TIN THỦY SẢN

Khi nông dân chuộng nuôi tôm bền vững

Tôm thẻ chân trắng. Ảnh: Shrimp Culture. Chí Hiểu, Hồng My

Huyện Ngọc Hiển có hàng chục ngàn hộ dân có cách nuôi tôm khá hiệu quả, tôm nuôi không cho ăn, không sử dụng thuốc tăng trưởng, tôm vẫn lớn nhanh, nhiều hộ có thu nhập cao.

Cây rừng điều hoà không khí tạo được môi trường sống lý tưởng cho con tôm phát triển. Thị trường quốc tế lại ưu tiên chọn mua tôm thương phẩm từ các hộ nuôi tôm theo mô hình sinh thái.

Khi môi trường ngày càng thay đổi, nắng nóng, độ mặn tăng cao, tôm nuôi thất vụ xảy ra thường xuyên đối với những hộ dân sinh sống dưới tán rừng đước. Nhưng với mô hình nuôi tôm sinh thái đã mở hướng kinh tế cho nhiều nông dân. Năng suất tôm nuôi ổn định, tình trạng trắng tay của nông dân được giảm đáng kể.

Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển Trần Hoàng Lạc đánh giá, với ưu thế của mô hình tôm sinh thái nên thời gian qua người dân mở rộng diện tích. Cụ thể, năm 2017 diện tích nuôi tôm sinh thái chỉ có 6.678 ha với 1.260 hộ tham gia, nhưng đến nay đã phát triển hơn 19.400 ha với 4.313 hộ, trong đó được chứng nhận 9.980 ha/1.977 hộ. Năng suất tôm sinh thái tăng rõ rệt. Cụ thể năm 2017 bình quân năng suất nuôi tôm sinh thái là 180 kg/ha/năm, năm 2020 năng suất  230 kg/ha/năm, những tháng đầu năm 2021 nhiều diện tích nuôi tôm sinh thái trúng vụ đạt từ 230-250 kg/ha.

Ông Lê Văn Mần, ấp Tam Hiệp, thị trấn Rạch Gốc, cho rằng, nuôi sinh thái hoàn toàn tự nhiên. Nhưng chính chất lượng nguồn nước tốt, con giống khoẻ, sạch bệnh thì nuôi thành công. Ngày trước ông chuộng mua con giống giá rẻ, không tuân thủ lịch thả giống, thích là thả, không xem thời tiết thì thất vụ là chuyện thường. Giờ mình biết theo dõi lịch thời vụ, chọn con giống tốt, tuân thủ khuyến cáo của ngành chuyên môn... thì thu nhập từ con tôm sẽ nâng lên.

Nhằm nâng cao hiệu quả ứng dụng mô hình nuôi tôm sinh thái, huyện Ngọc Hiển phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức tập huấn, hội thảo quy trình nuôi tôm sinh thái cho người dân để đáp ứng quy định, quy trình tôm sinh thái. Ðồng thời ứng dụng quy trình kỹ thuật nuôi để cải thiện năng suất, chất lượng, hiệu quả của mô hình nuôi tôm sinh thái, hướng tới sự phát triển bền vững.

Trong 2 năm trở lại đây, huyện đã tổ chức được 66 lớp tập huấn với 1.950 hộ dân tham dự; tư vấn kỹ thuật cho nông dân 15 cuộc, hơn 750 lượt người tham dự; hội thảo 18 cuộc với hơn 1.500 lượt người tham dự. Mở 3 lớp đào tạo kỹ thuật sản xuất giống tại xã Tân Ân Tây, hơn 60 kỹ thuật viên các cơ sở sản xuất giống tham dự. Ðồng thời, bằng nhiều nguồn vốn đã xây dựng được 38 mô hình nuôi tôm sinh thái để làm cơ sở nhân rộng. Bên cạnh đó, hướng dẫn, khuyến khích người nuôi lựa chọn các loài thuỷ sản khác như cua, cá, vọp, sò huyết… nuôi bổ sung trên cùng diện tích nuôi tôm, góp phần tăng lợi nhuận và tạo được các loại hình nuôi sinh thái.


Năng suất nuôi sinh thái hiện cao hơn nuôi truyền thống 30 kg/ha.

Ông Nguyễn Thành Cao, ấp Tắc Biển, xã Viên An Ðông, chia sẻ: "Những hộ nuôi tôm sinh thái theo tiêu chuẩn tôm sạch đạt chứng nhận quốc tế sẽ được các công ty thu mua với giá cao hơn các mô hình nuôi khác từ 5.000-10.000 đồng/kg, giúp người nuôi ổn định sản xuất, giảm thiểu nguy cơ rủi ro về giá tôm.

Hiện nay huyện Ngọc Hiển xây dựng được 3 xã trọng điểm về nuôi tôm sinh thái, là Viên An Ðông, Viên An và Ðất Mũi. Ðặc biệt, tại xã Viên An Ðông có 500 hộ nuôi tôm sinh thái đầu tiên đạt chuẩn xanh của tổ chức Seafood Wach (Mỹ). Ngoài ra, có 3 doanh nghiệp chế biến thuỷ sản tham gia phát triển nuôi tôm sinh thái gồm Công ty Cổ phần xã hội chuỗi tôm - rừng Minh Phú; Công ty Xuất nhập khẩu thuỷ sản Camimex Cà Mau và Công ty Xuất nhập khẩu thuỷ sản Seanamico Năm Căn. Các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản xây dựng 2 trạm thu mua tôm sinh thái tại xã Viên An Ðông và Tam Giang Tây, tạo điều kiện thuận lợi cho người nuôi tôm sinh thái.

Ông Dương Vũ Phong, điều phối Dự án Ðất Mũi - Kiến Vàng của Công ty Cổ phần xã hội chuỗi tôm - rừng Minh Phú, cho rằng, để được chứng nhận nuôi tôm sinh thái, hộ nuôi phải tuân thủ các nguyên tắc khuyến cáo của ngành chuyên môn về môi trường nước, con giống, cây rừng, bảo vệ động thực vật có trong sách đỏ. Với tôm sinh thái công ty sẽ bao tiêu sản phẩm cho bà con và mua với giá cao hơn thị trường. Với những hộ được chứng nhận sinh thái còn được hỗ trợ con giống chất lượng, được thụ hưởng chính sách bảo vệ rừng hàng năm.

Ðể nâng cao giá trị con tôm sinh thái, hiện nay các hợp tác xã HTX), tổ hợp tác (THT) nuôi tôm sinh thái trên địa bàn huyện đã liên kết với các doanh nghiệp, công ty thu mua tôm nguyên liệu nhằm ổn định đầu ra, đầu vào sản phẩm. Ðồng thời, việc liên kết giữa các hộ nuôi tôm sinh thái sẽ giúp giảm giá thành sản xuất, tăng sức cạnh tranh và tạo thương hiệu cho con tôm sinh thái trên thị trường. Ðến nay, huyện Ngọc Hiển đã thành lập được 6 HTX nuôi tôm sinh thái với 250 xã viên, 133 THT nuôi tôm sinh thái với 1.520 tổ viên và thành lập 1 chi hội nghề nghiệp nuôi tôm sinh thái với 59 hội viên. Nhìn chung, các HTX, THT nuôi tôm sinh thái ngày càng phát huy hiệu quả trong sản xuất, hỗ trợ nhau về kỹ thuật, con giống, cách chăm sóc để hạn chế dịch bệnh, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi.

Ông Phan Minh Ký, Giám đốc HTX nuôi tôm Ðại Ðoàn Kết, xã Viên An Ðông, khẳng định: "Chọn tôm giống tốt và thả nuôi đúng kỹ thuật sẽ quyết định hơn 50% thành công vụ nuôi. Chúng tôi rất ủng hộ việc phát triển mô hình nuôi tôm sinh thái, việc nuôi sinh thái là hướng đi bền vững, ổn định được năng suất, đầu ra sản phẩm, giá cả được bao tiêu, sản phẩm tôm sinh thái được xuất bán sang thị trường nước ngoài sẽ được thu mua giá cao hơn so với tôm nuôi truyền thống".

Ðến nay huyện Ngọc Hiển đã phát triển hơn 19.400 ha nuôi tôm sinh thái với 4.313 hộ nuôi, yêu cầu đặt ra các hộ nuôi phải đảm bảo diện tích trồng rừng từ 40% trở lên, quy định này vừa tăng lợi nhuận cho hộ nuôi tôm sinh thái vừa giúp bảo vệ rừng.

Ông Tạ Minh Mẫn, Phó trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Ðất Mũi, thông tin, hiện đang ra sức tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức trong việc trồng rừng, hiểu rõ được lợi ích của việc trồng rừng gắn với nuôi tôm sinh thái..., từ đó bà con tích cực tham gia thực hiện. Những năm qua, các công ty chế biến thuỷ sản thực hiện tốt việc chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các hộ được cấp chứng nhận nuôi tôm sinh thái, tổng số tiền 6,7 tỷ đồng.

Trước nhu cầu của thị trường thế giới cần những sản phẩm sạch, hữu cơ thì con tôm sinh thái ngày càng khẳng định vị trí, thương hiệu của mình. Ðó cũng là thời cơ để người dân nâng cao thu nhập, tăng kinh tế từ con tôm sinh thái. Do vậy, mô hình nuôi tôm sinh thái được xem là mô hình bền vững, hướng đi tích cực cho tương lai.

Ông Trần Hoàng Lạc tâm đắc: "Mô hình nuôi tôm sinh thái mang lại hướng đi bền vững trong chuỗi sản xuất tôm sạch theo chứng nhận quốc tế. Tương lai, mô hình nuôi tôm sinh thái sẽ mở ra cơ hội mới để người nuôi tôm Ngọc Hiển bứt phá đi lên, tạo ra nguồn nguyên liệu tôm hữu cơ cho thị trường xuất khẩu góp phần nâng cao vị thế, giá trị kinh tế và khẳng định uy tín tôm sạch Cà Mau trên thị trường.

Chí Hiểu, Hồng My Báo Cà Mau