TIN THỦY SẢN

Kho lạnh quá tải trầm trọng, không còn chỗ chứa cá tra, tôm

Hệ thống kho lạnh của các doanh nghiệp thủy sản hiện đã đầy, không còn chỗ để chứa thêm nguyên liệu cá tra, tôm thu mua của dân. Phạm Anh

Hiệp hội Chế biến và Xuất Khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) vừa “khẩn thiết” báo cáo lên Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường để kiến nghị Thủ tướng, có cơ chế đầu tư kho lạnh, vì hiện thệ thống các kho chưa đã “căng hết bụng”, không còn chỗ chứa cá tra, tôm trong mùa dịch COVID-19.

Trong văn bản gửi tới Bộ trưởng NN&PTNT hôm nay (2/4), Vasep cho rằng, hệ thống kho lạnh là một mắt xích cốt lõi đối với cả chuỗi sản xuất và xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, cho cả bối cảnh vượt qua đại dịch trước mắt và cả tầm chiến lược cho ngành hàng trong tương lai.

Trong bối cảnh khó khăn, ách tắc như đại dịch COVID-19 hiện nay, kho lạnh trữ hàng càng cần thiết hơn bao giờ hết. Tuy nhiên Việt Nam đang thiếu kho lạnh trầm trọng. Các doanh nghiệp không thể thu mua được hơn nguồn nguyên liệu tôm, cá mà cho bà con nông, ngư dân, cũng như khó có thể tạo ra được nguồn hàng lớn chủ động khi thế giới có nhu cầu lớn trở lại.

Vasep cho hay, do việc đầu tư kho lạnh trữ thủy sản mất chi phí khá lớn nên công suất kho lạnh tại Việt Nam đến nay vẫn còn chưa theo kịp được nhu cầu của ngành. Hiệp hội này đề nghị Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước có chính sách cho phát triển kho lạnh.

Cụ thể, cần hỗ trợ lãi suất 0% trong 2 năm đầu và giảm lãi suất 50% trong 4 năm tiếp theo đối với các khoản cho vay dài hạn để đầu tư xây dựng kho lạnh tồn trữ với các kho lạnh có công suất tối thiểu là 5.000 pallet (dùng để kê hàng hóa) trở lên. Ngoài ra, cần hỗ trợ giảm 50% thuế thu nhập DN cho 2 năm đầu khi các kho lạnh kể trên đi vào vận hành.

Theo Vasep, hiện giá tôm, cá tra nguyên liệu giảm mạnh do người nuôi lo sợ giá tiếp tục giảm nên thu hoạch sớm. Trong khi, DN tạm thời ngưng mua nguyên liệu do các đơn hàng bị hoãn, hủy và không có các đơn hàng mới. Mặt khác, kho lạnh của DN đã bị đầy vì chứa hàng tồn kho nên không còn chỗ chứa được nguyên liệu.

Nhiều kho lạnh đã được các DN cá tra thuê để trữ nguyên liệu cá, nên các DN tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phải chuyển thuê kho lạnh ở miền Trung để trữ nguyên liệu tôm và hỗ trợ mua tôm nguyên liệu cho người dân.

Theo Vasep, đến nay, do dịch COVD-19, tỷ lệ các đơn hàng xuất khẩu đã ký bị khách yêu cầu cầu tạm hoãn và tỷ lệ các đơn hàng bị khách yêu cầu dừng hoặc hủy khá cao (lần lượt 20-40% và 20-30%).

Các thị trường có yêu cầu hoãn, hủy đơn hàng nhiều nhất là EU, Hàn Quốc và Trung Quốc (từ tháng 3, Trung Quốc bắt đầu có dần các đơn hàng trở lại); con số này ít hơn ở các thị trường Nhật, Mỹ, Nga.

Đặc biệt tại thị trường châu Âu phần lớn các đơn hàng tôm bị yêu cầu hoãn hoặc hủy đơn hàng, mặt hàng cá tra chịu tác động ít hơn do giá tiêu thụ rẻ hơn và chủ yếu bán cho các hệ thống siêu thị.

Đối với các đơn hàng trong quý II, quý III/2002, Vasep cho biết, việc ký kết các đơn hàng mới cũng rất khó khăn, đặc biệt tại các nhóm thị trường chính như Mỹ, Nhật, EU... Nhiều DN vừa và nhỏ gần như không có các đơn hàng mới trong quý II, quý III, một số doanh nghiệp khác có được đơn hàng mới nhưng không nhiều.

Trước đó, cả ba hiệp hội, gồm Vasep cùng hiệp Dệt May Việt Nam (Vitas) và Da giày -Túi xách Việt Nam (Lefaso) -ba ngành hàng xuất khẩu gần 80 tỷ USD năm qua, cùng ký văn bản kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng và các bộ ngành về tháo gỡ khó khăn cho DN trong lĩnh vực do ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVDI-19.

Phạm Anh Tiền Phong