Khung mùa vụ nuôi tôm 2018 ở Sóc Trăng và những lưu ý
Ngành Thủy sản Sóc Trăng đưa ra khung mùa vụ phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh Sóc Trăng và đưa ra một số khuyến cáo.
Vụ nuôi tôm nước lợ của tỉnh Sóc Trăng bắt đầu từ 29/12/2016 đến hết tháng 9/2017, trong đó tạm dừng thả giống từ đầu tháng 3 đến hết tháng 4. Đa số người nuôi tôm đã chấp hành tốt, vào giai đoạn đầu vụ, tốc độ thả nuôi tương đối chậm, chủ yếu thả thăm dò hoặc chăm sóc, cải tạo phơi kỹ nền đáy ao, khi thời tiết ổn định mới thả giống. Nhờ vậy, tuy các diện tích thả nuôi ở các huyện, thị xã đều vượt hơn so kế hoạch, nhưng tỉ lệ tôm thiệt hại rất ít, chủ yếu do tác động xấu của môi trường.
Từ những thành công của vụ nuôi năm 2017, căn cứ dự báo tình hình khí tượng thủy văn, quan trắc môi trường, đánh giá diễn biến tình hình nuôi, dịch bệnh và tham vấn ý kiến, kinh nghiệm của người nuôi lâu năm, Ngành Thủy sản Sóc Trăng đưa ra khung mùa vụ phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh Sóc Trăng.
Thạc sĩ Quách Thị Thanh Bình, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng khuyến cáo: “Lịch thời vụ năm 2018 bắt đầu từ ngày 19/1, dự kiến kết thúc vào ngày 30/9/2018. Với tôm thẻ chân trắng có thể thả từ ngày 19/1 và kết thúc vào ngày 30/9. Riêng tôm sú, tốt nhất là thả vào tháng 4 và kết thúc trước ngày 30/9/2018; còn mô hình tôm – lúa thì phải kết thúc sớm trước 30/9 để duy trì mô hình tôm – lúa. Ngành chức năng sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết, quan trắc môi trường và tình hình dịch bệnh để có những thông báo cụ thể và kịp thời trong từng giai đoạn thả nuôi cho bà con. Đặc biệt, địa phương cũng nên xây dựng lịch chi tiết cho từng tiểu vùng, căn cứ trên khung lịch thời vụ chung”.
Ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin để người dân xử lý các diễn biến trong quá trình nuôi. Đặc biệt là các mô hình hiệu quả để người dân mạnh dạn áp dụng vào sản xuất, giữ vững phương châm “nuôi nước trước nuôi tôm” và “thả thăm dò”.
Thạc sĩ Quách Thị Thanh Bình khuyến cáo thêm: “Nông dân cần chú ý, theo dự báo thời tiết thì năm 2018, nước ta sẽ bị ảnh hưởng từ 14 đến 16 cơn bão và hầu như có mưa rãi rác quanh năm. Đặc biệt xuất hiện mưa trái mùa nhiều và tập trung vào tháng 7, tháng 8 có thể mưu dầm kéo dài; độ mặn sẽ tăng cao vào tháng 3, nhưng nhiệt độ tăng cao nhất vào tháng 4 và cuối tháng 4 đầu tháng 5 là thời gian chuyển mua từ nắng sang mưa, do đó đối với nuôi thâm canh và bán thâm canh, bà con có thể bố trí sản xuất quanh năm. Tuy nhiên phải chủ động xây dựng các giải pháp ứng phó với tình hình mưa bão kéo dài. Riêng với các mô hình nuôi nhỏ lẻ thì trong thời gian này nên hạn chế đối đa việc thả giống, bà con cũng nên tăng cường việc trữ nước và nuôi nước”.