TIN THỦY SẢN

Khuyến cáo người nuôi thận trọng trước việc giá cá sấu tăng trở lại

Giá cá sấu tăng trở lại. Ảnh: Internet Công Phong

Giá tăng, song hầu hết các hộ nuôi cá sấu ở Đồng Nai vẫn bất an, bởi đầu ra của vật nuôi này vẫn phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc.

Từ đầu năm 2018 đến nay, giá cá sấu tại Đồng Nai đã tăng trở lại, đạt từ 110.000 đồng/kg – 140.000 đồng/kg. Với giá này, mỗi con cá sấu xuất bán, người nuôi lãi từ 500.000 đồng – 800.000 đồng.

Trong 2 năm 2016 và 2017, do cá sấu rớt giá (trung bình chỉ 50.000 đồng/kg) nên đa số trại cá sấu ở huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai phải giảm đàn. Trước đây, trung bình mỗi năm, trại cá sấu Cổ Hữu Tâm (ấp 2, xã Phú Ngọc, huyện Định Quán), thả nuôi khoảng 4.000 con cá sấu, song do giá thấp, nên năm 2017 trại cá này giảm số lượng nuôi xuống còn hơn 1.000 con. Gần nửa năm qua, cá sấu tăng giá trở lại, trang trại này bắt đầu tái đàn, thả nuôi thêm 2.000 con. 

Ông Nguyễn Văn Vịnh, quản lý trại cá sấu Cổ Hữu Tâm cho biết, hiện cá sấu loại 1 (trọng lượng dưới 15kg/con) đang được thương lái thu mua với giá 140.000 đồng/kg, cá sấu loại 2 (từ 15kg/con trở lên) có giá 110.000 đồng/kg.

Dù giá tăng, song trại cá sấu Cổ Hữu Tâm không có hàng loại 1 để bán. Đa số cá sấu ở trại đã quá lứa, trọng lượng lớn, loại này chỉ tiêu thụ ở thị trường Trung Quốc. Trại cá sấu của ông đã tăng số lượng nuôi, nhưng vẫn rất lo giá cả không ổn định, nguy cơ cá sấu giảm giá vẫn hiện hữu. 

Theo bà Lưu Thị Hương, chủ vựa thu mua cá sấu Hương Công, xã Phú Ngọc, huyện Định Quán, từ 2016 – 2017, lượng cá sấu bà Hương thu mua chủ yếu tiêu thụ trong nước, xuất sang Trung Quốc với số lượng rất ít.

Từ đầu 2018 đến nay, lượng cá sấu xuất sang Trung Quốc tăng lên, hiện đã đạt khoảng 15 tấn/tháng. Đây là nguyên nhân khiến cá sấu tăng giá, giúp người nuôi có lãi. Tuy nhiên, Trung Quốc là thị trường rất bấp bênh, họ có thể ngừng nhập cá sấu Việt Nam bất cứ lúc nào, khi đó, giá cá sấu lại giảm. 

Theo ông Lê Việt Dũng, Chi cục Phó Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai, toàn tỉnh Đồng Nai hiện có hơn 1.000 cơ sở nuôi động vật hoang dã; trong đó, có hơn 50% cơ sở nuôi cá sấu với số lượng trên 180.000 con, tập trung chủ yếu ở huyện Định Quán với hơn 110.000 con. Giai đoạn 2016 – 2017, do cá sấu mất giá nên có khoảng 100 hộ nuôi nhỏ lẻ (số lượng dưới 100 con) đã ngừng nuôi. 

Ông Dũng cho rằng, trước năm 2016, khi Trung Quốc ồ ạt nhập cá sấu của Việt Nam, giá cá sấu đã tăng mạnh, có thời điểm đạt hơn 200.000 đồng/kg. Do chạy theo lợi nhuận trước mắt, nhiều hộ ở Đồng Nai đã đầu tư nuôi cá sấu, khi nguồn cung tăng mạnh, thì Trung Quốc hạn chế nhập, giá cá sấu lao dốc, xuống còn 50.000 đồng/kg. 

Theo ông Lê Việt Dũng, Đồng Nai có nhiều diện tích sông hồ, nguồn thức ăn dồi dào, đây là điều kiện thuận lợi cho việc nuôi cá sấu. Từ đầu năm 2018 đến nay, nhiều hộ đăng ký nuôi cá sấu trở lại, các cơ sở đang hoạt động cũng tăng số lượng nuôi.

Tình trạng này sẽ khiến nguồn cung cá sấu tăng, khi Trung Quốc ngừng nhập giá sẽ giảm. Người nuôi cá sấu cần thận trọng, theo dõi sát thị trường, không nên đổ xô nuôi loại động vật hoang dã này.

Công Phong TTXVN