TIN THỦY SẢN

Khánh Hòa: Người nuôi thủy sản đồng loạt "treo ao"

Nuôi trồng thủy sản gặp khó, người dân chỉ thả giống cầm chừng, thậm chí treo ao. Hải Lăng

Từ đầu năm đến nay, người nuôi thủy sản gặp nhiều khó khăn. Không chỉ thời tiết bất lợi, mà sự biến động của thị trường cũng khiến người nuôi lao đao.

“Treo ao” để tránh thua lỗ

Ông Trương Viết Tân (phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) cho biết: “Từ đầu vụ nuôi đến nay, gia đình tôi đã thả nuôi tôm thẻ chân trắng 2 đợt nhưng không thu hoạch được con nào, bởi cứ thả giống xuống được 15 đến 20 ngày thì tôm chết yểu. Mấy chục triệu đồng mua giống cũng mất theo tôm. Không riêng gì gia đình tôi, hàng chục héc-ta ao đìa của các hộ nuôi ốc hương, tôm trong vùng cũng đang phải “treo ao” để tránh thua lỗ. Một số hộ nuôi khác thả nuôi theo hướng quảng canh, kết hợp nhiều loại thủy sản trong cùng ao nuôi, việc kết hợp này đầu tư thấp, ít thiệt hại nhưng thu không được bao nhiêu”.

Ông Đặng Cửu - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa cho biết, diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thị xã lên đến 1.950ha mỗi vụ nhưng từ đầu năm đến nay, người dân chỉ thả nuôi được 1.512ha, trong đó diện tích nuôi tôm sú 207ha, tôm thẻ chân trắng 703ha, các loại thủy sản khác 400ha. Hiện nay, do thời tiết bất lợi, cùng với dịch bệnh xuất hiện trên một số diện tích ao nuôi khiến người nuôi thua lỗ; đầu ra bấp bênh bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều hộ chỉ nuôi cầm chừng theo hướng quảng canh, xen ghép với các đối tượng nuôi khác; thậm chí nhiều hộ “treo ao” chờ thời tiết thuận lợi, thị trường hồi phục mới tiếp tục nuôi.

Các vùng đìa ở Cam Lâm, Cam Ranh, Vạn Ninh… tình hình nuôi trồng thủy sản cũng gặp khó khăn, hình ảnh dễ bắt gặp là các ao nuôi khô rang, quạt nước nằm chỏng chơ... Lãnh đạo Chi cục Thủy sản cho biết, 5 tháng đầu năm, nông dân trong tỉnh đã thả nuôi nhiều đợt, với tổng diện tích 2.043ha ao đìa nước mặn, lợ nhưng sản lượng thu hoạch chỉ đạt 5.502 tấn, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Không chỉ vậy, toàn tỉnh ghi nhận 55ha nuôi trồng thủy sản của người dân bị mất trắng.

Những khuyến cáo

Theo nhiều người nuôi thủy sản, nguyên nhân chính khiến hoạt động nuôi trồng thủy sản gặp khó khăn là do thời tiết diễn biến thất thường, đầu vụ lạnh kéo dài; giữa vụ nhiệt độ tăng cao; đặc biệt thủy sản nuôi dễ bị sốc nhiệt. Ngoài ra, các loại dịch bệnh cũng xuất hiện nhiều hơn. Một vấn đề khác tác động lớn đến hoạt động nuôi trồng thủy sản thời gian qua là thị trường đang bị ảnh hưởng lớn do tác động của dịch Covid-19, xuất khẩu gặp khó khăn, giá bán thủy sản xuống rất thấp. Tuy thả nuôi cầm chừng nhưng hiện nay, các loại thủy sản chủ lực như: Tôm thẻ chân trắng, tôm hùm, ốc hương, cá... đều bị ứ đọng nên người nuôi không mặn mà thả giống tiếp.

Theo bà Nguyễn Thị Toàn Thư - Phó Trưởng phòng nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản Khánh Hòa), trước những bất lợi đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản hiện nay, chi cục khuyến cáo người nuôi trong tỉnh cần điều chỉnh hoạt động nuôi vừa đảm bảo hiệu quả, vừa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Theo đó, người nuôi cần theo dõi sát diễn biến thời tiết; thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường ao nuôi, độ pH, DO, độ mặn, kiềm...; nguồn nước đưa vào ao nuôi cần được xử lý kỹ. Trong quá trình nuôi, cần quản lý tốt chất thải, tránh để dịch bệnh lây lan ra môi trường... Để thích ứng với thị trường, người nuôi cần xem xét, tính toán kỹ đối tượng, số lượng nuôi trước khi thả giống.

Bên cạnh phục hồi các vùng nuôi, cần chú trọng nhân rộng các mô hình, công nghệ nuôi, quy trình nuôi hiện đại, hiệu quả để hạn chế thiệt hại. Việc tổ chức các mô hình liên kết trong nuôi trồng thủy sản cũng được chú trọng nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường về chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và ổn định đầu ra cho người nuôi.

Hải Lăng Báo Khánh Hòa