TIN THỦY SẢN

Không nên ăn cá nóc để tránh bị ngộ độc, tử vong

Các địa phương trên cả nước vẫn còn xảy ra nhiều vụ ngộ độc do ăn cá nóc

Công tác tuyên truyền về ngộ độc cá nóc đã được các ngành chức năng triển khai, tuyên truyền mạnh mẽ trong nhân dân. Tuy nhiên, thời gian qua các địa phương trên cả nước vẫn còn xảy ra nhiều vụ ngộ độc do ăn cá nóc.

Nguyên nhân là do các nạn nhân chủ quan, không tuân theo khuyến cáo của các ngành chức năng.

Vào cuối tháng 7/2010 tại Tiền Giang, ông Võ Văn Nhắn, 38 tuổi, cư ngụ tại ấp Bà Lãnh, xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông tử vong do ngộ độc cá nóc. Theo lời kể của gia đình nạn nhân, ông Nhắn cùng con tên Võ Văn Vũ sinh năm 1994 đi ghe ngoài biển. Vào lúc 15 giờ ngày 17/7/2010, ông Nhắn không ăn cơm với khô chiên cùng các anh em trên ghe mà lấy trứng cá nóc đưa cho người con đem chiên. Do trứng cá nóc lâu chín nên ông Nhắn đem nướng và ăn khoảng 1/4 lượng trứng (những người khác không dám ăn trứng). Sau đó uống nước trà, sinh hoạt bình thường và đi ngủ vào lúc 19 giờ cùng ngày. Đến 22 giờ, ông mệt, khó thở ngày càng nhiều kèm triệu chứng cứng hàm nên mọi người đưa vào bờ nhưng ghe chỉ chạy được một đoạn thì ông tử vong (lúc 0 giờ 45 phút). Trước thời điểm này 5 năm, vùng ven biển tại huyện Gò Công Ðông, Tiền Giang cũng đã từng có người tử vong do ăn cá nóc.

Tình trạng ngộ độc và tử vong do ăn cá nóc không chỉ xảy ra ở các tỉnh ven biển mà còn xảy ra ở ngay cả các tỉnh nội địa như: Hà Nội, Bắc Ninh, Kon Tum, Đắk Lắk, Tây Ninh, Lâm Đồng, TP Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Nam Định, Đồng Tháp, Hậu Giang… do ăn phải cá nóc khô, cá nóc đông lạnh. Theo thống kê sơ bộ, năm 1999, cả nước có 12 vụ ngộ độc ở 86 người, 15 người chết; năm 2000, số vụ đã tăng lên 18, làm 21 người chết; năm 2001 có 31 vụ ngộ độc, 168 người mắc, 28 người chết. Ngộ độc vì cá nóc tươi có xu hướng giảm, nhưng ngộ độc, tử vong vì cá khô, chả cá nóc lại tăng lên. Tỷ lệ tử vong do ngộ độc cá nóc so với tổng số trường hợp tử vong do ngộ độc thực phẩm tăng từ 19% năm 1999 lên gần 50% đầu năm 2000. Có trường hợp cả gia đình cùng ăn cá nóc bị ngộ độc và tử vong.

Cá nóc (có nơi gọi là cá cóc, cá bống biển, cá đùi gà…) với hàng trăm loài trên thế giới: ở Mỹ gọi là pufferfish, ở Nhật Bản gọi là fugu fish,... Tại một số nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản,…Sushi cá nóc là món ăn thượng lưu, được chế biến bởi những đầu bếp đã qua đào tạo bài bản về kỹ thuật chế biến cá nóc. Tuy nhiên, cá nóc là cá độc, thường gây ngộ độc ở Nhật Bản, Đài Loan và các nước vùng Đông Nam Á. Theo Cục an toàn thực phẩm, độc tố có trong cá nóc là tetrodotoxin (công thức hoá học C11H17O8N3); tập trung nhiều ở gan, thận, tụy, cơ quan sinh sản, mắt, mang, da, máu của cá. Độc tố này tăng mạnh vào mùa cá sinh sản (từ tháng 2 đến tháng 7). Trong thịt cá nóc không có độc tố nhưng khi đánh bắt, chế biến hoặc cá ươn, bị dập nát, độc tố ngấm vào thịt. Với người, ăn chỉ 10 g thịt cá nóc có độc tố là bị ngộ độc, trường hợp nặng gây liệt toàn thân, da tím tái, trụy tim… với tỉ lệ tử vong lên đến 60% nếu cấp cứu chậm. Do vậy, Cục an toàn thực phẩm khuyến cáo người dân không ăn cá nóc dưới mọi hình thức.

Điều này cũng giải thích tại sao nhiều ngư dân sau khi bỏ phần nội tạng rồi mà vẫn bị ngộ độc. Các loài cá khác nhau có mức độ độc khác nhau, phụ thuộc vào mùa hay vào từng cá thể đực, cái trong cùng một loài. Độc tố này bị phân hủy không đáng kể ở nhiệt độ sôi của nước (1000C), do đó mặc dù cá nóc được nấu chín kỹ nhưng độc tố vẫn không thay đổi. Các nhà khoa học cho cá nóc vào dung dịch HCL (axit Clohydric) từ 0,2 - 0,3% ngâm trong 8 giờ, độc tố mới được phân huỷ hoàn toàn. Đun sôi cá nóc trong 6 giờ liên tục, lượng Tetrodotoxin chỉ giảm 50%. Nếu nâng nhiệt độ lên 2000C, mất 10 phút chất độc Tetrodotoxin mới được phân huỷ hết.  Chính vì vậy, nếu cá nóc đun nấu ở 1000C, chỉ cần ăn vào 10g là có nguy cơ bị ngộ độc.

Thịt cá để lâu (ví dụ cá nóc khô), thậm chí nước mắm cá nóc vẫn chứa chất độc và có thể gây ngộ độc. Con người đặc biệt dễ bị ngộ độc Tetrodotoxin hơn so với các động vật khác. Sau khi ăn phải cá nóc độc khoảng từ 5 - 30 phút, cũng có thể lâu hơn, người bị ngộ độc có cảm giác ngứa miệng, tê ở đầu lưỡi, rồi cảm thấy mệt mỏi, choáng váng, đau đầu kèm theo đau thắt vùng ngực, khó thở. Tiếp theo các triệu chứng này là mặt ửng đỏ, bệnh nhân nói không thành tiếng, ra nhiều mồ hôi, tiết nước đái, đau bụng, toàn thân run giật, cứng lưỡi, liệt tứ chi… Trong trường hợp ngộ độc Tetrodotoxin nặng, bệnh nhân sẽ bị liệt toàn thân, da chuyển dần sang màu tím tái, huyết áp giảm xuống, khó thở, đồng tử giãn, độc tố chạy vào tim dẫn đến tử vong

Hiện tại, các nhà khoa học chưa tìm được thuốc đặc trị để giải độc tố cá nóc. Tuy nhiên, trong trường hợp không may gia đình có nạn nhân bị ngộ độc cá nóc, nếu miệng, môi người bệnh tê và người bệnh còn tỉnh táo thì gây nôn, cho uống than hoạt tính, đồng thời gọi cấp cứu y tế nơi gần nhất và đưa ngay đến bệnh viện để rửa dạ dày. Nếu người bệnh tím môi, khó thở thì hô hấp nhân tạo (hà hơi thổi ngạt nếu không có phương tiện cấp cứu). Còn theo dân gian, thường cho người ngộ độc uống nước dừa, nước quả trám trắng, nước luộc rau lang hay nước luộc đậu xanh, nước chè đặc, dầu thực vật, than hoạt tính hay sữa. Bên cạnh đó, phải chú ý phục hồi chống sốc, chống truỵ tim mạch cho người ngộ độc.

Mặc dù, việc buôn bán cá nóc đã bị cấm và các ngành chức năng cũng như các phương tiện thông tinđại chúng đã thường xuyên tuyên truyền về mối nguy hiểm của việc ăn cá nóc không được chế biến đúng kỹ thuật nhưng nhiều người vẫn chủ quan, do đó đã dẫn đến nhiều vụ ngộ độc và tử vong xảy ra hàng năm ở nước ta. Trên thực tế, cá nóc không chỉ ở dạng cá tươi mà còn được bày bán ở dạng cá khô, bị chặt đầu hoặc chế biến thành nước mắm khiến cho việc nhận dạng khó khăn. Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã khuyến cáo mọi người dân không nên kinh doanh, sử dụng cá nóc để tránh ngộ độc. Điều này có nghĩa là tất cả mọi người không nên ăn cá nóc (kể cả khô cá nóc) để bảo vệ tính mạng cho chính bản thân mình.

Tuy nhiên về mặt lợi ích, cá nóc nếu được chế biến đúng kỹ thuật, loại được các độc tố thì đây là một loại thực phẩm cao cấp, thơm ngon. Thời gian gần đây, một số địa phương như Kiên Giang, Khánh Hòa và Phú Yên đã được chủ trương thí điểm cho một số công ty, doanh nghiệp thu mua, chế biến cá nóc để phục vụ xuất khẩu, không cho phép tiêu thụ trong nước. Mặt khác, những đơn vị tham gia chế biến xuất khẩu mặt hàng nhạy cảm này phải có đội ngũ nhân viên được tập huấn chuyên về phân loại và cách chế biến mặt hàng cá nóc và có sự giám sát của các chuyên gia phía đối tác nhập khẩu.

Ngày 14/4/2016, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ NN& PTNT tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả triển khai Đề án thí điểm khai thác, thu mua sơ chế, chế biến và xuất khẩu cá nóc đảm bảo an toàn thực phẩm giai đoạn 2013-2015. Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Bộ NN& PTNT Vũ Văn Tám đề nghị Ủy ban nhân dân, Sở Bộ NN& PTNT các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tuyên truyền phổ biến để người dân hiểu rõ về tác hại của cá nóc, độc tố cá nóc và không để xảy ra các vụ ngộ độc cá nóc gây tử vong trên địa bàn.

Báo Công Lý, 14/05/2016