TIN THỦY SẢN

Kéo điện tiếp sức cho tôm

Nhân viên Công ty điện lực Trà Vinh gắn đồng hồ điện cho hộ dân nuôi tôm tại ấp La Bang Chợ (xã Đôn Xuân, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh). Ảnh: Đại Dương. Đại Dương

Ngành điện đang nỗ lực tối đa kéo điện đến từng ao nuôi tôm công nghiệp của người dân tại Trà Vinh, một trong những địa phương bùng nổ về diện tích nuôi tôm tự phát những năm qua.

Bùng nổ tự phát 

Gia đình anh Nguyễn Văn Đào, nhà ở ấp La Vang Chợ (xã Đôn Châu, huyện Duyên Hải, tỉnh  Trà Vinh) làm nghề tuôi tôm từ năm 2003. Lúc đầu chỉ nuôi 1 ao và đến nay đã tăng lên 4 ao, với tổng diện tích mặt nước 11.000 m2. Anh Đào cho biết, trước đây do chưa có điện, anh phải chạy máy diesel để sục khí oxy cho tôm. 

Hai năm trở lại đây, điện lưới quốc gia đã được kéo về tận nơi. Tuy nhiên, do đây là điện 1 pha, phục vụ thắp sáng sinh hoạt là chính nên cũng chỉ sử dụng được 4 mô-tơ điện thay cho 4 máy diesel. Trong khi đó, anh cần tới 13 mô-tơ mới đủ đáp ứng nhu cầu nuôi tôm của gia đình.

“Mặc dù mới dùng 4 mô-tơ thay cho máy dầu, nhưng tôi thấy tiết kiệm được rất nhiều chi phí”- anh Đào nói, đồng thời tính toán: Mỗi ngày phải chạy máy liên tục 18 tiếng. Nếu sử dụng máy diesel, mỗi tháng hết 4 triệu đồng tiền dầu, trong khi chi phí tiền điện chạy mô-tơ hết 1 triệu đồng. 

Với một hồ nuôi tôm diện tích 3.200m2, riêng tiền dầu hết trung bình 25 triệu đồng/vụ, gấp khoảng 4 lần so với chạy mô-tơ điện. Ngoài ra chưa kể chi phí mua máy cao hơn nhiều so với mô-tơ điện và rã máy sửa chữa sau mỗi vụ tôm. Chính vì hiệu quả kinh tế và sự tiện lợi của việc chạy mô-tơ điện nên bà con ai cũng trông mong điện về để tiếp sức cho con tôm phát triển.

Ông Nguyễn Thanh Hùng-Chủ tịch UBND xã Đôn Châu cho biết, do lợi nhuận của con tôm khá cao so với các vật nuôi, cây trồng khác nên những năm qua bà con vùng này đổ xô vào nuôi tôm tự phát. Mãi đến năm 2013, địa phương mới quy hoạch vùng nuôi tôm công nghiệp, nhưng tình hình nuôi tôm tự phát ngoài quy hoạch vẫn không ngừng tăng cao dẫn đến quá tải về điện và phát sinh nhiều vấn đề về vệ sinh, môi trường khác. Cả xã Đôn Châu hiện có 300 hộ nuôi tôm (chiếm gần 1/10 số hộ dân trong xã) với khoảng 500 ha diện tích mặt nước nuôi tôm. Trong đó có khoảng 300 ha trong vùng quy hoạch, số còn lại là tự phát.

Theo thống kê của UBND tỉnh Trà Vinh, tăng trưởng bình quân diện tích nuôi tôm tại tỉnh này là 65,7%/năm và đạt khoảng 17 nghìn ha vào giữa năm 2014, trong đó chủ yếu là tự phát. Riêng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng là 3.617 ha, bằng 411% so với quy hoạch.

Theo ông Đặng Văn Dình –Phó giám đốc Công ty Điện lực Trà Vinh, quy hoạch phát triển điện lực tại Trà Vinh 2011-2015 có tính đến 2020 được cấp có thẩm quyền phê duyệt không có các phụ tải nuôi tôm công nghiệp. Hầu hết các hộ dân sử dụng điện sinh hoạt kết hợp nuôi trồng thủy sản, gây quá tải cục bộ tại các trạm biến áp phân phối và lưới điện hạ thế.

Đưa điện đến ao tôm

Ông Dình cũng cho biết, khi tình trạng nuôi tôm thẻ chân trắng (loại tôm có nhu cầu tiếp khí oxy bằng cánh quạt cao hơn rất nhiều so với tôm khác) bùng nổ dữ dội, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) đã chủ động và nhanh chóng huy động vốn từ nhiều nguồn để đầu tư phát triển lưới điện tại các vùng nuôi tôm công nghiệp ở một số tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. 

Tại Trà Vinh, EVN SPC cũng đã triển khai kế hoạch đầu tư phát triển lưới điện trên các vùng nuôi tôm các năm 2014, 2015 với tổng mức đầu tư gần 39 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây mới chỉ là khoản đầu tư nhằm giải quyết những nhu cầu bức thiết trước mắt cho bà con các vùng nuôi tôm. 

Để đảm bảo cấp điện cho các vùng nuôi tôm công nghiệp lâu dài và ổn định, ngành điện tiếp tục triển khai đầu tư nhiều dự án khác, đó là các công trình điện 110 kV với tổng mức đầu tư 254 tỷ đồng, lồng ghép với các dự án cấp điện cho các thôn bản chưa có điện hoặc đề án phát triển lưới điện cho các trạm bơm quy mô vừa và nhỏ tại các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Dình cũng cho biết, hiện Công ty Điện lực Trà Vinh đang triển khai dự án thành phần cải tạo, nâng cấp và phát triển lưới điện phục vụ nuôi tôm công nghiệp tỉnh Trà Vinh (Gọi tắt là dự án DPL3) với tổng vốn trên 103 tỷ đồng. Dự án được triển khai từ tháng 7/2015 và dự kiến sẽ hoàn thành trong quý I/2016. “Khi dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ cơ bản cung cấp đủ điện cho các vùng nuôi tôm công nghiệp của tỉnh”- ông Dình nói.

Bà con nuôi tôm đang trông chờ điện dữ lắm. Khi các ao tôm được cung cấp điện đầy đủ, lúc đó con tôm thật sự bật dậy. Phó Chủ tịch UBND xã Đôn Châu Trần Văn Quân

Đại Dương Báo Tiền Phong, 29/10/2015