Khấm khá nhờ nuôi rắn ri voi
Nhiều hộ dân ở xã Nguyễn Văn Thảnh (H.Bình Tân, Vĩnh Long) đã trở nên khấm khá nhờ nuôi rắn ri voi.
Dễ nuôi
Người khởi đầu nghề nuôi rắn ri voi tại xã Nguyễn Văn Thảnh là anh Trương Văn Khởi (ở ấp Hòa Bình). Cách đây hơn 20 năm, trong những lần đi ruộng, anh bắt được vài con rắn về nuôi chơi trong khạp. Thấy rắn lớn nhanh và sinh sản, anh nảy ra ý định nuôi rắn thịt và bán con giống. Lúc đầu, tất cả rắn con đều được anh để lại nuôi, nhờ đó đàn rắn tăng nhanh về số lượng, quy mô nuôi cũng lớn dần. Từ chỗ nuôi bằng khạp quy mô nhỏ, dần dà, anh học hỏi thêm kinh nghiệm, đầu tư nuôi trong hồ xi măng, trong vèo để tạo môi trường tốt hơn cho rắn phát triển.
Làm ăn có hiệu quả, anh Khởi hướng dẫn bà con xung quanh làm theo. Chỉ sau vài năm, số hộ nuôi rắn ri voi tại địa phương đã tăng lên 130 hộ. “Cách đây 5 năm, thương lái Trung Quốc đến đặt mua rắn với giá cao nên tôi đứng ra làm đầu mối thu gom của bà con để giao lại. Lúc đầu, họ trực tiếp đến cơ sở lấy hàng nhưng 2 năm nay, tôi chuyển thẳng ra biên giới theo địa chỉ và khi nào nhận đủ tiền mới giao hàng”, anh Khởi nói.
Mô hình xóa nghèo
Theo anh Khởi, thức ăn cho rắn chủ yếu là ếch, nhái, cá da trơn. Mỗi năm rắn đẻ 1 lần. Rắn bố mẹ bắt cặp vào tháng 8 - 9 và đẻ vào tháng 4 - 5 năm sau. Rắn mẹ đẻ lần đầu khoảng 10 - 15 con. Rắn càng lớn đẻ càng sai. Hao hụt trong quá trình nuôi từ 10 - 20%. Sau 1 năm nuôi, rắn đạt trọng lượng từ 0,8 - 1,2 kg, tùy thuộc vào mức độ cho ăn. Chi phí thức ăn bình quân khoảng 150.000 đồng/con/kg; trong khi giá bán rắn luôn ổn định từ 750.000 - 900.000 đồng/kg nên mỗi con rắn nuôi đạt trọng lượng 1 kg người nuôi thu lời trên 500.000 đồng.
Hiện ở ấp Hòa Bình có trên 100 hộ nuôi rắn ri voi, trong đó nhiều hộ nuôi với quy mô trang trại. Anh Khởi cho biết năm 2013, trại rắn của anh đã xuất bán được gần 1 tấn rắn thịt và khoảng 5.000 rắn con (giá mỗi con từ 80.000 - 90.000 đồng), thu lời trên 1,2 tỉ đồng. Gia đình anh hiện có trên 700 con rắn nái và 2.000 con rắn thịt. “Nhiều lần, thương lái Trung Quốc đến gạ bán thức ăn tăng trọng giúp rút ngắn thời gian nuôi rắn đạt đến trọng lượng 1 kg/con xuống còn 6 - 7 tháng, nhưng tôi không đồng ý”, anh Khởi cảnh giác.
Nhiều người ở ấp Hòa Bình thấy anh Khởi nuôi rắn trở nên khấm khá nên học theo và đầu tư xây dựng mô hình tương tự. Số lượng nuôi từ vài chục đến vài trăm con. Như hộ anh Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Minh Châu (ấp Mỹ Hòa) mỗi người nuôi trên 30 con rắn nái và hàng trăm con rắn thịt. Mỗi năm gia đình các anh cũng xuất bán trị giá hàng trăm triệu đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Tuân, Phó bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Thảnh, cho biết: “Nuôi rắn ri voi tốn ít chi phí vì không nhất thiết phải đầu tư xây dựng chuồng trại, tùy theo điều kiện của từng hộ gia đình mà tổ chức nuôi lớn hay nhỏ. Người nuôi có thể thả rắn trong thau, chậu hoặc thùng. Thức ăn cho rắn cũng dễ tìm và nhẹ công chăm sóc. Vì vậy, nghề nuôi rắn ri voi thích hợp với các hộ gia đình ở nông thôn vì có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi nuôi thêm rắn để cải thiện cuộc sống. Hiện địa phương đã có hàng chục hộ thoát nghèo nhờ mô hình này”.
Nhiều lần, thương lái Trung Quốc đến gạ bán thức ăn tăng trọng giúp rút ngắn thời gian nuôi rắn đạt đến trọng lượng 1 kg/con xuống còn 6 - 7 tháng, nhưng tôi không đồng ý Anh Trương Văn Khởi