TIN THỦY SẢN

Không nên nuôi tôm chuyên canh, thâm canh

Hệ thống ao nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh. Văn Hòa

Tình hình bùng phát dịch bệnh trên tôm nuôi từ năm 2011 đến nay đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho gần 50.000 nông dân nuôi tôm ở Sóc Trăng và nhiều tỉnh thành vùng duyên hải.

Có nhiều nguyên nhân gây thiệt hại cho tôm nuôi, trong đó ô nhiễm môi trường vùng nuôi từ mô hình nuôi thâm canh là yếu tố hàng đầu. Kết quả nghiên cứu “hội chứng tôm chết sớm” cũng chỉ ra nguyên nhân từ hình thức nuôi độc canh, nuôi tăng vụ. Sóc Trăng là vùng nuôi thâm canh trọng điểm của cả nước và chính những vùng nuôi này đã phải trả giá trong những năm vừa qua.

Tại Hội Nghị sơ kết tình hình nuôi tôm nước lợ của tỉnh trong 6 tháng đầu năm, lãnh đạo UBND Tỉnh đã chỉ đạo ngành chuyên môn tập trung tuyên truyền, khuyến cáo người nuôi phải thực hiện tốt lịch thời vụ, những vùng có điều kiện ứng dụng quy trình luân canh tôm – lúa cần phát huy triệt để, vùng nuôi thâm canh, bán thâm canh phải cắt vụ để đảm bảo an toàn mầm bệnh cho vụ nuôi tiếp theo. Nhiệm vụ trước mắt là phải hướng dẫn người nuôi nắm được các biện pháp hạn chế thiệt hại của Hội chứng hoại tử gan, tụy do vi khuẩn Vibrio gây nên.

Vào thời điểm cuối vụ nuôi năm nay, Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Sóc Trăng cảnh báo sẽ bùng phát diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng và tình trạng nuôi quanh năm không theo lịch thời vụ khuyến cáo.  Đây là 2 vấn đề rất đáng lo ngại vì môi trường ao nuôi, vùng nuôi chưa thật sự hồi phục, mức độ nuôi thâm canh sẽ tiếp tục gây áp lực đối với môi trường và một khi không thể cắt vụ thì mầm bệnh sẽ tiếp tục tồn lưu trong vùng nuôi vì vi khuẩn Vibrio lây nhiễm từ tôm sang tôm.  Thạc sĩ Võ Văn Bé, Phó GĐ Trung Tâm Khuyến Nông Sóc Trăng phân tích: “kết quả nghiên cứu về hội chứng tôm chết sớm là do vi khuẩn Vibrio gây ra và loại vi khuẩn này lây nhiễm từ tôm – sang tôm. Và tồn lưu trong môi trường ao nuôi rất lâu, nếu như chúng ta không cắt vụ thì chúng ta cũng không thể cắt mầm bệnh. Lịch thời vụ là rất quan trọng vì nó dựa trên các yếu tố thời tiết, môi trường… nếu hộ nuôi trái vụ, hộ không nuôi cũng làm ảnh hưởng đến diện tích toàn vùng”.

Ngành Nông Nghiệp cũng khuyến cáo bà con không nên phát triển ào ạt diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng, bởi đây là đối tượng đòi hỏi công trình ao nuôi phải hết sức hoàn thiện, chi phí cao, kỹ thuật chăm sóc nghiêm ngặt hơn so với nuôi tôm sú. Năm nay, nhiều hộ nuôi tôm sú chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng, trong những tháng đầu vụ nuôi thì diện tích đã tăng gấp 3 lần so với năm trước, từ nay đến cuối năm diện tích này sẽ tiếp tục tăng lên.

Điều mà ngành chuyên môn lo lắng hiện nay là công trình ao nuôi chưa đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật đối với nuôi tôm thẻ chân trắng. Lê Văn Hăng, Chi Cục nuôi trồng thủy sản Sóc Trăng cho biết “Trước tình hình nuôi tôm thẻ chân trắng thuận lợi hơn, có khả năng thu hồi vốn khi có thiệt hại nên bà con tập trung nuôi thẻ chân trắng. Có thể từ nay đến cuối năm diện tích thẻ sẽ tăng từ 6.000 ha hiện nay lên hơn 12.000 ha vào cuối vụ. Đây là vấn đề rất khó, chúng tôi đề nghị bà con phải nuôi có quy hoạch, công trình nuôi phải an toàn hơn, quản lý chăm sóc phải đúng yêu cầu kỹ thuật, trong khi bà con nông dân mình chuyên nuôi tôm sú, kinh nghiệm nuôi tôm thẻ chưa nhiều, công trình ao nuôi chưa đảm bảo”.

Nếu tính từ đầu vụ đến nay thì mức độ thiệt hại trên tôm nuôi là 5.155 ha, trong đó tôm thẻ chân trắng thiệt hại 1.783 ha, do thời gian nuôi ngắn nên diện tích tôm thẻ bị thiệt hại có thu hoạch chiếm khoảng 40%. Chính vì khả năng thu hồi được vốn, thời gian nuôi ngắn nên đa phần nông dân có xu thế mở rộng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng.

Văn Hòa PT-TH Sóc Trăng