xúc, nhiều hộ nuôi tôm có diện tích lớn trong ấp đã làm đơn xin tự nạo vét tuyến kênh nhưng cũng không được chấp nhận.
Cùng chung cảnh ngộ với hàng chục hộ nuôi tôm ở ấp Bửu II, người dân ấp 16 (xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình) cũng khốn đốn vì không có nước sản xuất. Theo ghi nhận của chúng tôi, tuyến kênh chảy qua ấp 16 hiện đã bị bồi lắng gần hết, có đoạn cây mắm mọc ngay giữa lòng kênh và trở thành nơi trú ngụ lý tưởng cho nhiều loài thủy sản như cá thòi lòi, còng gió, cua biển… Theo phản ánh của bà con, để có nước dẫn vào ao nuôi, nhiều hộ trong xóm phải tự đào cho mình một “cái ao” trước nhà để tích nước và phải tranh thủ lắm mới có thể bơm đủ nước. Tình cảnh này đã kéo dài suốt gần 4 năm nay nhưng không được các cấp chính quyền quan tâm giải quyết, dù bà con trong ấp đã nhiều lần kiến nghị. Ông Lê Văn Tiến bức xúc: “Kênh mương như vậy thì làm sao nông dân chúng tôi nuôi trồng gì được. Nếu tình hình này mà tiếp tục kéo dài thì có nước phải treo ao, bỏ vuông mà đi làm mướn kiếm sống”.
Dẫu biết thủy lợi là một tiêu chí khó đối với nhiều địa phương, bởi yêu cầu kinh phí đầu tư lớn, trong khi nguồn lực còn hạn hẹp. Tuy nhiên, để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, các địa phương cần quan tâm hơn nữa đến việc sên vét, cải tạo các tuyến kênh, nhất là những kênh nhánh để bà con có nguồn nước phục vụ sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập. Đồng thời cũng để bà con nuôi tôm ở những nơi này không cảm thấy mình bị bỏ lại phía sau trong tiến trình xây dựng Bạc Liêu trở thành thủ phủ tôm của cả nước.