TIN THỦY SẢN

Khôi phục rừng ngập mặn thông qua mô hình nuôi tôm bền vững

Đại diện doanh nghiệp ký hợp tác thực hiện dự án với các đối tác liên quan Thanh Hải

Ngày 29/11, tại TP Cần Thơ đã khởi động giai đoạn II dự án “Khôi phục rừng ngập mặn thông qua mô hình nuôi tôm bền vững” tại Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre; sau thành công của giai đoạn I ở Cà Mau.

Dự án là sáng kiến khôi phục rừng ngập mặn thông qua xúc tiến chứng nhận tôm hữu cơ cho mô hình tôm - rừng, thích ứng với biến đổi khí hậu, được Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên, Xây dựng và An toàn hạt nhân (Đức) hỗ trợ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, ông Lê Văn Sử cho biết giai đoạn I (2013-2016) triển khai ở rừng ngập mặn Đất Mũi đã thành công nhiều mặt. Đó là hiện thực hóa được khái niệm nuôi tôm có trách nhiệm, thông qua xây dựng chuỗi liên kết giữa ban quản lý rừng với hộ nuôi tôm và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, vừa có tôm sinh thái vừa bảo vệ được rừng. Qua đó, nâng cao năng lực của các thành phần tham gia chuỗi, cải thiện sinh kế người dân, quy hoạch phát triển rừng bền vững.

Dự án do Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) triển khai. Điểm mấu chốt của sáng kiến: Người nuôi tôm đảm bảo 50% diện tích được trồng rừng. Khi đó, tôm được cấp chứng nhận sinh thái (Naturland), được doanh nghiệp mua giá ổn định và doanh nghiệp còn trả cho các hộ dân dịch vụ môi trường rừng 500.000 đồng/ha.

Tiến sỹ Andrew Wyatt, Quản lý khu vực ĐBSCL của IUCN cho biết, thích ứng với biến đổi khí hậu nước biển dâng chỉ có hiệu quả khi dựa vào hệ sinh thái. Ở ĐBSCL, đó là hệ sinh thái rừng ngập mặn. Bởi kinh nghiệm ở các nước giàu cho thấy, xây dựng đê bê tông vẫn không vững chắc vì không thể xây cao mãi, không cho phép cả kỹ thuật lẫn điều kiện kinh tế. Nhưng khi bảo tồn được rừng ngập mặn cùng hệ sinh thái thì thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ bền vững, cây rừng có khả năng giữ phù sa để nâng cao đất lên mỗi năm 25cm và sinh kế của người dân ổn định.

Quản lý dự án, Tiến sỹ Nguyễn Thị Bích Thủy giới thiệu kết quả giai đoạn I ở Cà Mau, gần 800 hộ đạt chứng chỉ Naturland được Tập đoàn Thủy sản Minh Phú mua tôm giá cao. Hơn 200 hộ dân được trả dịch vụ môi trường rừng tổng cộng 300 triệu đồng. Có 80ha rừng ngập mặn nằm trong diện tích vuông nuôi tôm của 402 hộ dân được trồng thêm để đạt tỉ lệ 50% rừng theo quy định của Naturland. Bên cạnh, 12.600ha rừng được bảo vệ không bị chặt phá và 1.000 hộ dân được hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh hợp tiêu chuẩn chứng nhận và nông thôn mới.


Tôm - rừng ở ĐBSCL

Nghiên cứu phân tích do Viện Công nghệ vũ trụ của Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam thực hiện, sử dụng ảnh vệ tinh SPOT, cho thấy tỷ lệ diện tích phủ rừng tăng từ 39% năm 2013 lên 44% năm 2015. Phần lớn diện tích này là rừng ngập mặn non và thưa đã trở thành rừng ngập mặn trưởng thành và dày, kết quả của việc bảo vệ hiệu quả hơn. Các hộ tham gia dự án đã trồng rừng để đạt mức ít nhất 40% và họ đã ký hợp đồng với ban quản lý rừng tiếp tục trồng để nâng lên lên 50% trong 5 năm.

Nhiều đại biểu còn đánh giá cao thành công của dự án ở chỗ, chi trả dịch vụ môi trường rừng trực tiếp cho người bảo vệ rừng. Kết quả giai đoạn I của dự án làm cơ sở cho UBND tỉnh Cà Mau ra quyết định số 111, ngày 22/1/2016, thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng trực tiếp cho người bảo vệ rừng từ doanh nghiệp mua tôm, là có ý nghĩa rất lớn.

Giai đoạn II của dự án (2016-2020) triển khai ở tỉnh Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre có mục tiêu nâng số hộ thực hiện tôm-rừng để cung ứng sản phẩm sinh thái cho thị trường lên 5.000 hộ.

Thanh Hải Báo Nông Nghiệp