Khắc khoải La Ngà
Được biết đến như là một trong những làng cá bè lớn nhất khu vực sông Đồng Nai, làng cá bè La Ngà (thuộc nhánh sông Đồng Nai) nhiều năm qua không chỉ mang đến cho xã La Ngà sự đổi thay mạnh mẽ về kinh tế, mà còn giúp thay đổi diện mạo đời sống của dân làng bè. Tuy nhiên, những năm gần đây, khi con nước trên sông La Ngà ngày càng kiệt, khiến cuộc sống nơi đây trở nên khó khăn.
Sông “khát” nước, người “khát” niềm vui
Chúng tôi tìm về làng bè khi sông La Ngà đang giữa những ngày nắng nóng cao độ, dòng nước đã cạn ở mức báo động. Nhiều lồng bè đã phải “treo” nằm dọc một khúc sông, không gian trầm lắng đến lạ thường.
Hỏi thăm vài ngư dân đang vệ sinh lồng bè gần bờ, chúng tôi mới biết, hiện nước sông đang cạn, nên phần lớn ngư dân đang phải sống cầm chừng, chỉ còn đôi ba chục lồng bè ở giữa sông - nơi nước còn nhiều. Chỉ tay về hướng cuối sông, anh Trần Long Hải, một người vừa treo bè, nói: “Năm nay nước về chậm, nhiều người nuôi cá tại làng bè phải treo lồng sớm. Cá không nuôi được nên giá cá hiện được thương lái thu mua khá cao, cá diêu hồng loại 1 hiện từ 38.000 - 42.000 đồng/kg”. Đúng như lời anh Hải nói, chúng tôi lân la trên dưới chục lồng bè nhưng phần lớn đều đang phải bỏ không vì sông “khát” nước.
Chị Nguyễn Thị Thúy Nga, người hơn 10 năm bám khúc sông La Ngà này, chia sẻ: “Những năm trước, khi nước sông lớn, độ ô nhiễm chưa cao, ngư dân làng bè ai nấy đều thắng vào mỗi mùa thu hoạch cá. Nhưng 2 - 3 năm trở lại đây, nước sông Là Ngà ngày càng cạn, ô nhiễm khiến niềm vui của ngư dân làng bè cũng ít đi. Nhiều gia đình có 3 - 4 thế hệ cùng ở trên làng bè, khó khăn gấp bội vì phải treo bè”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, làng cá bè La Ngà được hình thành vào những năm 90 của thế kỷ trước, do bà con vùng Đồng Tháp Mười và các Việt kiều Campuchia hồi hương đến đây lập nghiệp, cuộc sống gần như luôn gắn chặt với con thuyền, chiếc bè và dòng sông. Hiện trên khúc sông này có trên 130 hộ nuôi cá bè, với gần 600 nhân khẩu. Gần đây, quy hoạch vùng nuôi cá được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt - trong đó có La Ngà, những hộ sống bằng nghề nuôi cá bè trên sông La Ngà đã được xã quản lý và cấp hộ tịch.
Mỗi bè cá ở đây có diện tích bề mặt trung bình khoảng 40m2. Tùy theo mùa vụ và nhu cầu thị trường, ngư dân nơi đây nuôi các loại như cá diêu hồng, cá lăng, cá chình, cá bống. Những năm trước, khi nguồn lợi tự nhiên, các yếu tố thổ nhưỡng, đầu ra và giá cả thu mua còn ổn định, khúc sông La Ngà này từng có bao triệu phú giàu lên nhờ cá. Ấy vậy mà chỉ 2 năm trở lại đây, cuộc sống của người dân đang khó đi từng ngày.
Anh Võ Văn Than, Việt kiều Campuchia, “đại gia” một thời ở làng cá, cho biết: “Vợ chồng tôi xuôi dòng sông Mê Công về đây từ năm 1993 và làm ăn sinh sống đến bây giờ. Trung bình mỗi vụ 5 tháng (trên 1 lồng bè) thu được khoảng 10 tấn cá. Mỗi năm với 2 lồng bè thu hoạch được hàng trăm tấn cá. Vì vậy, cuộc sống của gia đình rất sung túc. Thế nhưng, 2 năm trở lại đây, hàng loạt biến cố đã xảy ra, cá chết do ô nhiễm, lồng bè phải treo vì sông thiếu nước, nguồn vi sinh trong nước không ổn định… khiến cuộc sống của gia đình lao đao”.
Những ước mơ dang dở
Hậu quả của dòng sông ô nhiễm một phần từ việc thiếu ý thức bảo vệ dòng sông, bảo vệ môi trường của chính người dân nơi đây.
Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ xã La Ngà cho biết: “Một thời, mô hình nuôi cá với hàng trăm lồng bè đã mang lại nguồn kinh tế đáng kể cho cư dân, giúp đổi thay bộ mặt xã. Tuy nhiên, đi kèm theo nguồn lợi kinh tế đó là tình trạng nước sông La Ngà ngày càng ô nhiễm bởi thức ăn thừa của cá, dư lượng thuốc kháng sinh, dầu mỡ từ các phương tiện thuyền, ghe đi lại và chất thải sinh hoạt của các hộ sinh sống trên bè khiến tình trạng thất bát khi thả nuôi ngày càng nhiều”.
Quan sát tại các làng bè, chúng tôi nhận thấy mọi sinh hoạt của các gia đình ở đây, từ việc ăn uống, giặt giũ quần áo đến vệ sinh tắm rửa đều lấy nước từ chính dòng sông La Ngà. Do đó, có thể hiểu được vì sao nước sông ngày càng trở nên ô nhiễm, sức khỏe của người dân nơi đây ngày càng xuống cấp, thường xuyên bị các loại bệnh tật tấn công.
Trước đây, cuộc sống trên bè của gia đình anh Nguyễn Đức Trung khá ổn định, nhưng giờ đây trò chuyện về một tương lai xa, về kế hoạch tương lai cho 3 đứa con của mình, anh cũng không giấu ý định sẽ có sự thay đổi môi trường sống cho các con. Anh Trung nhận ra rằng, sống ở nhà bè gặp rất nhiều thiệt thòi, đó là con anh ít được giao tiếp với xã hội, việc học hành cũng bị hạn chế vì chỉ quanh quẩn ở trên bè. Chính vì thế, ước mơ lớn nhất của anh là thắng 1 - 2 vụ thả nuôi nữa sẽ sang bè, chuyển lên đất liền mua miếng đất để chăn thả gia súc, buôn bán hoặc làm nghề nào đó để cho các con có môi trường sống tốt hơn. Anh Trung chia sẻ: “Tôi không còn trẻ nữa, cuộc sống đủ đầy nơi làng bè đến mấy đi nữa cũng không thể ổn định bằng việc định cư trên đất liền; việc học hành của các cháu cũng bị ảnh hưởng. Tôi mong sẽ sớm thực hiện được ước mơ “lên bờ” của mình trong 1 - 2 năm tới”.
Ánh mắt của đứa trẻ này với ước mơ sẽ được “lên bờ”để vui với bạn bè đồng lứa
Không có điều kiện và những dự tính cụ thể như anh Trung, nhưng gia đình anh Thanh, chị Huyền - hộ đang mang nợ gần trăm triệu đồng vì cá chết, lại có ước mơ bình dị hơn. Gia đình anh Thanh chỉ mong sớm vay được tiền của ngân hàng để tái đầu tư, nuôi thả nhằm trả nợ và có tiền cho hai con đi học trở lại. Anh Thanh tâm sự: “Gia đình tôi có 2 con nhưng đứa đầu học đến lớp 7 phải nghỉ học vì túng quẫn quá. Cháu nhỏ đã đến tuổi vào lớp 1, cũng chưa biết có cho cháu ra lớp không nữa vì hiện tại lồng bè nhà tôi đã treo rồi, cuộc sống mưu sinh đang dựa vào việc buôn bán nhỏ của vợ tôi trên bờ, chỉ đắp đổi qua ngày. Tôi hy vọng, sắp tới sẽ vay được tiền để nuôi thả lại vào mùa nước lớn và cho con tới trường”.
Những ước mơ của ngư dân làng bè thật quá đỗi bình dị nhưng giờ đây luôn song hành cùng nỗi khắc khoải về một dòng sông.