TIN THỦY SẢN

Khu nông nghiệp công nghệ cao ngành tôm - Cơ hội nâng cao giá trị xuất khẩu tôm

Khu sản xuất tôm công nghệ cao của tập đoàn Việt - Úc Bạc Liêu. Ảnh: Phan Thanh Cường

Hoạt động nuôi, chế biến và xuất khẩu tôm của ĐBSCL sẽ không còn làm theo kiểu thủ công, truyền thống mà sẽ hướng đến công nghệ cao. Đó là mục tiêu đặt ra của Khu nông nghiệp công nghệ cao phát triển ngành tôm vừa được Thủ tướng phê duyệt, và khu công nghiệp này sẽ được đặt tại tỉnh Bạc Liêu

Lập khu nông nghiệp công nghệ cao ngành tôm

Với quy mô hơn 400 ha, Khu nông nghiệp công nghệ cao này có chức năng ứng dụng các thành tựu nghiên cứu và phát triển công nghệ cao vào ngành tôm; sản xuất giống; nghiên cứu quy trình nuôi, chế biến thức ăn, sản xuất chế phẩm sinh học, bảo quản chế biến; đào tạo, tập huấn và chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật phục vụ ngành tôm Bạc Liêu, vùng bán đảo Cà Mau, ĐBSCL và cả nước.

Mục tiêu chính của khu nông nghiệp công nghệ cao này là phát triển ngành tôm theo hướng chuyên sâu, bền vững, xây dựng thương hiệu sản phẩm cạnh tranh được với tất cả các thị trường trên thế giới.

Cơ hội nâng cao giá trị xuất khẩu tôm

Khu nông nghiệp công nghệ cao phát triển ngành tôm ra đời đúng lúc ngành tôm nước ta đón nhận một tín hiệu vui từ thị trường xuất khẩu. Đó là trong quý I năm nay, thị trường khó tính Nhật Bản đã vượt qua các thị trường như: Mỹ, EU, Trung Quốc, trở thành quốc gia dẫn đầu về nhập khẩu tôm của Việt Nam. Đây cũng được cho là tín hiệu tích cực nhất trong vòng 10 năm con tôm của nước ta vào Nhật Bản.

Tính đến giữa tháng 5/2017, kim ngạch xuất khẩu tôm sang Nhật Bản của Công ty CP Chế biến Thủy sản Tài Kim Anh, Sóc Trăng, đạt gần 10 triệu USD, tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2016. Đại diện doanh nghiệp cho biết, con số này sẽ chưa dừng lại đó khi Nhật đang đẩy mạnh nhập khẩu tôm từ nước ta.

Tại thị trường Nhật Bản, sản phẩm tôm của Việt Nam xuất khẩu sang chủ yếu là tiêu thụ ở các kênh như nhà hàng, khách sạn. Do đó, phần lớn thị trường này nhập khẩu các sản phẩm tôm tinh chế. Điều đáng phấn khởi, lâu nay ngành tôm nước ta đã hướng đến chế biến những sản phẩm này khá tốt.

Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu tôm của nước ta đạt gần 800 triệu USD. Riêng thị trường Nhật đạt hơn 161 triệu USD, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2016. Với những tín hiệu lạc quan của thị trường và sự chuẩn bị tốt về mọi mặt, kỳ vọng ngành tôm Việt Nam sẽ khởi sắc hơn trong thời gian tới.

VTV