TIN THỦY SẢN

Khó “bắt bệnh”

Dịch bệnh tôm sữa bùng phát, lây lan mạnh khắp các vùng nuôi tôm hùm, nhưng các ngành chức năng vẫn loay hoay chưa xác định được tác nhân lây nhiễm. Trong khi, phác đồ điều trị cũ của Cục Thú y không còn phát huy tác dụng. “Đánh bạc với trời”, người dân hoang mang, tuyệt vọng.

Tôm chết, người nuôi tôm ám ảnh gánh nặng... nợ! - Ảnh: L.P

Tôm vẫn chết

Từ cuối tháng 2.2012 đến nay, bệnh sữa có dấu hiệu quay trở lại ở các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên và Bình Định. Riêng tại tỉnh Phú Yên có hơn 7.550 lồng (trong số hơn 24.200 lồng nuôi tôm hùm từ 6 - 10 tháng tuổi) bị bệnh, chủ yếu  tôm thương phẩm làm chết gần 500.000 con, chiếm từ 20% - 30% số lượng thả nuôi, trong đó nặng nhất là thị xã Sông Cầu với 7.000 lồng làm chết khoảng 390.000 con.

Tại xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), mỗi ngày có khoảng 1 tấn tôm bệnh chết, mất trắng khoảng 1 tỉ đồng. Nhưng, “còn nước còn tát”, người nuôi tôm hùm vẫn tiếp tục chạy vạy, mua các loại thuốc phòng trị bệnh tôm sú như Anti-Vibrio f/S2, Vitamin C 10%, Beta-Ro 20+20... ngâm trộn vào thức ăn cho tôm, thậm chí dùng cả thuốc chữa bệnh cho người như Tetracycline, Amphicillin, Rifamycin, Entero Caps, Cotrimxazon... để chữa bệnh cho tôm hùm. Nhưng, tôm vẫn cứ “rụng” dần từng ngày.

Các ngành chức năng và địa phương đã triển khai chương trình phòng chống khẩn cấp dịch bệnh tôm hùm, tổ chức nhiều đợt tập huấn cho bà con kỹ thuật nuôi, hướng dẫn pha trộn thuốc và tiêm kháng sinh phòng trị bệnh tôm hùm. Lắng nghe và làm theo chỉ dẫn của cán bộ khuyến ngư, bệnh tạm lui và tôm ngừng chết khoảng vài  tuần rồi “đâu lại vào đấy”!

Ông Đào Văn Lương - Trưởng phòng NNPTNT huyện Vạn Ninh - khẳng định: “Phác đồ điều trị của Bộ NNPTNT không còn thích nghi, không phát huy tác dụng, không trị được bệnh sữa một cách triệt để. Trong hoàn cảnh “nước sôi lửa bỏng”, không ai đủ kiên nhẫn bắt từng con tôm, đưa lên khỏi mặt nước để chích thuốc”.

Khó “bắt bệnh” ?

Ông Nguyễn Thành Nhơn – Trưởng Chi hội nông dân thôn Từ Nham, xã Xuân Thịnh,  thị xã Sông Cầu (Phú Yên), bức xúc nói: “Đại dịch” đợt này làm tôi mất đứt 7.500 con tôm. Ngành chức năng thì đổ lỗi cho người dân thiếu ý thức, không tin dùng phác đồ điều trị của Bộ NNPTNT. Oan lắm! Cán bộ khuyến ngư chỉ dạy lý thuyết phòng trị bệnh, chứ không triển khai mô hình trình diễn để người dân theo dõi, vận dụng!”.

Sau cơn “đại dịch” tôm hùm năm 2007, Cục Quản lý chất lượng an toàn thực phẩm và vệ sinh thú y (Nafiqaved) đã “nhờ” các tổ chức thế giới như OIE, NACA, Seafdec... hỗ trợ kỹ thuật trị bệnh tôm, điều tra tổng quát bệnh tôm ở 42 vùng nuôi ở Nam Trung Bộ. Nhưng đến nay vẫn chưa công bố giải pháp khống chế dịch bệnh tôm cho người dân vùng nuôi tôm hùm ven biển? 

Lao Động