Khắc khoải nguyên liệu sạch
Trong khi nhiều mặt hàng nông, thủy sản đang gặp khó về đầu ra thì vẫn có không ít doanh nghiệp tuyên bố: Thị trường không thiếu, giá cả không tệ, nhưng cái chúng ta đang thiếu lớn nhất chính là nguyên liệu sạch!
Ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, nhìn nhận: "Cái khó lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp không chỉ đến từ chuyện giá cả thị trường. Quan trọng hơn là thiếu hụt nguồn nguyên liệu chất lượng cao để sản phẩm có mẫu mã đẹp và an toàn". Cùng quan điểm nhìn nhận thị trường như ông Phục, ông Hồ Quốc Lực, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Fimex Việt Nam), đánh giá: "Hầu hết các thị trường khó tính, nhưng có sức tiêu thụ lớn. Điển hình như thị trường EU, Nhật Bản, Mỹ, con tôm Việt Nam đều đã thâm nhập. Do đó, vấn đề tìm kiếm, mở rộng thị trường không còn quan trọng. Vấn đề hiện nay là làm sao phát triển nghề nuôi tốt để có con tôm đạt chất lượng cao nhất và đặc biệt là không tồn dư chất cấm".
Đối với Sóc Trăng, ngoài con tôm nước lợ, sản phẩm cây ăn trái cũng khá đa dạng về chủng loại và có chất lượng ngon không thua kém bất kỳ nơi nào. Chỉ riêng cây có múi, hiện Sóc Trăng đang có 4 - 5 loại có giá trị và sản lượng lớn, như: bưởi Năm Roi, bưởi da xanh, quýt đường, cam sành, cam xoàn… Nhưng phần lớn chỉ là tiêu thụ theo kiểu hàng chợ, ít khi được dán nhãn mác để vào các siêu thị, hay xuất khẩu đi các nước. Tương tự như thế là cây nhãn, vú sữa, sầu riêng… Riêng các loại rau, củ, quả hành tím Vĩnh Châu vốn nổi tiếng một thời thì nay cũng gặp không ít khó khăn trong khâu tiêu thụ.
Nguyên nhân là do chúng ta chưa tổ chức sản xuất tập trung theo cùng một quy trình canh tác an toàn như VietGAP hay GlobalGAP, nên sản phẩm làm ra không đồng đều cả về mẫu mã lẫn chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Con tôm nước lợ thì mỗi vùng, mỗi người nuôi một kiểu không ai giống ai, miễn sao có tôm thu hoạch là được. Cây ăn trái, rồi rau màu cũng vậy, ai muốn canh tác theo kiểu nào, xài phân bón, thuốc gì cũng khó có ai kiểm soát được. Tất cả tạo nên sự hỗn loạn về chất lượng làm cho người tiêu dùng không biết đâu mà lường, dẫn đến hoài nghi, thậm chí tẩy chay.
Năm nay, con tôm nước lợ lại gặp khó về đầu ra do sức tiêu thụ giảm trong khi nguồn cung thế giới vẫn ổn định. Tuy nhiên, sản phẩm tôm chế biến của Việt Nam nói chung và Sóc Trăng nói riêng vẫn được những thị trường lớn, như: Mỹ, EU hay Nhật Bản tín nhiệm với mức giá cao hơn một số nước khác chủ yếu là ở công nghệ chế biến. Ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, cho biết thêm: "Để có đủ nguyên liệu sạch đáp ứng yêu cầu khách hàng, hiện nay, các doanh nghiệp đều sẵn sàng mua với giá cao hơn từ 5% trở lên nếu sau khi kiểm tra tôm đạt tiêu chuẩn. Riêng Công ty Cổ phần Thủy sản Sạch Việt Nam hiện thu mua trực tiếp tại ao nuôi để đảm bảo chất lượng đầu vào an toàn nhất".
Hiện nay, nhiều thị trường đã bắt đầu mở cửa cho hàng nông, thủy sản Việt Nam với mức thuế khá ưu đãi. Nhưng, kéo theo đó luôn là các rào cản về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Ông Hồ Quốc Lực, Tổng Giám đốc Fimex Việt Nam, chia sẻ: "Thiết bị công nghệ và tay nghề chế biến của các doanh nghiệp ở Sóc Trăng cũng như cả nước là rất cao, nên sản phẩm làm ra luôn có mẫu mã đẹp, hấp dẫn được người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng Nhật Bản. Đây cũng chính là lợi thế cạnh tranh lớn nhất của con tôm Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa lợi thế cạnh tranh này, việc tổ chức thực hành nuôi tôm tốt - GAP rất cần được các bộ, ngành, địa phương và người dân quan tâm để sản phẩm của chúng ta ngày một sạch hơn, có giá thành cạnh tranh hơn".
Ông Phạm Văn Tân - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, so sánh: "Giá nhãn da bò tại huyện Kế Sách hiện được khách hàng thu mua với mức 15.000 đồng/kg. Trong khi tại một số tỉnh trong khu vực nhà vườn trồng nhãn theo quy trình VietGAP và được cấp mã vùng, đủ điều kiện xuất khẩu bán được giá đến 40.000 đồng/kg". Như vậy, với 2.500ha nhãn hiện có của huyện Kế Sách, nếu được thực hiện theo quy trình VietGAP và được cấp mã vùng sẽ có giá trị tăng thêm mỗi năm trên 600 tỉ đồng. Không chỉ có cây nhãn, cây xoài, bưởi… cũng có thị trường xuất khẩu và nội địa rất lớn, giá trị cao nếu được tổ chức sản xuất theo quy trình VietGAP hay GlobalGAP để được cấp mã vùng.
Sử dụng sản phẩm sạch đang là xu thế chung của thị trường các nước, kể cả nội địa. Doanh nghiệp và người tiêu dùng sẵn sàng bỏ ra số tiền cao hơn để có được sản phẩm chất lượng và an toàn cho sức khỏe của mình. Vì vậy, tổ chức lại sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung gắn với quy trình VietGAP hay GlobalGAP là hết sức cần thiết, để sản phẩm nông, thủy sản có thể hội nhập tốt hơn trong thời gian tới.