Khẩn trương giao, cho thuê bãi triều, mặt nước biển nuôi trồng thủy sản
Ngày 17/1/2017, UBND tỉnh đã có Quyết định số 209/2017/UBND về việc quản lý nuôi trồng thủy sản (NTTS) bãi triều, mặt nước biển. Đến thời điểm này, hầu hết các địa phương trong tỉnh đều chưa chuẩn bị đủ các điều kiện cần thiết để đẩy mạnh lộ trình thực hiện Quyết định trên.
Theo rà soát của tỉnh, hiện có 9 địa phương có bãi triều và mặt nước biển với tổng diện tích 9.890ha. Đến thời điểm này đã giao, cho thuê 1.798ha tới 726 hộ cá nhân, tổ chức, tuy nhiên quy trình, thủ tục quản lý các đơn vị được giao, thuê nói trên chưa thực sự chặt chẽ.
Xác định diện tích bãi triều và mặt nước biển là tư liệu quý để NTTS, thúc đẩy kinh tế của các địa phương, đồng thời chấn chỉnh việc giao, cho thuê bãi triều, mặt nước biển thiếu sự quản lý, đưa hoạt động này theo đúng quy hoạch, quy củ, ngày 17/1/2017, UBND tỉnh đã có Quyết định số 209/2017/UBND về việc quản lý NTTS bãi triều, mặt nước biển. Mục tiêu đẩy mạnh việc giao, cho thuê bãi triều, mặt nước cho các tổ chức, cá nhân sản xuất từ cuối năm 2017. Quyết định 209 cũng được kỳ vọng sẽ là cú hích để phát triển NTTS, tuy nhiên trong hơn 1 năm qua, hầu hết các địa phương trong tỉnh đều chưa chuẩn bị đủ các điều kiện cần thiết để tiến hành giao, cho thuê bãi triều, mặt nước biển.
Lực lượng chức năng TP Cẩm Phả rà soát hiện trạng nuôi biển trên địa bàn.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, tính đến thời điểm này các địa phương có diện tích bãi triều, mặt nước biển đều đang triển khai xây dựng quy hoạch chi tiết NTTS tập trung (ngoại trừ Quảng Yên, Hoành Bồ do trùng với các quy hoạch khác). Trong đó các địa phương Cẩm Phả, Tiên Yên, Móng Cái đã lập xong quy hoạch, đang chờ UBND tỉnh phê duyệt; Vân Đồn, Đầm Hà, Hải Hà, Hạ Long đang lập quy hoạch.
Tuy nhiên hiện mới chỉ có TP Cẩm Phả là đơn vị đạt tiến độ quy hoạch NTTS. Thời điểm này mặc dù chưa được tỉnh phê duyệt song bản quy hoạch của Cẩm Phả đã vượt qua các vòng thẩm định cần thiết. Trên cơ sở này, tỉnh cũng đã cho phép Cẩm Phả tiến hành di dời, sắp xếp hợp lý các hộ nuôi lồng bè trên biển, kết quả tính đến hết tháng 3 vừa qua đã có 141 hộ dân được bốc thăm ô lốt, trong đó 109 hộ đã được di chuyển về vùng quy hoạch để sản xuất.
Kết quả trên cho thấy tiến độ lập quy hoạch chi tiết vùng NTTS của các địa phương nói chung đang khá chậm, ảnh hưởng tới mục tiêu của Quyết định 209 là tiến hành giao, cho thuê bãi triều, mặt nước biển cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu để phát triển NTTS từ cuối năm 2017. Theo các địa phương, nguyên nhân của sự chậm trễ này xuất phát từ việc các quy trình, phần việc cần thực hiện để lập quy hoạch nhiều và kinh phí thuê đơn vị tư vấn làm quy hoạch khá cao, dẫn đến nhiều địa phương vướng mắc.
Có thể nói, Quyết định 209/2017/UBND về việc quản lý NTTS bãi triều, mặt nước biển là chế tài quan trọng để các địa phương nâng cao hiệu quả kinh tế và quản lý NTTS, từ đó thúc đẩy giá trị kinh tế toàn diện của địa phương và giá trị toàn ngành thủy sản. Khi triển khai theo đúng Quyết định 209, các địa phương nắm chắc diễn biến và dễ dàng định hướng phát triển thủy sản theo quy hoạch, tránh tình trạng phát triển tự phát, thiếu quản lý như đã từng xảy ra. Vì vậy thiết nghĩ các địa phương cần tích cực hơn nữa trong việc chuẩn bị các điều kiện để triển khai Quyết định 209/2017/UBND về việc quản lý NTTS bãi triều, mặt nước biển.