Khơi dậy tiềm năng biển
Ghi chép của phóng viên Báo Nhân Dân Về thăm và làm việc tại TP Hải Phòng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành nhiều thời gian tìm hiểu tình hình thực hiện Nghị quyết Ðại hội XI của Ðảng; chuẩn bị để Bộ Chính trị làm việc với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy, tổng kết mười năm thực hiện Nghị quyết số 32 của Bộ Chính trị khóa IX về xây dựng và phát triển Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trên chuyến tàu cao tốc từ bến Bính đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra thăm, làm việc tại huyện đảo Cát Hải, TP Hải Phòng, chúng tôi thỏa sức ngắm nhìn vẻ đẹp tự nhiên, hùng vĩ của vùng biển, đảo này. Trong sự giao thoa giữa trời và biển, từng ngọn núi xanh, từng thôn, làng trù phú xa mờ hiện rõ dần, rồi ôm biển vào lòng. Ðúng như Tổng Bí thư nhấn mạnh trong buổi làm việc tại Huyện ủy Cát Hải: Với 366 đảo, trong đó có hai đảo lớn là Cát Hải và Cát Bà, huyện đảo này có tiềm năng, thế mạnh rất lớn. Ðể phát triển tốt, huyện đảo Cát Hải cần khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế; ưu tiên phát triển du lịch, dịch vụ, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, nhất là khu vườn quốc gia Cát Bà - nơi có nhiều loại động vật, thực vật quý hiếm, gần 60 loại nằm trong sách đỏ, như voọc đầu trắng chỉ còn tồn tại duy nhất ở Cát Bà.
Ít có vùng biển đảo nào được thiên nhiên ưu đãi đến thế. Ðảo Cát Bà được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, đã hội tụ đầy đủ hệ sinh thái của rừng và biển, rừng mưa nhiệt đới trên đảo đá vôi, rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm rong và nhất là hệ sinh thái hang động.
Báo cáo với Tổng Bí thư về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết Ðại hội XI của Ðảng, Bí thư Huyện ủy Cát Hải Bùi Thanh Tùng cho biết, mục tiêu tổng quát của huyện là khơi dậy tiềm năng của biển, xây dựng đảo Cát Bà thành trung tâm du lịch sinh thái của cả nước và quốc tế; xây dựng đảo Cát Hải trở thành đô thị mới văn minh, hiện đại và khu dịch vụ cảng biển quan trọng của TP Hải Phòng và các tỉnh phía bắc. Ðồng chí Tổng Bí thư vui mừng khi Huyện ủy Cát Hải tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Ðại hội XI của Ðảng và Nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, đồng chí vẫn băn khoăn nêu câu hỏi: Vì sao tổng giá trị sản xuất của các ngành kinh tế từ năm 2011 đến nay giảm dần; trong khi đó thu từ ngành dịch vụ chiếm hai phần ba tỷ trọng của các ngành kinh tế vẫn tăng đều hằng năm; nhất là sáu tháng đầu năm nay tăng đến 71%. Theo cách giải thích của Bí thư Huyện ủy Cát Hải, số khách du lịch hằng năm đến đều tăng, nhưng thời gian lưu trú ít, ít tham gia các hoạt động dịch vụ khác, ít mua sắm, chi tiêu, cho nên tổng thu không cao.
Có lẽ cách giải thích như thế chưa hợp lý. Ngoài nguyên nhân kinh tế khó khăn, phải tiết kiệm chi tiêu, còn vấn đề mà huyện đảo cần xem lại, nhất là chất lượng dịch vụ chưa làm hài lòng du khách. Một số cán bộ đi theo Ðoàn đã nói với chúng tôi như thế. Ðể khai thác tiềm năng của biển, nhiều công trình dự án lớn trên đảo đang được Trung ương, TP Hải Phòng đầu tư: cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, đường ô-tô Tân Vũ - Lạch Huyện, các dự án nâng cấp đường xuyên đảo, hồ chứa nước ngọt. Hiện nay, ngành điện thành phố đang tập trung đưa điện lưới 110 kV ra đảo thay thế điện lưới 35 kV. Tương lai của đảo ngọc Cát Bà thật sáng sủa, nhất là quần đảo này lại đang được tổ chức UNESCO xem xét hồ sơ đăng ký công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Một hứa hẹn mới nhiều triển vọng cho phát triển du lịch huyện đảo. Song cũng lộ diện không ít thách thức mà huyện cần sớm có cách giải quyết. Ðó là việc nảy sinh những "xung đột" giữa nhiệm vụ bảo tồn và phát triển theo hướng bền vững, cụ thể như giữa xây dựng cảng Lạch Huyện với giữ gìn các giá trị đa dạng sinh học của khu dự trữ sinh quyển; giữa hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản với bảo vệ môi trường biển, bảo vệ nguồn lợi và phát triển du lịch; giữa du lịch sinh thái với bảo vệ tài nguyên, rừng nguyên sinh.
Ðể giải quyết các "xung đột" ấy, bảo đảm sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, càng thấy điều Tổng Bí thư mong muốn có ý nghĩa sâu sắc, thiết thực và cấp bách như thế nào: Trước hết, Cát Hải cần làm thật tốt quy hoạch và thường xuyên bổ sung, hoàn thiện quy hoạch; đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước, bảo vệ bằng được môi trường sinh thái.
Ðể xây dựng Hải Phòng thật sự là cực tăng trưởng của vùng kinh tế động lực phía bắc, trong buổi làm việc của đồng chí Tổng Bí thư với cán bộ chủ chốt thành phố, có nhiều ý kiến sâu sắc, cùng bàn cách tháo gỡ những vấn đề đặt ra. Một số cán bộ của thành phố cho rằng, Hải Phòng có đường lối phát triển nhất quán và một trong những ngành kinh tế trung tâm của thành phố là dịch vụ cảng, cùng với đó là phát triển công nghiệp và kinh tế đối ngoại. Dù thành phố đã có bước phát triển mạnh, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Dịch vụ là điểm mạnh, song chủ yếu là dịch vụ vận tải, các dịch vụ tài chính, ngân hàng còn ít. Có tiềm năng lớn đầy hứa hẹn, nhưng du lịch Hải Phòng vẫn là dịch vụ giá rẻ. Vì chính sách để cho "trăm hoa đua nở", cho nên hệ thống cảng Hải Phòng còn manh mún, cần được sắp xếp lại và xây dựng hiện đại, tàu có trọng tải lớn có thể ra vào thuận lợi; luồng tàu cũng cần thường xuyên được cải tạo, khơi thông, bảo đảm ổn định. Ở tầm nhìn cao hơn, cần có quy hoạch tổng thể, đầu tư, xây dựng có trọng điểm, khắc phục manh mún, tránh đua nhau cùng làm. Việc thực hiện Nghị quyết số 32 của Bộ Chính trị về Hải Phòng chưa đầy đủ. Kế hoạch đầu tư xây dựng cảng nước sâu; xây dựng hệ thống đường cao tốc kèm theo, chậm tiến độ nhiều năm, điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức cạnh tranh của cảng Hải Phòng. Ðây cũng là trách nhiệm của một số ban, bộ, ngành Trung ương.
Theo ý kiến phát biểu tại các buổi làm việc của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Hải Phòng có vị thế rất quan trọng, có tiềm năng, lợi thế lớn. Những năm qua, trong bao khó khăn, thành phố cảng vẫn có bước phát triển đáng ghi nhận. Tổng Bí thư cho rằng, Hải Phòng phát triển như thế là mừng, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, chưa có khâu đột phá nào, sức cạnh tranh, lan tỏa còn yếu. Nếu biết khai thác tốt tiềm năng lợi thế, Hải Phòng có thể đi lên nhanh hơn, mạnh hơn và bền vững hơn, để đến năm 2015, Hải Phòng cơ bản trở thành thành phố công nghiệp và dịch vụ cảng theo hướng văn minh, hiện đại. Một trong những tiềm năng, thế mạnh của Hải Phòng vẫn là kinh tế biển. Tuy nhiên, để vươn ra làm giàu từ biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, cần giải quyết hài hòa nhiều vấn đề. Tổng Bí thư nhấn mạnh, chúng ta đang đứng trước nhiều mâu thuẫn giữa khả năng nguồn lực và yêu cầu phát triển. Hải Phòng cũng như các địa phương cần đổi mới tư duy đầu tư phát triển theo hướng huy động tổng hợp các nguồn lực để phát triển, trong đó nội lực là quan trọng, đi lên bằng sức mạnh nội lực là chính. Trung ương hỗ trợ tích cực, nhưng địa phương phải cố gắng nỗ lực cao. Tổng Bí thư mong rằng Hải Phòng tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch, đón bắt kịp thời cơ hội, thường xuyên hoàn thiện, bổ sung quy hoạch; đồng thời phối hợp liên kết ngành, liên kết vùng để phát huy các lợi thế, hạn chế các mặt yếu, bổ sung cho nhau cùng phát triển. Mặt khác phải chăm lo đào tạo nguồn nhân lực, bởi suy cho cùng con người vẫn là yếu tố quyết định và cần coi đây là một khâu đột phá chiến lược.
Trong các buổi làm việc tại Hải Phòng, quan tâm những vấn đề đặt ra trong phát triển kinh tế - xã hội, Tổng Bí thư luôn mong muốn các cấp ủy, đơn vị cần thường xuyên chăm lo công tác xây dựng Ðảng, một nhiệm vụ then chốt hiện nay. Ðồng chí cho rằng, trước những điều kiện mới của nền kinh tế thị trường có nhiều tiêu cực tác động, phân hóa giàu nghèo, nhiều tâm tư, chuyện tiêu cực ngoài xã hội, trên thế giới ảnh hưởng đến Việt Nam. Có làm tốt công tác tư tưởng mới tạo được niềm tin vào Ðảng, vào đường lối đổi mới đất nước. Các tổ chức đảng, các cấp ủy cần nâng cao chất lượng sinh hoạt Ðảng, nhất là sinh hoạt chi bộ; họp chi bộ là bàn công tác tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống, chứ không chỉ công tác chuyên môn. Theo Tổng Bí thư, hơn một năm qua, việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 về xây dựng Ðảng đã mang lại những kết quả bước đầu, quan trọng, nhưng còn nhiều việc phải làm, làm lâu dài, làm thường xuyên, hằng ngày, không chỉ nhiệm kỳ này mà cả các nhiệm kỳ tới. Xây dựng Ðảng là xây dựng về con người, về tổ chức, bảo đảm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị. Nếu chỉ chạy theo nhiệm vụ chuyên môn, phát triển nóng, không bền vững thì cũng là do yếu tố con người.