Khánh Hòa: Tôm chết, nông dân bán tháo
Do diễn biến phức tạp của thời tiết và dịch bệnh, vừa qua, tôm thẻ chân trắng của các hộ nông dân nhiều nơi trên địa bàn tỉnh chết liên tục. Lo ngại tôm chết, giá tôm lại rớt nên nhiều nông dân đã bán tháo dù tôm còn rất nhỏ.
Nhiều nơi có tôm chết
Vừa qua, người nuôi tôm ở các vùng đìa Hà Liên (phường Ninh Hà, thị xã Ninh Hòa) đứng ngồi không yên khi tôm chết liên tục. Ông Trần Đình Hòe - người nuôi tôm tại đây cho biết: “Từ đầu năm đến nay, gia đình tôi đã thả nuôi 3 đợt, với 150 vạn con giống, tôm cứ thả được 25 - 35 ngày là bắt đầu bỏ ăn, dạt vào quanh đìa, kiểm tra thì thấy tôm chết có dấu hiệu hoại tử gan tụy; tỷ lệ hao hụt lên đến 70%. Tính cả 3 đợt thả, tôi thua lỗ hơn 120 triệu đồng, chủ yếu là tiền giống, thức ăn và nhân công. Ở vùng nuôi này, nhiều hộ cũng lâm vào cảnh tương tự”.
Phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa xác nhận trên địa bàn đang có hiện tượng tôm chết. Nguyên nhân chủ yếu là do thời tiết nắng nóng liên tục, mưa đột ngột, môi trường nước bị ô nhiễm… đã làm phát sinh một số bệnh thường gặp trên tôm nuôi như: hoại tử gan tụy, đường ruột… Địa phương đang tích cực khuyến cáo người nuôi áp dụng các biện pháp kỹ thuật khi nuôi tôm thẻ chân trắng trong điều kiện thời tiết nắng nóng hiện nay.
Ông Đặng Tri Thông - chuyên viên Phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh cho biết, trên địa bàn huyện có 150ha ao đìa người dân thả nuôi tôm thẻ chân trắng. Thời gian gần đây xuất hiện tình trạng tôm chết ở nhiều đìa nuôi; trong đó nặng nhất là xã Vạn Thọ, tỷ lệ tôm chết lên đến 40 - 60%. Tại các xã khác như: Vạn Long, Vạn Hưng… cũng có tình trạng này nhưng mức độ ít hơn.
Kết quả quan trắc môi trường và giám sát vùng nuôi tháng 5 của Trung tâm Quan trắc môi trường và Bệnh thủy sản miền Trung cho thấy, vùng nuôi tôm thẻ chân trắng tại xã Cam Thịnh Đông (TP. Cam Ranh) cũng xuất hiện bệnh hoại tử gan tụy gây thiệt hại hơn 50%. Các mẫu nước ao nuôi xét nghiệm cho kết quả mật độ vi khuẩn Vibrio sp. (gây bệnh hoại tử gan tụy trên tôm nuôi) cao vượt ngưỡng.
Lo lắng về dịch bệnh và để tránh bị mất trắng, nhiều nông dân đã bán sớm tôm nuôi, thậm chí tôm chưa đạt kích cỡ cũng được xuất bán với giá rất thấp. Bà Nguyễn Thị Lệ - nuôi tôm ở vùng đìa Hà Liên cho biết: “Tôm chỉ mới đạt 220 - 230 con/kg gia đình tôi cũng phải xuất bán với giá chỉ 40.000 - 50.000 đồng/kg, tôm kích cỡ nhỏ hơn giá chỉ 35.000 đồng/kg và bán chợ chứ nhà máy chế biến không nhập loại tôm nhỏ này”.
Những khuyến cáo
Với tình hình tôm nuôi bị chết ở nhiều nơi, ngành Thủy sản khuyến cáo, đối với các vùng nuôi tôm nước lợ, người nuôi khi lấy nước đưa vào ao lắng cần xử lý diệt khuẩn kỹ trước khi bơm vào ao nuôi. Thời tiết nắng nóng có thể xảy ra trong thời gian tới và kéo dài, người dân cần chú ý mực nước ao nuôi luôn đảm bảo (tốt nhất là 1,2m), thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường ao nuôi để xử lý kịp thời khi xảy ra sự cố. Đặc biệt, trong mùa nắng nóng hay xảy ra dịch bệnh hoại tử gan tụy, mật độ vi khuẩn (đặc biệt là Vibrio sp.) tăng cao trong nước, người dân cần định kỳ diệt khuẩn ao nuôi bằng Iodine theo liều lượng khuyến cáo của nhà sản xuất và sử dụng men vi sinh sau 5 ngày diệt khuẩn. Bên cạnh đó, nông dân cần theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe tôm và báo ngay với cơ quan chuyên môn khi tôm có dấu hiệu bất thường…
Theo lãnh đạo Chi cục Thủy sản, ngoài các nguyên nhân về dịch bệnh, hiện nay, giá tôm nguyên liệu giảm mạnh cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nông dân bán tháo tôm nuôi chưa đạt kích cỡ. Để tránh tình trạng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo, bên cạnh giám sát môi trường, dịch bệnh 2 đợt/tháng để có những định hướng về kỹ thuật đối với người nuôi tôm, ngành Thủy sản tỉnh cần tập trung nhân rộng những mô hình nuôi tôm hiệu quả để nông dân áp dụng. Người nuôi tôm không nên nôn nóng bán tháo tôm khi còn nhỏ. Nông dân nuôi tôm trên ao đất cần điều chỉnh quy trình nuôi, cho tôm ăn hợp lý…