Khắc phục ô nhiễm nuôi thủy sản: Đầu tư công nghệ & nuôi tập trung
Quảng Nam đang chú trọng xây dựng vùng nuôi thủy sản tập trung để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra gay gắt trong thời gian qua, hướng đến phát triển nuôi thủy sản bền vững.
Xóa bỏ tự phát
Thống kê của Sở NN&PTNT cho thấy, sản lượng nuôi tôm nước lợ toàn tỉnh trong năm 2015 đạt khoảng 10.900 tấn, thấp hơn năm 2014 khoảng 800 tấn. Nguyên nhân là môi trường nuôi tôm không đảm bảo đã khiến cho dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Điểm yếu của nghề nuôi tôm nước lợ ở Quảng Nam trong thời gian qua là hạ tầng yếu kém, thủy lợi sơ sài, công trình ao nuôi bị xuống cấp. Hầu hết vùng nuôi không có hệ thống thoát nước riêng, không có ao chứa lắng, ao xử lý nước thải nên bệnh trên tôm nuôi rất dễ phát sinh. Thêm nữa, khi có bệnh xảy ra, nhiều nông hộ tùy tiện xả thải ra môi trường nên dễ lây lan thành dịch.
Yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải xây dựng vùng nuôi tập trung, hướng đến xóa bỏ cách sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, manh mún tồn tại lâu nay. Tín hiệu rất đáng mừng là đến thời điểm này, dự án xây dựng vùng nuôi tôm tập trung theo hướng công nghiệp tại thôn Diêm Trà (xã Tam Tiến, Núi Thành) đang được khởi động. Dự án có quy mô 45ha này khi được hoàn thành sẽ mở ra cách thức sản xuất mới cho nghề nuôi tôm của tỉnh. Nhà nước tập trung nguồn vốn để đầu tư cho hạ tầng của vùng nuôi này, gồm kênh cấp nước, kênh thoát nước, giao thông, điện... Khi hạ tầng hoàn thiện, các nông hộ sẽ tiếp tục huy động vốn, chỉnh trang lại các ao nuôi, đầu tư hệ thống ao chứa lắng và ao xử lý nước thải để vừa ổn định môi trường nước trong ao nuôi vừa không bức hại môi trường xung quanh. Khi dự án này đi vào hoạt động, các nông hộ bắt buộc sẽ phải tuân thủ lịch mùa vụ sản xuất bởi nguồn nước sẽ được quản lý chặt chẽ. Đây là dự án đầu tư hạ tầng vùng nuôi thủy sản tập trung đầu tiên của tỉnh, tính từ năm 2007 đến nay.
Một triển vọng nữa là Quảng Nam đang trình Trung ương phê duyệt dự án nuôi thủy sản tập trung tại 3 thôn Bản Long, Tân Bình Trung và Lộc Ngọc của xã Tam Tiến. Khi dự án này được phê duyệt, triển khai trên diện tích 100ha thì mục tiêu nuôi thủy sản bền vững, khống chế được ô nhiễm môi trường sẽ dần đi vào hiện thực. Trong lúc dự án đang chờ phê duyệt thì vào lúc này, Quảng Nam đang nỗ lực xóa bỏ cách nuôi thủy sản tự phát bằng cách huy động người nuôi thủy sản ở cùng địa bàn sản xuất theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã. Cách làm này sẽ giúp các nông hộ góp vốn tăng quy mô đầu tư nuôi thủy sản cũng như phối hợp cùng giải quyết các vấn đề có thể phát sinh, khắc phục tổn hại môi trường.
Áp dụng công nghệ “sạch”
Nuôi tôm nói riêng, nuôi thủy sản nói chung theo hướng công nghiệp đang dần thành hình trên địa bàn tỉnh. Báo Quảng Nam đã phản ánh về cách đầu tư nuôi tôm thu được hiệu quả cao trên 36 ao nuôi của ông Trần Công Thành (thôn Hòa An, xã Tam Hòa, Núi Thành). Hay mô hình nuôi tôm trên 16 ao nuôi của ông Nguyễn Văn Thọ (thôn Phước An 1, xã Bình Hải, Thăng Bình). Điểm chung ở các mô hình là cách đầu tư bằng công nghệ sinh học. Trong bối cảnh chung là dịch bệnh trên tôm diễn biến phức tạp, môi trường bị ô nhiễm, dư lượng kháng sinh trong tôm quá mức cho phép làm hạn chế xâm nhập thị trường xuất khẩu thì nuôi tôm bằng công nghệ sinh học được xem là bước đi đúng đắn hiện nay. Áp dụng việc này không quá khó. Đơn thuần chỉ là ứng dụng các vi sinh vật, bao gồm vi khuẩn, vi rút, tảo, nấm... trong xử lý môi trường nước nhằm tăng sức đề kháng, nâng cao khả năng phòng và trị bệnh trên tôm nuôi. Cái lợi lớn hơn là khắc phục ô nhiễm môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng tôm nuôi để xuất khẩu. Để ứng dụng công nghệ này, đòi hỏi phải nuôi tôm trên diện tích lớn, tập trung, phải có ao chứa lắng để xử lý mầm bệnh trước khi nuôi. Quảng Nam đang triển khai cơ chế khuyến khích sản xuất, giúp các nông hộ đầu tư nuôi thủy sản tập trung để ứng dụng cách nuôi nhiều tiện lợi này.
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh giao Sở NN&PTNT phối hợp với Sở KH&ĐT, Sở TN-MT và các địa phương ven biển hoàn thiện quy hoạch nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh, áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, nuôi tập trung, áp dụng công nghệ nuôi “sạch” để khống chế ô nhiễm môi trường là ưu tiên hàng đầu. Để thực hiện, nhiệm vụ quan trọng là phải thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp nhằm sản xuất theo quy mô công nghiệp. Nghị định số 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (Nghị định 210) được xem là “cẩm nang” để thực hiện việc này. Bởi doanh nghiệp được ưu đãi về miễn, giảm tiền sử dụng đất; miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước; hỗ trợ doanh nghiệp thuê đất, thuê mặt nước của hộ, cá nhân và miễn, giảm tiền sử dụng đất khi chuyển đổi mục đích sử dụng. Theo UBND tỉnh, các sở, ban ngành cần quyết liệt triển khai Nghị định 210, giúp doanh nghiệp dễ dàng đầu tư, bởi có tác động sâu rộng đến hàng thủy sản trong bối cảnh Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương đã được ký kết.
Sông Trường Giang ô nhiễm nặng
Theo Sở NN&PTNT, môi trường sông nước lợ Quảng Nam ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng hơn, nhất là ở các vùng nuôi thủy sản bị chi phối bởi thủy triều từ cửa An Hòa (Núi Thành). Do không tiếp nhận được nước từ đầu nguồn nên dòng chảy ở các lưu vực sông Trường Giang có biên độ rất thấp. Vùng nuôi thủy sản ở đây không được tiếp nước sạch từ biển ngược vào nên ô nhiễm nặng. Vì thế nạo vét luồng lạch, khai thông sông Trường Giang là điều cần kíp khi diện tích nuôi thủy sản ở khu vực này chiếm đến 2/3 tổng diện tích chung toàn tỉnh. Thực tế cho thấy tôm nuôi bị chết hàng loạt trong thời gian qua khi những hộ lấy nước trực tiếp từ sông Trường Giang đổ vào ao nuôi tôm.