TIN THỦY SẢN

Kí kết thỏa thuận hợp tác công tư hỗ trợ phát triển thủy sản bền vững

Thu Hiền

Ngày 9/9/2015, lần đầu tiên tại Việt Nam, bản thỏa thuận hợp tác công tư về thủy sản bền vững đã được ký kết, đánh dấu sự nỗ lực của các bên tham gia đóng góp cho sự phát triển của ngành thủy sản Việt Nam theo hướng bền vững và có trách nhiệm.

Hợp tác công tư (PPP) là hình thức hợp tác giúp tối ưu hóa hiệu quả đầu tư và cung cấp dịch vụ công cộng chất lượng cao, mang lại lợi ích cho cả nhà nước và người dân cũng như môi trường của quốc gia sở tại.

Được khởi xướng từ Tổng cục Thủy sản, thỏa thuận hợp tác này còn có sự tham gia sáng lập của 6 thành viên khác, bao gồm: Tổ chức Hợp tác quốc tế CHLB Đức (GIZ), Tổ chức Sáng kiến Bền vững Thương mại (IDH), Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Việt Nam (VASEP), Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản (VIFEP), Hội nghề cá Việt Nam (VINAFIS) và Tổ chức Quốc tế về bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam). Đây là thỏa thuận hợp tác mở, các tổ chức khác có chung nguyện vọng đóng góp cho sự phát triển bền vững của ngành thủy sản Việt Nam đều có thể tham gia.

Tại Lễ ký kết, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Phạm Anh Tuấn khẳng định: Chính phủ Việt Nam đánh giá cao vai trò và sự đóng góp của các tổ chức xã hội dân sự, các tổ chức phi chính phủ, các công ty tư nhân đối với sự phát triển bền vững ngành thủy sản. Thỏa thuận hợp tác này là nền tảng cho sự hợp tác giữa hai khối nhà nước- tư nhân, đồng thời góp phần giảm thiểu sự chồng chéo trong hoạt động và tăng cường sự phối hợp giữa các bên.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP nhận định: Thỏa thuận hợp tác này sẽ hỗ trợ cho sự phát triển của ngành thủy sản khi hướng tới mục tiêu phát triển có trách nhiệm và đáp ứng nhu cầu đặt ra từ các thị trường xuất khẩu.

Đại diện của GIZ, ông Christian Henckes, Giám đốc Chương trình GIZ/ICMP cho rằng: “Thách thức lớn của ngành thủy sản Việt Nam tại thời điểm hiện tại là chuyển đổi từ sản xuất dựa trên số lượng sang sản xuất dựa trên chất lượng. Tromg xu thế đó, chính phủ cần kêu gọi được sự chung tay của tất cả các bên, đặc biệt là doanh nghiệp và nhà sản xuất. Và hình thức hợp tác công - tư lúc này trở thành một bước đi quan trọng, đúng hướng”.

Một số đại biểu khác cũng cho rằng, khi tham gia PPP, các doanh nghiệp và thậm chí là cả ngư dân cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ việc thực hiện các chiến lược, chương trình và chính sách về thủy sản bền vững tại Việt Nam.

Ông Huỳnh Tiến Dũng, Quản lý các Chương trình bảo tồn WWF Việt Nam bày tỏ sự vui mừng khi thỏa thuận này được kí kết. Theo ông Dũng, thỏa thuận này phản ánh cái nhìn đúng đắn của nhà nước đối với vai trò và sự đóng góp của các tổ chức dân sự xã hội, các tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp cho sự phát triển Thủy sản Việt Nam có trách nhiệm về môi trường và xã hội. Flavio Cosin, Giám đốc IDH cũng cam kết sẵn sàng hỗ trợ nông dân chuyển đổi sang mô hình sản xuất có trách nhiệm, đặc biệt thông qua các dự án thuộc Quỹ nông dân chuyển đổi chuyên về lĩnh vực quản lý sức khỏe và thực phẩm.

Với tất cả ý nghĩa và tầm quan trọng đó, các thành viên của PPP cam kết hợp tác trong việc phát triển và thực hiện các hoạt động liên quan đến phát triển và thúc đẩy nghề cá có trách nhiệm, hỗ trợ phát triển các chiến lược quốc gia, chương trình, kế hoạch và chính sách có liên quan về nghề cá có trách nhiệm và bền vững tại Việt Nam, hỗ trợ phát triển những giải pháp khuyến khích (như ưu đãi về tài chính, hỗ trợ kỹ thuật) cho việc tiếp nhận các thực hành có trách nhiệm, xúc tiến các sản phẩm thủy sản có trách nhiệm trên thị trường quốc tế và trong nước.

Sau lễ kí kết, một số hoạt động sẽ được tiến hành như dự án AIP/FIP nhằm ủng hộ phát triển thủy sản, thúc đẩy sự đóng góp của khối tư nhân cho các trang trại nuôi tôm quy mô nhỏ và xúc tiến chuỗi cung ứng tôm có trách nhiệm tại Việt Nam, khuyến khích thị trường trong nước và nước ngoài đối với sản phẩm thủy sản bền vững, có chứng chỉ, hỗ trợ quá trình phát triển kế hoạch hành động quốc gia về thủy sản.

Thu Hiền Fistenet, 09/09/2015