Khắc phục tôm chết ở ĐBSCL: Vẫn là giải pháp tình thế
Không dừng lại ở còn số vài trăm héc ta, diện tích tôm nuôi bị thiệt hại ở khu vực ĐBSCL đến thời điểm này đã lên đến hàng chục ngàn héc ta và khả năng tôm chết sẽ còn tiếp tục lan nhanh. Làm thế nào để cứu ngành tôm thoát khỏi hoàn cảnh bi đát mà cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa thể giải quyết triệt để.
Trong khi các nhà chuyên môn vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân tôm chết thì một giải pháp tình thế được đề xuất đưa ra để đối phó với vấn nạn tôm chết. Trong ảnh là nông dân huyện Tân Phú Đông, Tiền Giang đang kiểm tra “sức khỏe” tôm nuôi của mình - Ảnh: Trung Chánh
Chuyên gia cũng… bó tay
Khác hoàn toàn với cái không khí vui mừng, hớn hở của vụ tôm năm ngoái, năm nay bà con ai cũng buồn bởi tôm chết, vốn liếng tiêu tan, nợ nần chồng chất. Dẫn chúng tôi đi thăm ao tôm rộng 4.000 m2 của mình, ông Nguyễn Văn Phước, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, Trà Vinh nói: “Mất hết rồi chú ơi, bao nhiều tiền vốn đổ vào ao tôm coi như mất trắng hết rồi”.
Theo ước tính sơ bộ của ông Phước, để đầu tư ao tôm này gia đình ông đã bỏ ra khoảng 20 - 25 triệu đồng gồm tiền cải tạo ao, giống, điện nước, nhân công các thứ… nhưng chẳng may tôm nuôi chết sạch. “Bây giờ tôi cũng không biết lấy đâu ra tiền để bù vào số đã mất nữa vì đây là tiền tôi vay mới có được” - ông Phước cho biết.
Ông Nguyễn Văn Phong, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết: “Tính đến nay, Trà Vinh đã có gần 9.000 héc ta tôm nuôi bị chết với tổng mức thiệt hại ước khoảng 800-900 tỉ đồng. Riệng thiệt hại về sản lượng ước khoảng 15.000 tấn, tương đương 2.300 tỉ đồng”.
Cho đến nay, sau gần 4 năm xảy ra tình trạng tôm chết ở các tỉnh ĐBSCL (vào năm 2009) nhưng các nhà khoa học lẫn các nhà chuyên môn của các viện, trường vẫn chưa thể xác định được chính xác nguyên nhân tôm chết và hướng khắc phục hiệu quả nhất.
Ông Nguyễn Văn Hảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II cho biết, tôm nuôi bị thiệt hại thời gian qua có liên quan mật thiết đến việc nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để diệt giáp xác, mà cụ thể là chất Cybermethrin bởi vì đa số khu vực được lấy mẫu tôm để xét nghiệm nông dân đều sử dụng chất này.
Ông Hảo nói: “Nguyên nhân cơ bản nhất là việc người nông dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật mà có thể gọi nôm na là thuốc diệt giáp xác trong quá trình xử lý nước. Có thể đây là một nguyên nhân trong các nguyên nhân nhưng đây là nguyên nhân cơ bản nhất”.
Tuy nhiên, Phó giáo sư- tiến sĩ Đặng Thị Hoàng Oanh, Bộ môn Sinh học và Bệnh thủy sản- Khoa thủy sản Trường Đại học Cần Thơ thì cho biết: “Qua kết quả phân tích nhanh (phân tích bằng kính phết nhanh) cho thấy, đa số các mẫu tôm khi dùng kính phết nhanh đều phát hiện mang tôm bị nhiễm bẩn và tôm bị nhiễm khuẩn”.
Tiến sĩ Võ Văn Nha, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III thì cho biết: “Viện cũng đã thu một số mẫu tôm ở Kiên Giang, Trà Vinh. Kết quả ban đầu cho thấy, kết quả có sự trùng khớp với Viện II và Trường Đại học Cần Thơ, tức là có sự hiện diện của sự nhiễm khuẩn trên những mẫu phân tích. Tôi cho rằng ngoài nguyên nhân mà Viện II đã xác định là do độc chất thì cần quan tâm đến vấn đề nhiễm khuẩn”.
Dù có rất nhiều kết quả phân tích được đưa ra nhưng cho đến nay các viện, trường vẫn chưa dám khẳng định chính xác nguyên nhân tôm chết là do đâu và có hướng khắc phục triệt để ngoại trừ những giải pháp tình thế.
Chữa cháy
Ông Nguyễn Văn Phong, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, con tôm là một trong những loại thủy sản nuôi chủ lực của Trà Vinh, có đóng góp quan trọng cho GDP của tỉnh. Tôm chết như thời gian qua nhất định sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng, vì vậy bằng mọi giá phải kéo giảm mức độ ảnh hưởng xuống thấp nhất.
Ông Phạm Minh Truyền, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh đề ra hướng khắc phục bằng cách thả nuôi lấp vụ. Lấy tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh và cua biển để thả nuôi thay thế cho con tôm sú nhằm giúp bù đắp lại những thiệt hại đã xảy ra.
Theo ông Truyền, tôm thẻ chân trắng có thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ 2-3 tháng là thu hoạch nên rất thuận lợi để thả nuôi lấp vụ. Tôm càng xanh và cua biển thì chưa có ghi nhận bị thiệt hại nặng trong thời gian qua nên cũng có thể tính đến phương án dùng hai loại này để thay thế.
Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn đây cũng chỉ là những giải pháp tình thế, mang tính chất “chữa cháy”, đối phó tạm thời chứ không mang tính bền vững lâu dài được. Ông Nguyễn Văn Hảo lưu ý: “Có thể sử dụng tôm thẻ chân trắng để nuôi lấp vụ trong lúc kho khăn này nhưng nguồn con giống phải rõ ràng, tuyệt đối không được sử dụng nguồn con giống không rõ nguồn gốc và chất lượng kém”.
Riêng tại Tiền Giang, UBND tỉnh cũng vừa có quyết định hỗ trợ nông dân nuôi tôm có tôm nuôi bị thiệt hại từ 2 – 5 triệu đồng/héc ta nhằm giúp người dân khôi phục sản xuất. Tổng cục Thủy sản thì yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh cần tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc thú y thủy sản để ngăn chặn việc sử dụng chất cấm trông nuôi tôm.