TIN THỦY SẢN

Khó khăn “bủa vây” ngành cá tra: Bất hợp lý trong chăn nuôi và xuất khẩu

Dù tăng về số lượng nhưng lợi nhuận thu về của ngành xuất khẩu cá tra chưa tăng tương ứng. Lê Nghĩa

Ngành nuôi cá tra từng được xem là ngành sản xuất có sự tăng trưởng ngoạn mục nhất trong lịch sử phát triển ngành thủy sản suốt hơn 10 năm qua. Tuy nhiên, những năm tháng “hoàng kim” đó đã dần xa…

Điệp khúc thiếu vốn

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn thuộc Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho biết nguồn vốn vay được từ ngân hàng cho khâu nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra chỉ đáp ứng hơn 40% nhu cầu của người nuôi và doanh nghiệp. Thêm vào đó, thời hạn vay chỉ từ 4-6 tháng, trong khi vụ nuôi cá tra thường kéo dài 8-10 tháng đã gây áp lực lớn về vốn cho ngành này. “Hiện vốn tối thiểu cho mỗi ha nuôi cá tra là khoảng 4-5 tỉ đồng và nhu cầu về vốn của doanh nghiệp để thu mua hoặc đầu tư vùng nuôi còn lớn hơn nhiều. Việc gặp khó khăn trong khâu huy động vốn đang ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất cũng như xuất khẩu mặt hàng thủy sản này” - ông Sơn nói.

Theo khảo sát từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), có từ 70 - 80% doanh nghiệp thủy sản lệ thuộc vào vốn vay ngân hàng. Thời gian qua, việc triển khai chính sách siết chặt vốn của các tổ chức tín dụng đã khiến cả người nuôi và doanh nghiệp “đói” vốn trầm trọng. “Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ, giúp ngành tiếp cận nguồn vốn vay mới với lãi suất thấp. Tuy nhiên, thực tế, có rất ít hộ, doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận được nguồn vốn vay. Trong năm 2012, các ngân hàng báo cáo đã cung cấp khoản tín dụng khoảng 38.000 tỷ đồng được nguồn vốn này cho người nuôi và doanh nghiệp chế biến thủy sản vay, nhưng thực tế, số tiền đó có phục vụ cho hoạt động chế biến và xuất khẩu thủy sản hay không vẫn là một ẩn số” - ông Dương Ngọc Minh, TGĐ Công ty CP Hùng Vương, cho hay.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến đầu năm 2013, dư nợ cho vay nuôi trồng, chế biến xuất khẩu cá tra của các tổ chức tín dụng trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long đạt gần 23.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp kêu ca vẫn khó tiếp cận được nguồn tín dụng nói trên.

Vẫn nặng “ăn xổi”

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, công tác quy hoạch ngành cá tra bị bỏ ngỏ hoặc không theo kịp thực tế nên vòng lẩn quẩn thiếu - thừa cá nguyên liệu ngày càng trầm trọng. Trong một thời gian dài, cá tra Việt Nam phát triển với tốc độ nhanh đã phá vỡ quy hoạch từ vùng đến các địa phương. Nông dân tự đào ao thả nuôi, doanh nghiệp chế biến đua nhau xây dựng nhà máy chế biến, khiến việc sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu cá tra rơi vào tình trạng mất kiểm soát, người nuôi đối mặt với nhiều nguy cơ rủi ro. “Khi giá cá tăng, nông dân ào ạt thả nuôi, tình trạng dư thừa nguyên liệu kéo theo giá cá giảm. Khi giá cá giảm, người nuôi bỏ trống ao, doanh nghiệp chế biến lại khốn đốn vì thiếu nguyên liệu” - ông Sơn phân tích.

Do thiếu hụt trầm trọng nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến nên năm nay các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra dự kiến sẽ phải nhập khẩu nguyên liệu tăng 30% so với năm 2012, tương đương 65 - 70 triệu USD/tháng. Trước đó, VASEP dự báo, sản lượng cá tra năm 2013 chỉ đạt khoảng 800.000 - 900.000 tấn, giảm trên 1,2 triệu tấn so với năm 2012. Riêng lượng cá tra nguyên liệu ngay trong quí I/2013 sẽ chỉ đạt khoảng 100.000 - 150.000 tấn, giảm 30 - 50% so với cùng kỳ năm 2012.

Nhìn ở góc độ xa hơn, theo ông Dương Ngọc Minh, TGĐ Công ty cổ phần Hùng Vương, sản phẩm cá tra Việt Nam đến nay gần như độc quyền khi chiếm hơn 95% thị phần xuất khẩu của thế giới với hơn 142 thị trường. Tuy nhiên, có một nghịch lý là giá xuất khẩu mặt hàng này không phải do các doanh nghiệp trong nước quyết định mà do những nhà nhập khẩu đưa ra. Hiện giá cá tra xuất khẩu giảm từ mức trung bình 4,93 USD/kg năm 1998, xuống còn 2 - 2,5 USD/kg vào đầu năm 2013. Đã thế, các rào cản thương mại cũng nhiều hơn trước. “Chúng ta hoan hỉ vì kim ngạch xuất khẩu cá tra hàng năm đều tăng nhưng thực tế lợi nhuận lại chẳng tăng là bao, thậm chí có thời điểm người nuôi và nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra thua lỗ nặng. Đó là hệ quả của việc chúng ta thiếu chiến lược quản lý vĩ mô, cũng như các giải pháp hỗ trợ chặt chẽ, bài bản, ông Minh cho biết.

Bài 1: Khó khăn “bủa vây” ngành cá tra: Khi người nuôi cá “treo” ao

Lê Nghĩa Báo Tin Tức