TIN THỦY SẢN

Khánh thành nhà máy thức ăn cá tra 240.000 tấn ở Cần Thơ

De Heus Việt Nam khánh thành nhà máy De Heus Cần Thơ sản xuất thức ăn cá tra Sáu Nghệ

Ngày 26/9, De Heus Việt Nam khánh thành nhà máy De Heus Cần Thơ sản xuất thức ăn cá tra tại Khu công nghiệp Trà Nóc, thành phố Cần Thơ có công suất 240.000 tấn/năm với vốn đầu tư 18,6 triệu USD.

Tham dự có Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến và nhiều quan chức cấp cao của Hà Lan, địa phương ĐBSCL cùng đông đảo khách hàng. Đây cũng là công trình kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hà Lan, của Tập đoàn De Heus, doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất Việt Nam. 

Tổng Lãnh sự Vương quốc Hà Lan tại TPHCM Daniel Stork đánh giá, nhà máy De Heus Cần Thơ góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc liên quan đến an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy nông nghiệp bền vững. Những mục tiêu đang thắt chặt thêm mối quan hệ giữa hai quốc gia hướng tới tương lai. 

Tổng giám đốc De Heus Việt Nam Johan van den Ban giới thiệu, đây là nhà máy thứ 10 của De Heus tại Việt Nam và là nhà máy đầu tiên chuyên sản xuất thức ăn cho cá tra. Nhà máy trang bị dây chuyền công nghệ hiện đại từ châu Âu và Mỹ, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cao nhất theo các chứng nhận ISO 22000, BAP, GlobalGAP. Sản phẩm của nhà máy là kết quả các giải pháp dinh dưỡng đột phá và sự am hiểu thị trường. Vừa cung cấp sản phẩm, De Heus cố gắng góp phần điều phối chuỗi giá trị cá tra bằng cách hỗ trợ người nuôi tiếp cận giải pháp di truyền chất lượng hàng đầu, giải pháp quản lý kỹ thuật và nguồn tài chính, kết nối người nuôi với thị trường tiêu thụ. 

Tại buổi lễ, ông Koen De Heus, Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus cho biết, De Heus tin tưởng vào tiềm năng của cá thịt trắng là một nguồn đạm dinh dưỡng cao, thơm ngon, bền vững. Tập đoàn De Heus cam kết tiếp tục cùng các đối tác trong và ngoài nước hỗ trợ người nuôi cá tra, ba sa tại ĐBSCL không ngừng phát triển. 

Dây chuyền sản xuất thức ăn tại nhà máy De Heus

Lãnh đạo nhà máy De Heus Cần Thơ giới thiệu, đã cùng các đối tác thống nhất áp dụng việc vận chuyển thức ăn dạng hàng xá theo đường thủy, giúp tiết kiệm chi phí, giảm phát thải khí nhà kính, loại bỏ bao bì nhựa và giảm thất thoát. Đồng thời, De Heus cũng đang triển khai dự án điện mặt trời áp mái với công suất lên đến 20 MWp tại toàn bộ hệ thống nhà máy và trang trại. Đây là dự án điện mặt trời áp mái lớn nhất trong năm 2023 tại Việt Nam, dự kiến hoàn thành vào năm 2024, góp phần giảm lượng điện tiêu thụ từ lưới điện quốc gia, tăng cường năng lượng tái tạo bền vững theo chủ trương của Chính phủ Việt Nam. Các nỗ lực tập trung hướng đến mục tiêu xây dựng một ngành cá tra hiệu quả, bền vững, có khả năng thích nghi với biến đổi khí hậu và đặc biệt là bảo vệ môi trường, không ngừng nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới. 

Phát biểu chào mừng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trong nuôi cá tra thâm canh, chi phí thức ăn chiếm khoảng 64 -67%. Nên việc quản lý chất lượng và giá thành thức ăn luôn được quan tâm trong xây dựng chính sách. Hiện cả nước có 51 cơ sở sản xuất thức ăn cho cá tra (và 34 cơ sở sản xuất thức ăn chung cho cá), hàng năm sản xuất khoảng 2 triệu tấn cho cá tra. 

“Chính sách khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới để tăng giá trị dinh dưỡng, thay thế nguyên liệu đắt tiền trong sản xuất thức ăn thuỷ sản như công nghệ lên men trong lên men bã đậu nành. Thu hồi và sử dụng sinh khối vi sinh vật trong sản xuất thực phẩm (sinh khối vi sinh vật trong sản xuất bột ngọt). Ứng dụng công nghệ số, công nghệ tự động hóa, công nghệ sinh học để tăng năng suất, giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, tối ưu công thức sản xuất, sử dụng nguyên liệu thay thế và áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng để đưa ra các sản phẩm có chất lượng cao, giá thành phù hợp để phát triển bền vững ngành cá tra nói riêng, ngành thủy sản nói chung”, Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh. 

Sáu Nghệ