TIN THỦY SẢN

Khánh Hòa: Chuyển mình từ mô hình tôm - lúa

Ông Nguyễn Văn Đém thu hoạch tôm mỗi năm trên 100 triệu đồng từ mô hình tôm - lúa. Bài và ảnh: Lữ Hoàng Diệu

Qua nhiều năm sản xuất, nông dân xã Khánh Hoà, huyện U Minh bỏ dần thế độc canh cây lúa trên vùng đất nhiễm phèn, kém hiệu quả. Hiện nay, cuộc sống người dân nơi đây đang chuyển mình từ mô hình tôm - lúa.

Từ việc cải tạo 1 tấn vôi cho 1 công đất để trồng lúa mỗi năm chỉ thu được 5-6 giạ, không đủ ăn, người dân phải thu gom gốc cây rừng còn lại để đổi lấy gạo ăn hằng ngày, con cái học hành vô cùng khó khăn; qua thời gian bám trụ, giờ đây đất đai đã màu mỡ, cuộc sống của người dân từng bước ổn định, phát triển.

Chinh phục vùng đất khó

Với vùng đất nhiễm phèn, cá không thể lớn, lúa cho năng suất thấp, nhiều hộ nông dân đến sinh sống bám trụ lâu lắm được 2 năm thì bán đất “bỏ chạy”, không có mấy người bám đất trụ lại cho đến bây giờ.

Là nông dân nòi, ông Nguyễn Văn Đém, ấp 8, vẫn không quên năm tháng còng lưng chinh phục đất phèn để mang lại sự màu mỡ cho cây lúa phát triển. Ông nhớ lại: “Ban đầu về đây hy vọng trồng được cây lúa có cái ăn qua ngày, nhưng không thực hiện được do đất phèn quá. Năm nào chăm sóc kỹ thì được 5-6 giạ lúa, năm khó khăn thì trắng tay. Anh em phải moi gốc cây rừng bán đổi gạo sống qua ngày…”.

Với tâm huyết thực hiện mô hình tôm - lúa, anh Phạm Văn Châu, ấp 8, không ngần ngại bán đất lúa 2 vụ tại xã Khánh Lâm để đầu tư cải tạo đất trồng lúa và nuôi tôm. Với 6 tấn vôi trong 1 năm để cải tạo đất là con số khó tin. 

Anh nhớ lại: “Đất nhiễm phèn nặng, rất khó thả tôm nuôi, trong khi cây lúa không thể đổi đời cho người dân. Khi đó thả 100.000 con sú giống mất 1 cây vàng, nhưng cũng chỉ thu lợi 1-2 vụ đầu, các năm sau đó chỉ đủ ăn, rất khó làm giàu trên vùng đất này”.

Theo thời gian, năm 2012-2013, anh Châu thu hoạch vụ lúa 20 giạ/công, 1 vụ tôm quảng canh cải tiến trên 80 triệu đồng và 1 vụ tôm xen canh cây lúa trên 20 triệu đồng. Tổng thu trên 100 triệu đồng/năm như anh trên địa bàn xã hiện nay là không hiếm. Sự quyết tâm cấy lại vụ lúa trên đất nuôi tôm của nhân dân trong xã đến thời điểm này cho tín hiệu khả quan, lúa hiện đang phát triển tốt và tất cả đều tin tưởng vào thắng vụ của vụ lúa - tôm.

Hứa hẹn tương lai

Trong 6 ấp của xã có 4 ấp chuyển dịch lúa - tôm, 2 ấp còn lại một phần người dân tự phát thực hiện mô hình do hiệu quả của con tôm và cây lúa hiện nay. Năm 2013, thời tiết không thuận lợi cho vụ lúa trên đất nuôi tôm, nhưng ông Đém cũng như mọi người dân trong ấp không từ bỏ vụ lúa, ông cho biết: “Do nhận thức của người dân được nâng lên nên vụ cấy lúa đầu bị thiệt hại hoàn toàn, nhưng anh em cấy tiếp lần 2, hiện lúa vẫn tốt và sẽ cho thu hoạch. 

Cùng với kinh nghiệm kỹ thuật từ cán bộ khuyến nông - khuyến ngư truyền đạt, anh em sẽ thực hiện mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến sau vụ lúa này”.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Bí thư Chi bộ ấp 8, cho biết: “Nếu không nhờ con tôm thì đời sống của người dân vùng đất này rất khó khăn. Và nếu người dân không quyết tâm cải tạo vùng đất phèn mặn này để duy trì cây lúa, cải tạo môi trường, tạo điều kiện cho con tôm thì cuộc sống càng khó khăn hơn”.

Được biết, cuộc sống của người dân Khánh Hoà dần vươn lên, năm nay lúa có giảm năng suất so với mọi năm nhưng bù lại tôm được giá. Từ đó, cuộc sống người dân ngày càng khởi sắc. Bây giờ, nhiều hộ “lấy lại sổ đỏ” từ ngân hàng, cuộc sống ổn định. 

Nhằm nâng cao thu nhập cũng như tận dụng tối đa lợi thế từ mô hình hiệu quả tôm - lúa, nhiều hộ dân trong xã được cán bộ Phòng NN&PTNT huyện, xã tập huấn về mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến lên mật độ cao hơn, có cho ăn, kiểm soát môi trường, hứa hẹn thu nhập cao.

Ông Lâm Vũ An, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hoà, nhận định: “Mô hình tôm - lúa trên địa bàn xã trong thời gian qua đã mang lại thu nhập khá cao cho người dân. UBND xã sẽ chỉ đạo các ngành, tổ chức đoàn thể tuyên truyền, hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến sau vụ lúa. Từ đó, thu nhập của bà con sẽ ổn định hơn”.

Đến nay, bà con vùng chuyển dịch nuôi tôm đã thu hoạch tôm nuôi quảng canh cải tiến 90/90 ha, năng suất 400 kg/ha. Năng suất này được xem là khá cao và góp phần rất lớn cho công tác xoá đói giảm nghèo nơi đây./.

Bài và ảnh: Lữ Hoàng Diệu Cà Mau Online, 01/11/2013