TIN THỦY SẢN

Không dễ phát hiện cơ sở tôm giống “ma”

Kiểm tra chặt chẽ để nâng cao chất lượng tôm giống. Hình minh họa Hồng Thắm

Một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tôm giống lớn cố tình “lách luật”; những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ hầu như không nắm rõ quy định. Việc phát hiện cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống “ma” hay xử phạt các đơn vị vi phạm không hề dễ. Để hiểu hơn vấn đề này, Tạp chí Thủy sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Kiều Trung Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra

Trong đợt thanh tra mới đây của Tổng cục Thủy sản do ông làm Trưởng đoàn đã phát hiện nhiều cơ sở “ma” trong sản xuất, kinh doanh tôm giống. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về việc này?

Theo kết quả thanh tra, việc phát hiện các cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống “ma” thực sự không dễ, cần có sự phối hợp từ trung ương tới địa phương và giữa các địa phương với nhau.

Ngay từ đầu năm 2017, Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với Thanh tra Sở NN&PTNT Bạc Liêu tổ chức kiểm tra việc vận chuyển tôm giống đi qua hoặc bán tại địa bàn tỉnh. Qua đợt kiểm tra, có rất nhiều lô tôm có nhãn mác theo “quy định” nhưng lại không xuất trình được “phiếu kiểm dịch”. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 10, Nghị định 119/2013/NĐ-CP ngày 9/10/2013, Cơ quan Thú y tiến hành kiểm dịch lại nếu không phát hiện dịch bệnh sẽ được đưa đi lưu thông trên thị trường bằng một phiếu kiểm dịch “hợp pháp”. Điều này rất bất cập trong việc quản lý tôm giống hiện nay (được kiểm dịch, không bị xử phạt, phí kiểm dịch giống như kiểm dịch lần đầu).

Đoàn kiểm tra tổng hợp thông tin nhãn bao bì của các lô hàng trên phương tiện vận chuyển để có cơ sở truy xuất nguồn gốc. Căn cứ thông tin về các doanh nghiệp sản xuất tôm trên địa bàn hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với Cục An ninh Kinh tế Nông lâm ngư nghiệp (A86) và Phòng An ninh Kinh tế tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận (PA81) tiến hành xác minh thông tin các doanh nghiệp đóng trên địa bàn, qua đó phát hiện 11 doanh nghiệp không đăng ký thông tin tại địa phương. Tuy nhiên, đến khi phát hiện được đó là doanh nghiệp “ma” thì lô tôm được kiểm dịch “hợp pháp” đã được đưa đến tay bà con nông dân. Điều này cho thấy chưa có sự phối hợp giữa các địa phương trong công tác quản lý giống thủy sản.

Đoàn đã gặp những thuận lợi và khó khăn gì trong quá trình thanh tra, thưa ông?

Có một số thuận lợi như: Được sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển ngành tôm trong giai đoạn tới và lãnh đạo Bộ NN&PTNT Tổng cục Thủy sản đã tạo điều kiện để các đoàn thanh, kiểm tra làm việc có hiệu quả và phát hiện được nhiều hành vi vi phạm mới. Có sự phối hợp rất tích cực của các sở ban ngành có liên quan như: Thanh tra Bộ, Sở NN&PTNT, A86, Phòng Cảnh sát giao thông các tỉnh/thành phố.

Tuy nhiên, có thể nói khó khăn cũng rất nhiều, chẳng hạn như: Các cơ sở sản xuất tôm giống nhỏ lẻ tại địa bàn các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nam bộ rất nhiều, chính quyền địa phương chưa kiểm soát được nên công tác thanh, kiểm tra gặp rất nhiều vướng mắc; Thiếu chế tài xử lý hoặc có thì cũng chưa đủ sức răn đe đối với hành vi không chấp hành các quy định về quản lý giống thủy sản; Một số địa phương còn nể nang, né trách việc kiểm tra các cơ sở sản xuất tôm giống trên địa bàn; Chưa kịp thời chia sẻ thông tin gây khó khăn trong công tác thanh, kiểm tra; Một số tỉnh có hiện tượng công chức, viên chức thuộc các cơ quan lý nhà nước về thủy sản tham gia sản xuất, kinh doanh tôm giống, điều này ít nhiều ảnh hưởng đến công tác thanh, kiểm tra theo kế hoạch hoặc định kỳ; Thiếu kinh phí, trang phục, phương tiện chuyên dùng phục vụ công tác thanh, kiểm tra; Không có cơ chế đặc thù cho công chức được giao thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành (kể từ Luật Thanh tra 2010 có hiệu lực, công chức được giao chức năng thanh tra chuyên ngành không thuộc thanh tra nhà nước nên không được hưởng phụ cấp nghề, thâm niên nghề, trong khi chế độ làm việc vẫn như thanh tra nhà nước); Việc trích kinh phí từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính còn gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Được biết, việc xử phạt đối với hành vi vận chuyển con giống chưa được kiểm dịch hoặc chở quá số lượng trên 10% hiện nay chỉ ở mức 3 - 4 triệu đồng. Với mức phạt trên, liệu tính răn đe đã thực sự cao?

Việc vận chuyển quá số lượng trên 10% không phải là vấn đề (nếu tôm giống đã được kiểm dịch). Chúng ta sẽ sửa đổi, bổ sung quy định theo số lượng % vi phạm để có mức phạt phù hợp. Việc vận chuyển con giống chưa được kiểm dịch, ngoài phạt chủ xe, cần phải bổ sung thêm quy định như: Phạt doanh nghiệp có lô hàng trên phương tiện vận chuyển chưa kiểm dịch với số tiền bằng giá trị lô hàng và tăng dần theo số lần vi phạm; Kinh phí kiểm dịch cũng phải nhân 2 - 4 lần, may ra mới giảm được hành vi này.

Các cơ sở, doanh nghiệp bị thanh tra đột xuất chủ yếu vi phạm lỗi gì và thường phản ứng như thế nào?

Các cơ sở, doanh nghiệp bị thanh tra thường vi phạm các lỗi như: Không ghi nhật ký trong suốt quá trình nuôi; Không xét nghiệm bệnh trước khi cho sinh sản (đối với tôm sú); Không thực hiện kiểm dịch; Không kiểm tra chất lượng; Không có nguồn gốc xuất xứ (đối với tôm thẻ chân trắng).

Việc áp dụng thanh tra đột xuất là đã phát hiện hành vi vi phạm, tuy nhiên khi Đoàn đến làm việc, doanh nghiệp thường rất hay trốn tránh bằng nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên, qua các biện pháp nghiệp vụ, cũng như có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các chủ cơ sở bước đầu cũng đã chịu hợp tác. Đối với việc áp dụng thanh, kiểm tra theo kế hoạch vì đã được thông báo trước nên việc trốn tránh ít xảy ra hơn.

Họ có hiểu và nắm bắt rõ những quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh tôm giống hay không, thưa ông?

Đối với các công ty sản xuất tôm giống lớn, họ nắm rất rõ các quy định trong quản lý giống thủy sản, tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn cố tình “lách luật” và chưa chấp hành đúng các quy định tại Thông tư 26. Còn đối với các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, hầu hết không nắm được các quy định về quản lý giống thủy sản. Thậm chí có những cơ sở khi được thanh, kiểm tra còn không biết phải áp dụng quy trình nào, văn bản nào trong sản xuất giống... và chỉ sản xuất theo kinh nghiệm.

Vậy, theo ông cần có giải pháp gì trong công tác quản lý để nâng cao chất lượng tôm giống?

Về việc này, ngay từ đầu năm, Bộ NN&PTNT đã có nhiều văn bản gửi UBND; Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố đề nghị phối hợp với sở ban ngành tăng cường công tác thanh, kiểm tra giống thủy sản tại địa phương ngay từ đầu vụ.

Song song đó, theo tôi cũng cần rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để bổ sung các hành vi vi phạm mới phát sinh cũng như tăng mức phạt bằng tiền, phạt bổ sung, khắc phục hậu quả; Chỉ đạo các cơ quan quản lý về thủy sản, thú y kiểm soát tốt nguồn gốc giống (nhập khẩu và nội địa) bảo đảm đạt chất lượng, an toàn dịch bệnh mới cho sinh sản từ khâu đầu của quá trình; Phải có sự chia sẻ thông tin từ trung ương tới địa phương và giữa các địa phương với nhau trong công tác quản lý giống thủy sản và truy xuất nguồn gốc; Bộ NN&PTNT (cụ thể là Tổng cục Thủy sản) cũng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền về văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thủy sản cho các doanh nghiệp, cơ sở nuôi và người nuôi thủy sản; Đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra thường xuyên đối với các cơ sở nuôi, phương tiện vận chuyển giống; Và cần có cơ chế khen thưởng đối với việc cung cấp thông tin về các tổ chức/cá nhân sản xuất giống không đảm bảo chất lượng.

Thời gian tới, công tác thanh tra, kiểm tra sẽ được tăng cường như thế nào?

Để đạt được mục tiêu phát triển cho ngành tôm giai đoạn tới, công tác thanh, kiểm tra là rất quan trọng, điều này góp phần nâng cao chất lượng giống khi đưa ra thị trường. Theo đó, thời gian tới, UBND các tỉnh, thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở ban ngành tại địa phương tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng để thường xuyên tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra liên ngành nhằm kịp thời phát hiện, xử lý tận gốc các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Bộ NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị có liên quan thuộc Bộ phối hợp với các cơ quan ban ngành xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra trọng điểm hàng năm đối với các phương dễ phát sinh vi phạm để xử lý tận gốc, có tính răn đe.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hồng Thắm TCTS