Khi cá cũng có khả năng "nói chuyện" với nhau
Cá biết nói chuyện từ 155 triệu năm trước, nhưng giờ chúng ta mới thực sự lắng nghe chúng.
Nếu bạn từng tự hỏi cá có nói chuyện được không thì câu trả lời là: Có! Chúng đã nói chuyện với nhau suốt 155 triệu năm. Nhưng phải đến tận gần đây, các nhà khoa học mới bắt đầu hiểu được ngôn ngữ giọng nói của chúng.
Công chúng nói chung thì vẫn thấy lạ lẫm về khái niệm cá có thể nói chuyện – chỉ trừ trên những bộ phim hoạt hình. Aaron Rice, nhà sinh thái học đến từ Đại học Cornell cho biết: "Từ lâu, chúng tôi đã biết một số loài cá phát ra âm thanh. Nhưng âm thanh của cá vẫn luôn được coi là thứ gì đó kỳ lạ và hiếm gặp". Đó là bởi một niềm tin phổ biến cho rằng cá chủ yếu dựa vào các phương tiện giao tiếp khác, từ tín hiệu màu sắc, tín hiệu điện tới ngôn ngữ cơ thể. "Khoa học nghiên cứu cách giao tiếp bằng âm thanh dưới nước từ trước tới nay chủ yếu tập trung vào cá voi và cá heo. Nhưng các loài cá khác cũng có giọng nói riêng của chúng", Rice nói.
Nếu bạn chịu khó lắng nghe một vùng nước lặng, thi thoảng, bạn sẽ thấy những tiếng lục khục, âm ỉ nhưng cũng có lúc trầm lúc bổng. Ví dụ như các rạn san hồ thường là nơi ồn ào nhất trong lòng đại dương, phần lớn các âm thanh ở đó là do cá phát ra. Các nghiên cứu gần đây cho thấy cá cũng giống như chim, chúng cũng phát ra các điệp khúc chào mừng bình minh và tiễn biệt hoàng hôn. Môi trường dưới nước vì vậy cũng tràn ngập các bản nhạc giống như không khí của núi rừng. Âm thanh truyền đi dưới nước thậm chí còn rõ hơn cả âm thanh trong không khí.
Trong nghiên cứu của mình, Rice và các đồng nghiệp đã lập hồ sơ mô tả và giải phẫu rất nhiều bản ghi âm tiếng cá vây tia. Ông cho biết loài cá đặc biệt này có thể nói chuyện mà không cần dây thanh âm. "Chúng có thể nghiến răng hoặc tạo ra tiếng ồn khi chuyển động trong nước", Rice nói. Bằng cách rung động nhiều loại cơ, ví dụ phổ biến nhất là cơ bơi, cá có thể phát ra âm thanh truyền đi được trong môi trường chất lỏng. Ngoài ra, các cơ bàng quang của cá cũng có thể trở thành bộ phận phát ra âm thanh có hiệu suất cao. Đó là bởi cơ bàng quang thường là cơ co bóp nhanh và mạnh nhất của nhiều loài cá, điển hình là cá cóc.
Cá có khả năng "nói chuyện" dù không có dây thanh quản. Ảnh minh họa
Nhìn chung theo thống kê của Rice trong số 175 họ cá, cứ 3 họ thì có 2 họ có khả năng giao tiếp bằng âm thanh. Con số này cho chúng ta thấy một bức tranh tổng thể lớn hơn nhiều so với trước đây, khi các nhà khoa học nghĩ rằng chỉ có 1/5 số loài cá biết nói chuyện. Và cá đã nói chuyện với nhau cách đây khoảng 155 triệu năm. Điều thú vị, đây cũng là khoảng thời gian mà những loài động vật có xương sống trên cạn biết giao tiếp bằng âm thanh ra đời. Kể từ đó tới nay, các phân tích cho thấy tiếng nói của loài cá đã tiến hóa độc lập ít nhất 33 lần. Mỗi lần tiến hóa, chúng lại trở nên phức tạp và đa dạng hơn. Rõ ràng lũ cá có những điều quan trọng cần phải nói ra với nhau.
Như nhóm nghiên cứu của Rice viết trên tạp chí Ichthyology & Herpetology: "Kết quả của chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ giả thuyết về hành vi cổ đại của các loài động vật dưới nước rằng chúng có thể phát ra âm thanh. Cùng với nhau, những phát hiện này làm nổi bật áp lực chọn lọc tự nhiên mạnh mẽ, có lợi cho sự tiến hóa của các cơ chế phát âm xuyên suốt các dòng động vật có xương sống".
Các nhà nghiên cứu cho biết cá có nhiều động lực để nói chuyện. Bằng cách phát và truyền âm thanh dưới nước, chúng có thể gọi nhau đi ăn, cảnh báo nguy hiểm, thậm chí cãi lộn để tranh giành lãnh thổ. Và tất nhiên, cá cũng dùng âm thanh để mời gọi bạn tình, giống như các loài chim trên cạn.
Có một số loài cá sử dụng ngôn ngữ âm thanh nhiều hơn các loài cá khác, chẳng hạn như cá cóc và cá chuột. Tuy nhiên, Rice và nhóm nghiên cứu cho biết phân tích của họ chỉ mới tập trung vào các nhóm cá nói nhiều hơn là cá ít nói. Do đó, có thể chúng ta chưa lắng nghe đủ để xem các nhóm cá khác có nói chuyện hay không và nói chuyện nhiều tới đâu.
"Cá làm mọi thứ trong đời sống của chúng. Chúng hít thở không khí, chúng có thể bay, có thể ăn bất cứ thứ gì và làm nhiều điều tưởng chừng bất khả thi khác. Sẽ chẳng có gì làm tôi ngạc nhiên nếu các loài cá có thể tạo ra âm thanh và sử dụng chúng chúng", Rice nói.
Chúng ta chỉ thấy lạ khi cá nói chuyện vì chúng ta không sống ở dưới nước để lắng nghe các bản hòa tấu của chúng mà thôi.